Grab: Hãng gọi xe lớn nhất Đông Nam Á, phi vụ IPO tại Mỹ với định giá gần 40 tỷ USD

12:48 | 14/04/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau nhiều năm tăng trưởng doanh thu nhưng vẫn báo lỗ nặng, Grab - hãng đặt xe và giao đồ ăn lớn nhất Đông Nam Á - đang chuẩn bị kế hoạch niêm yết tại Mỹ với mức định giá lên tới 39,6 tỷ USD.
Đây là công ty công nghệ cung cấp dịch vụ vận chuyển và đi lại tại Việt Nam, Malaysia, Singapore và các quốc gia Đông Nam Á. Ban đầu, Grab chủ yếu hoạt động với xe ôtô giống Uber nhưng sau đó, khi nhận thấy tình trạng giao thông ùn tắc tại các đô thị, thành phố lớn, Grab đã triển khai thêm dịch vụ GrabBike với phương tiện là xe gắn máy tại Việt Nam, Indonesia và Thái Lan.

Hiện nay, dịch vụ Grab đã phủ khắp tám quốc gia và 195 thành phố ở Đông Nam Á với trên 90 triệu lượt tải xuống của các thiết bị di động. Như vậy, ước tính, nền tảng này có hơn 05 triệu đối tác là tài xế và đại lý và 05 triệu người sử dụng hằng ngày.

Grab: Hãng gọi xe lớn nhất Đông Nam Á, phi vụ IPO tại Mỹ với định giá gần 40 tỷ USD - ảnh 1

Grab nhanh chóng mở rộng và chiếm thị phần rất lớn trong ngành.

Bắt đầu từ tháng 2 năm 2014, ứng dụng đã có mặt tại Việt Nam với với pháp nhân đầu tiên là Công ty TNHH GrabTaxi (tiền thân của Công ty TNHH Grab), cung ứng chủ yếu dịch vụ GrabTaxi. Sau đó không ngừng mở rộng thêm với hàng loạt dịch vụ đa dạng, như: GrabBike, GrabCar, GrabExpress, GrabFood… để phục vụ cho mọi nhu cầu di chuyển của khách hàng. 

Tại thời điểm đó, tổng nguồn vốn của Grab chỉ có gần 4,4 tỷ đồng. Sau gần 10 tháng hoạt động, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 1,5 tỷ từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1,5 tỷ nhưng báo lỗ sau thuế gần 52 tỷ đồng.

Năm 2015, Grab được hợp thức hóa hoạt động kinh doanh, mở rộng mô hình nên đạt doanh thu vượt trội là 32 tỷ đồng sau khi tiến quân vào các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. 

Năm 2016, doanh số của hãng đã tăng trưởng gấp 5,8 lần lên con số 188 tỷ đồng. Tới năm 2017, doanh số tăng lên 759 tỷ đồng, gấp 4 lần so với năm trước. 

Năm 2018 đánh dấu bước tăng trưởng đột biến của Grab khi thâu tóm thành công đối thủ lớn tại thị trường Đông Nam Á (bao gồm cả Việt Nam) là Uber. Đây là thỏa thuận mua bán, sáp nhập lớn nhất trong lịch sử tại khu vực Đông Nam Á giữa các startup. Nhờ vậy, doanh thu Grab Việt Nam tăng gần gấp 3 lần năm 2017 và gấp gần 1.500 lần năm 2014 khi chạm ngưỡng 2.194 tỷ đồng.

Tới cuối tháng 3 năm 2020, vốn điều lệ của Grab Việt Nam đã lên tới 20 tỷ đồng. 2 cổ đông là Grab Inc (có trụ sở tại Cayman Islands, nắm giữ 49% VĐL) và bà Lý Thụy Bích Huyền (nắm giữ 51% VĐL). Giám đốc điều hành kiêm người đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Thái Hải Vân (SN 1980). 

Các dịch vụ của Grab đang hoạt động

GrabBike: Sử dụng phương tiện xe máy 2 bánh để đáp ứng nhu cầu đi lại của khách hàng với giá thành rẻ hơn di chuyển bằng xe hơi 4 bánh.

GrabCar: Đáp ứng nhu cầu đi lại của khách hàng bằng dịch vụ xe hơi 4 bánh, có giá thành rẻ hơn taxi truyền thống.

Grab: Hãng gọi xe lớn nhất Đông Nam Á, phi vụ IPO tại Mỹ với định giá gần 40 tỷ USD - ảnh 2
Grab mở rộng thêm các hoạt động kinh doanh.

