Hà Anh Tuấn: Thế hệ tôi đang là dấu gạch nối của nhiều thứ

Cát Khuê 16:18 | 05/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Không phải chỉ khi dịch bệnh hoành hành thì khán giả mới biết đến tấm lòng của Hà Anh Tuấn. Là một ca sĩ có các sản phẩm âm nhạc đậm thẩm mỹ cá nhân, Hà Anh Tuấn còn có tiếng là người tử tế.

 

Hà Anh Tuấn trên sân khấu - Ảnh: GIA TIẾN

Tử tế không chỉ bởi cách ứng xử với đồng nghiệp, với bạn bè, với khán giả - bao năm trong nghề không bị điều tiếng - mà còn bởi Hà Anh Tuấn thường không ngừng lại với các công việc thiện nguyện từ nho nhỏ như nấu cơm cùng cả Sài Gòn đến thật to như trồng mấy cánh rừng.

Và Tuấn vẫn chưa dừng lại.

Tôi có nhiều ấp ủ và tham vọng với “Rừng Việt Nam”

* Dự án “Rừng Việt Nam” được Hà Anh Tuấn khởi lên mong muốn thực hiện từ khi nào, có lý do đặc biệt nào đó “thúc” vào lưng mình để phải làm, mong muốn làm không?

- Tôi luôn lắng nghe mình thật kỹ trước khi quyết định làm điều gì mới. Thường tôi luôn tự hỏi vì sao mình muốn làm điều này vào lúc này, dù mọi ý tưởng dường như đến tích tắc mà không báo trước như kiểu kế hoạch được định sẵn.

“Rừng Việt Nam” là một trong những thứ như thế - từ lúc tôi nghĩ cho đến khi công bố với công chúng chỉ vỏn vẹn 72 tiếng đồng hồ, sau khi đã trao đổi về tính khả thi và các nền tảng quan trọng ban đầu với các cộng sự.

Lúc này, khi đã cùng mọi người trồng 3 cánh rừng nhỏ, nghiệm lại tôi thấy hóa ra mọi thứ chính là sự trăn trở từ lâu, thể hiện thái độ sống và cả những thông điệp không bằng âm thanh, tất cả dồn cái ý tưởng kia ra đời.

Tôi vẫn nhớ mình đã vui như thế nào khi “khoe” với khán giả của mình ngay trên sân khấu “Truyện Ngắn in Concert”. Vì vậy, lý do chính để “Rừng Việt Nam” ra đời, đơn giản đó là việc tôi phải làm vào đoạn này của cuộc đời.

'Sài Gòn, anh yêu em' của Hà Anh Tuấn - Nguồn: Live On

* Bắt đầu bằng cam kết từ cuối tháng 10-2020, Hà Anh Tuấn đã trồng 1.500 cây mai anh đào tại Lâm Đồng và 305 cây bản địa tại Đà Nẵng. Ở “giai đoạn này của cuộc đời” như bạn nói, những cây rừng ấy đang ra sao?

- Từ thời điểm ấy đến bây giờ, cánh rừng thứ 3 với 26.000 cây sa mộc cũng đã được hình thành tại Vị Xuyên (Hà Giang) vào đầu năm nay. “Rừng Việt Nam” được hình thành và bảo vệ bởi ba thành tố: những người khởi lập, công chúng khán giả và người dân địa phương.

Chúng tôi cậy nhờ lực lượng thanh niên, kiểm lâm và đặc biệt người dân tại từng địa phương theo dõi, săn sóc và báo lại giúp về tình trạng của cây theo từng giai đoạn. Thời gian 2 cánh rừng ở Lâm Đồng và Đà Nẵng vừa hình thành thì bão lớn tới, chúng tôi đã khá lo lắng.

Nhưng với kinh nghiệm và quyết tâm của những người dân yêu rừng ở các địa phương, những hình ảnh mới nhất mà họ gửi về cho chúng tôi là cây non nhú mầm khỏe mạnh.

Sẽ còn cả chặng đường dài vài năm để có thể nhìn thấy những cánh rừng nhỏ, tuy nhiên chúng tôi đã chuẩn bị nguồn lực để thay thế cây non hao hụt.

Tôi có nhiều ấp ủ và tham vọng với “Rừng Việt Nam”. Nhìn lại tổng thể, tham vọng động lực của “Rừng Việt Nam” nhiều hơn so với việc trồng cây và lại không phải chỉ là việc của một vài người.

