Gửi hồ sơ quốc gia Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ tới UNESCO

14:51 | 30/03/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Thủ tướng đồng ý gửi hồ sơ quốc gia đề nghị UNESCO xem xét đưa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Gửi hồ sơ quốc gia Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ tới UNESCO - ảnh 1
Tranh dân gian Đông Hồ thể hiện sinh động đời sống xã hội nông nghiệp Việt Nam cổ truyền với các phong tục, tập quán sinh hoạt. (Ảnh: TTXVN) 
Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý gửi hồ sơ quốc gia đệ trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét đưa “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký hồ sơ theo quy định.
Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm các thủ tục cần thiết để gửi hồ sơ tới UNESCO.Trước đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) triển khai thực hiện xây dựng hồ sơ theo quy định và hướng dẫn tại Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.
Đến ngày 3/3, hồ sơ đã hoàn thiện theo theo quy định và nộp về cơ quan Thường trực Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.
Việc lập hồ sơ này có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa làng nghề, nâng cao ý thức cộng đồng trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Nghề làm tranh Đông Hồ là nghề làm tranh khắc gỗ dân gian, do người dân làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) sáng tạo và phát triển thành làng nghề.
Tranh dân gian Đông Hồ ra đời từ khoảng thế kỷ 16-17 và phát triển mạnh cho đến nửa đầu thế kỷ 20. Dòng tranh này gắn bó và thể hiện sinh động đời sống xã hội nông nghiệp Việt Nam cổ truyền với các phong tục, tập quán sinh hoạt.
Dựa vào nội dung, chủ đề, tranh dân gian Đông Hồ được chia thành các loại chính: tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh truyện, tranh phương ngôn, tranh cảnh vật và tranh phản ánh sinh hoạt.
Các công đoạn làm tranh (sáng tác mẫu, khắc ván in, làm màu, in tranh…) đều được thực hiện thủ công.
Với những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1, tháng 12/2012), thuộc loại hình Nghề thủ công truyền thống./