GrabTaxi: Đáp ứng nhu cầu đi lại của khách hàng bằng dịch vụ xe 9 chỗ ngồi trở xuống, kết nối các tài xế Taxi của các hãng taxi tại Việt Nam, giá thành tính theo đồng hồ điện tử của xe chứ không theo ứng dụng Grab.

Grab đi tỉnh: Đáp ứng nhu cầu đi những chuyến đi xa có lượt đi và lượt về trong ngày dành cho GrabCar 2 chiều, có mức giá tiết kiệm hơn so với dịch vụ thường.

GrabExpress: Đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của khách hàng bằng tài xế GrabBike rảnh rỗi trong khu vực nội thành.

GrabFood: Đáp ứng nhu cầu giao thức ăn/nước uống từ các cửa hàng, khi khách hàng đặt qua ứng dụng Grab, tài xế GrabBike rảnh rỗi sẽ thực hiện ship hàng nhanh nhất.

GrabHour: Đặt xe riêng và tính cước phí theo giờ, giúp khách hàng chi chuyển nhiều điểm một cách linh động.

Grab Moca: Ví điện tử hỗ trợ thanh toán dịch vụ thông qua thẻ tín dụng như các thẻ Credit và Debit Master Card/Visa để thay thế cho tiền mặt.

Vì sao Grab trở nên phổ biến tại Việt Nam đến vậy?

Với đông đảo lợi ích mà Grab mang lại, ứng dụng nhận được sự đón nhận đông đảo từ người dân. Một số đặc điểm có thể kể đến là:

Hiển thị thông tin tài xế: Gia tăng cảm giác an tâm cho khách hàng;

Chủ động nắm bắt lộ trình: Nắm rõ vị trí của tài xế và bản thân từ đầu tới khi kết thúc hành trình;

Phương tiện thuận tiện: Có nhiều loại hình phương tiện để đáp ứng với nhu cầu khách hàng cũng như tình hình giao thông hiện nay ở nội thành;

Chi phí rẻ, không sợ chặt chém: Với nhiều mã khuyến mãi, mã giảm giá của Grab tặng, khách hàng có thể di chuyển với chi phí tiết kiệm được hiển thị ngay từ đầu tới khi kết thúc hành trình, không sợ bị tăng giá bất chợt.

Tình hình hoạt động kinh doanh của Grab Việt Nam

Grab là một trong những doanh nghiệp đạt được những mức doanh thu tăng trưởng liên tiếp theo cấp số nhân nhưng vẫn báo lỗ hàng nghìn tỷ mỗi năm. Trong năm 2019, tổng cộng Grab ghi nhận 3.382 tỷ đồng doanh thu, tăng 54% so với năm liền trước, trong khi đó khoản lỗ lên tới 1.670 tỷ, tăng 89% so với số lỗ năm liền trước.

Đây cũng là doanh thu và khoản lỗ năm lớn nhất mà hãng phải chịu từ khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Trước đó, Grab cũng đã báo lỗ hàng nghìn tỷ mỗi năm. Năm 2015, doanh nghiệp báo số âm 442 tỷ đồng khi lợi nhuận sau thuế lại giảm gần 9 lần trong khi doanh thu công ty tăng hơn 20 lần. Năm 2016 và 2017, khoản lỗ cũng tăng thêm, lần lượt lên tới 445 tỷ và 789 tỷ đồng.

Vụ kiện đình đám giữa Grab và Vinasun

Năm 2015, Vinasun nộp đơn khởi kiện Grab lên TAND TP.HCM, yêu cầu phải bồi thường hơn 41 tỷ đồng. Theo đơn khởi kiện, Vinasun cho rằng trên thực tế Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, một lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun. 

Nhưng Grab lại đăng ký hoạt động tại thị trường Việt Nam thông qua Quyết định 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 của Bộ Giao thông vận tải về việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, tức cung cấp phần mềm cho đơn vị kinh doanh vận tải.

Như vậy, Grab bị khởi kiện do hành vi vi phạm pháp luật, đánh tráo khái niệm, gây thiệt hại nghiêm trọng về doanh thu, lợi nhuận của Vinasun.

Ngược lại, Grab khẳng định hình thức kinh doanh của Grab chỉ là "cung ứng phần mềm kết nối giữa lái xe và khách hàng" nên đề nghị cấp phúc thẩm không chấp nhận đơn khởi kiện của Vinasun hoặc đình chỉ vụ án.

Sau đó, tòa án sơ thẩm đã ra quyết định buộc Grab bồi thường cho Vinasun 4,8 tỷ đồng, bác bỏ mức 41 tỷ đồng của Vinasun. Sau đó, cả bên nguyên đơn và bị đơn cùng kháng cáo tới TAND cấp cao.