Dự án Rừng Việt Nam là một hoạt động mà Hà Anh Tuấn tâm đắc theo đuổi

* Là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi nổi tiếng trong lĩnh vực của mình nhưng lại không xuất phát từ nghèo khó. Rất xin lỗi bạn phải nhắc, để hỏi một câu thật tế nhị, dù vẫn được biết luôn là người tận tâm với những hoạt động thiện nguyện nhưng hình như sau mất mát lớn vì sự ra đi của một người ruột thịt, Hà Anh Tuấn đang sống hết mình hơn bằng cách muốn cho đi nhiều, nhiều hơn?

- Xin cảm ơn chị khi cùng tôi đối diện với chuyện này. Rất may mắn tôi đã biết cách đối diện với những chuyện vượt khỏi tầm kiểm soát của mình theo cách phù hợp nhất, đó là chấp nhận và biến nó thành vốn sống quý giá của riêng mình.

Bất cứ sự mất mát nào cũng là khởi đầu cho một hình thức sở hữu mới. Khi bố tôi qua đời, toàn bộ cách tôi nhìn về cuộc đời và hệ giá trị hầu như thay đổi. Tôi yếu lòng hơn, tuy nhiên lại mạnh mẽ hơn, cho những quyết định theo đuổi thứ mình tin trong phần còn lại của cuộc đời.

Có một điều này rất hay tôi tự nhận ra: trong cuộc đời này rốt cuộc không ai ép được ai làm điều gì. Chúng ta chỉ là những lời gợi ý cho nhau để mỗi người tự tìm ra lối đi tiếp theo.

Sự mất mát theo quy luật tự nhiên cũng là một lời gợi ý về sự vô thường nhỏ bé. Hay ví dụ, khi quan sát “Rừng Việt Nam”, chị thấy nó có giá trị đáng mến vì nó gợi ý một góc sâu trong con người chị vốn dĩ từ lâu đã muốn trồng và bảo vệ vùng sống xanh.

Tôi luôn quan sát mỗi ngày để nhận ra chính mình hiện hữu trong những lời gợi ý.

Hà Anh Tuấn cùng tham gia trồng rừng với mọi người - Ảnh: CAO TRUNG HIẾU

Sự sẻ chia sẽ bảo vệ sự thanh thản rất lâu về sau

* Thế còn việc thiện nguyện, bạn thường lắng nghe từ đâu để quyết định cho những “đầu tư” của mình khi trồng rừng, góp sức cho Như chưa hề có cuộc chia ly, rủ cả Sài Gòn nấu cơm?

- Tôi lắng nghe mình, từ những sự quan sát. Người tôi tin nhất là bản thân mình, dù lắm khi kẻ tôi ghét nhất cũng là mình. Ký ức trong trí nhớ của tôi từ bé đến bây giờ luôn gắn liền với những số phận người xung quanh.

Đó là cách để tôi không quên cách mình quan sát về cuộc sống và để nhớ mình lớn lên như thế nào. Những việc nhỏ gần đây mà tôi xung phong tham gia cũng bắt đầu từ việc lắng nghe và quan sát.

Tôi học cách yêu quý, sống biết điều và nhìn tận cùng về sự giàu có từ sự chia sẻ từ chính những người dân hồn hậu bình dị. Chẳng ai dạy ai, nhưng nếu thực sự “sống” sẽ không thể không nhận ra. Sự giàu có vật chất sẽ giúp mình êm ấm hiện tại, nhưng sự sẻ chia sẽ bảo vệ sự thanh thản rất lâu về sau.

Hà Anh Tuấn hết mình trên sân khấu

* Những người làm thiện nguyện hay nhắc một công thức “cho cần câu thay vì cho con cá”. Hà Anh Tuấn làm theo cách của mình hình như hơi khác, vì sao?

- Cũng không khác mấy đâu, tôi chỉ nghĩ thực dụng hơn chút xíu. Rằng phải mời họ bữa cơm cá trước cho qua cơn đói, rồi ngồi xuống ta bàn về cách dùng cần câu.

Cái nhà đang cháy to thì phải dập bằng được lửa lớn, rồi ta sẽ nói chuyện về hệ thống phòng cháy chữa cháy. Tôi nghĩ khi một người giúp một người đều mong sự giúp sức của mình căn cơ, trở thành một cảm hứng sống để người ta khai phóng sức mạnh của sự sinh tồn trong chính mình.

Ví dụ sự đoàn tụ của những cuộc chia ly, ấy là kết quả của bao nhiêu sức người, tâm người và cả sự thuận tình của số phận. Không tiền của nào so sánh được, nhưng nếu không có nguồn lực trước mắt thì bằng ấy mảnh ghép không kết dính lại được với nhau. Nên ta cần cả cần câu và con cá!

* Nhiều năm làm thiện nguyện, kinh nghiệm của bạn rút ra là gì cho sự bắt đầu, thực hiện và rời đi một cách yên lòng?

- Là đừng mong chờ nhận lại bất cứ điều gì. Có nghĩa là làm vì mình cần làm và muốn làm. Khi đặt mình độc lập ở giữa mọi quyết định của mình, mọi ý nghĩa tốt đẹp sẽ được gìn giữ. Cũng vì vậy khi làm việc nghĩa đừng bao giờ nghĩ mình đang đứng trên người khổ để ban ơn.

Chúng ta sống trong một xã hội mà mỗi cá nhân đều là một thành tố tác động lẫn nhau dù cách này hay cách khác. Mỗi người là một số phận, đơn giản là người may mắn hơn giúp người kém may mắn hơn, bây giờ và ngay lúc này.

Trong trường hợp cụ thể của mình, tôi chưa bao giờ mảy may mưu cầu thêm sự nổi tiếng trong những việc xã hội (ngược lại thì có thể). Với sự nghiệp âm nhạc quý giá của mình lại càng không, vì bạn không thể yêu nhạc của ai đó chỉ vì họ làm việc tốt. Tôi nghĩ mình tự trọng và khắc nghiệt tuyệt đối về điều ấy.

Năm 2022 chắc chắn sẽ là khởi đầu

* Từ góc nhìn của mình, theo Tuấn, để góp sức cho những thay đổi tích cực của đất nước, mỗi người trẻ, cần những gì và ra sao?

- Tuổi trẻ vốn dĩ đã là một tài sản lớn. Định nghĩa người trẻ của tôi đã khác nhiều, ấy là khi người ta còn muốn trẻ. Tìm tòi học hỏi, tôn trọng vốn sống và mạo hiểm với sự sáng tạo. Trên hết là phải biết ơn và trả lại cuộc đời ngay khi mình còn đang sung sức.

Tôi hay nhìn lại những năm 20 của mình để dự đoán những tháng ngày tiếp theo đây. Thế hệ tôi đang là dấu gạch nối của nhiều thứ, trong đó quan trọng nhất là sự bền vững. Thế giới, cuộc sống, văn hóa và kinh tế đều đang vận hành theo tiêu chí hướng đến sự bền vững.

Có nghĩa là đừng biến sự mất mát của tự nhiên thành lợi ích của chính mình. Không thể hạnh phúc mà xung quanh toàn nỗi khổ đau, không thể giàu có mà xung quanh toàn nghèo khó. Không có điều diệu kỳ, chỉ có logic về sự hợp sức, sẻ chia để bền vững.

Tôi chưa bao giờ nghi ngờ về tuổi trẻ, nhưng kỳ vọng nhiều thứ hơn về văn hóa và những ngôn ngữ xứng tầm với khát vọng Việt Nam.

* Và những kế hoạch lớn trong đời theo từng mốc thời gian, hẳn người trẻ nào cũng từng đặt ra. Trải qua hai năm COVID-19, hiện tại với bạn, những mốc thời gian cho mình ở phía trước đang là gì, sẽ là gì cho tương lai?

- Điểm yếu của tôi là sự dễ chán. Nên nhiệm vụ tối ưu của tôi là giữ cho mình không chán với những thứ dễ thấy, dễ đoán. Nếu cuộc đời và sự nghiệp của tôi sắp tới đơn giản đến mức người ta có thể dùng sự hoang đường của mình đúc kết trong vài dòng thì tầm thường quá nhỉ?

Nói chung tôi chưa bao giờ ngừng suy nghĩ và chuẩn bị vốn liếng để “chơi” với chính mình trong nhiều năm.

Những tháng ngày COVID-19 sẽ trở thành lịch sử với sự khốc liệt đến hoang mang, nhưng có một mặt tốt là nó khiến con người nhận ra nhiều hệ giá trị mà vì tham lam chúng ta thường hy sinh.

Tôi cũng tranh thủ thời gian này để quan sát. Từ đó trong nghệ thuật và âm nhạc, tôi có nhiều chất liệu bộc phá để chuẩn bị. Trong đời sống nhân sinh quan, tôi có cơ hội nhìn xuyên qua vài thứ hay ho và bình tâm.

Tôi đoán năm 2022 sẽ là khởi đầu mới của nhiều thứ. Mà đã khởi đầu thì không ai biết tốt hay xấu. Nhưng chắc chắn người ta khấp khởi hy vọng và tin yêu.

Ảnh: CAO TRUNG HIẾU

ĐỌC NHIỀU