Grab: Hãng gọi xe lớn nhất Đông Nam Á, phi vụ IPO tại Mỹ với định giá gần 40 tỷ USD - ảnh 3

Đại chiến đình đám giữa Grab và Vinasun.

Tại phiên phúc thẩm sáng 10/03/2020, phía bị đơn Grab đã đưa ra 5 điểm tranh luận cho thấy vì sao vụ kiện này nên bị đình chỉ, bác bỏ:

Tòa án không có thẩm quyền định danh doanh nghiệp;

Không có cơ sở khi nhận định Grab vi phạm Nghị định 86 và Đề án thí điểm;

Không có căn cứ để xác định thiệt hại chi phí xe nằm bãi của Vinasun;

Nghi ngờ năng lực của đơn vị giám định thiệt hại;

Phương án giám định thiệt hại có nhiều sai sót.

Kết luận, TAND cấp cao tại TP.HCM đã tuyên bác kháng cáo và kháng nghị của các bên liên quan, giữ nguyên bản án sơ thẩm là Grab phải bồi thường cho Vinasun 4,8 tỷ đồng.

Tới tháng 6 năm 2020, cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM là ông Vũ Quốc Doanh ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun). Kể từ ngày Vinasun có đơn yêu cầu thi hành án, nếu Grab không thanh toán số tiền trên thì phải thanh toán tiền lãi trên số tiền phải thi hành. Ngoài ra Grab còn phải hoàn trả cho Vinasun 347 triệu đồng chi phí giám định. 

Mâu thuẫn giữa doanh nghiệp và các tài xế Grab

Không chỉ một, hai lần mà đã rất nhiều lần các tài xế Grab thực hiện hành vi và thái độ kháng nghị với sự thay đổi chính sách của Grab Việt Nam. Tháng 12 năm 2020, hàng trăm lái xe đã thực hiện biểu tình tại trụ sở Grab ở phố Duy Tân (Hà Nội) khi đơn vị này áp dụng thu thêm tiền đối tác để nộp thuế VAT, đồng thời tăng giá cước các dịch vụ GrabCar, GrabBike, GrabFood và giao hàng siêu tốc. 

Cụ thể, mức khấu trừ trên mỗi chuyến xe của lái xe sẽ tăng lên lần lượt là 28,364% và 32,841%. Giá các dịch vụ GrabCar và GrabCar 7 chỗ tăng từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng, tức là thêm 2.000 đồng cho 2 km đầu tiên, và tăng từ 8.500 đồng lên 9.500 đồng cho mỗi km tiếp theo. Mức tăng tương tự áp dụng với cả dịch vụ GrabCar 7 chỗ. 

Grab: Hãng gọi xe lớn nhất Đông Nam Á, phi vụ IPO tại Mỹ với định giá gần 40 tỷ USD - ảnh 4

Grab từng nhiều lần bị tài xế "tố" và thể hiện thái độ kháng nghị.

Vụ việc gây tranh cãi khi việc tăng thu từ đối tác lái xe và tăng cước của Grab thực chất chỉ bù lại cho đối tác lái xe về danh nghĩa. Khi nhiều người chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, đông đối tác tham gia Grab hơn và nhu cầu từ khách hàng cũng tăng cao thông qua sử dụng các dịch vụ trực tuyến, dịch vụ giao hàng, dịch vụ đi xe… doanh thu của hãng sẽ tăng, chi phí hạ tầng giảm, kéo theo tăng lợi nhuận.

Vậy mà Grab vẫn tiến hành tăng cước lên người tiêu dùng và tăng thu chiết khấu của lái xe. Hành vi này bị chỉ trích là “móc túi” chứ không “cùng nhau có lợi”.

Tiến hành IPO tại Mỹ, Grab công bố vụ sáp nhập kỷ lục 

Để mở đường cho quá trình niêm yết tại Mỹ, hãng gọi xe lớn nhất Đông Nam Á đã tiến hành thương vụ sáp nhập lớn chưa từng có với một công ty SPAC, được định giá 39,6 tỷ USD, do Altimeter Capital hậu thuẫn.

Đây cũng là xu thế đang được nhiều doanh nghiệp khác như Traveloka... tận dụng để bỏ qua quy trình truyền thống của Wall Street. Ngoài Grab, Traveloka cũng đang thực hiện quá trình tương tự.

Vụ sáp nhập này sẽ giúp Grab mở đường khi tiến hành IPO tại Mỹ. Grab cho biết, sau khi thương vụ hoàn tất, họ dự định niêm yết trên sàn Nasdaq với mã GRAB. Theo thỏa thuận, Grab sẽ nhận khoảng 4,5 tỷ USD tiền mặt.

 
Phương Thúy