Hà Nội tập trung đưa huyện Gia Lâm lên quận vào năm 2023

Nguyễn Minh Quyết 07:35 | 25/12/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh thống nhất cần tập trung cao độ cho huyện Gia Lâm hoàn thành lên quận trong năm 2023.

Ngày 24/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của thành phố đã chủ trì họp trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo và các địa phương, theo tờ Kinh tế & Đô thị.

Báo cáo tại buổi làm việc trực tuyến của Chủ tịch UBND Hà Nội với các đơn vị về đề án đưa 5 huyện lên quận gồm Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức và Thanh Trì, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nguồn lực đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2021-2025) cấp thành phố để thực hiện các đề án dự kiến bố trí 13.105 tỷ đồng để đầu tư 36 dự án.

Ngoài ra, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2021-2025) còn dự kiến đầu tư cho 44 dự án, hiện đang hoàn thiện các thủ tục để đủ điều kiện bố trí vốn với tổng mức đầu tư dự kiến là 11.468 tỷ đồng.

Đối với dự án nhiệm vụ chi cấp huyện được thành phố hỗ trợ, năm 2021, thành phố hỗ trợ 1.169 tỷ đồng và năm 2022 là 1.065 tỷ đồng cho 5 huyện. Về ngân sách cấp huyện, 5 huyện dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho 1.866 dự án với kinh phí là 69.763 tỷ đồng.

Các huyện đều thiếu từ 2 đến 6 tiêu chí lên quận. (Ảnh minh họa: HV).  

Để hoàn thành đề án lên quận, các huyện phải đạt được hai nhóm tiêu chí, gồm có 27 tiêu chí để huyện thành quận và 15 tiêu chí để xã thành phường.

Về kết quả đạt được các tiêu chí lên quận ước đến hết năm 2021, huyện Đan Phượng và huyện Đông Anh đạt 21/27 tiêu chí; huyện Gia Lâm đạt 25/27 tiêu chí; huyện Hoài Đức đạt 22/27 tiêu chí; huyện Thanh Trì đạt 24/27.

Tuy nhiên, về kết quả các tiêu chí xã thành phường, huyện Đan Phượng còn 81 tiêu chí chưa đạt của 16 xã; huyện Đông Anh còn 81 tiêu chí chưa đạt của 24 xã; huyện Gia Lâm còn 71 tiêu chí chưa đạt của 21 xã; huyện Hoài Đức còn 62 tiêu chí chưa đạt của 19 xã; huyện Thanh Trì còn 40 tiêu chí chưa đạt của 16 xã.

Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, các huyện cần tập trung thu hút các khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Đây là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội cho người dân địa phương.

Ông Quyền đề nghị các huyện đề xuất cơ chế chính sách theo dạng ứng vốn để giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông.

Theo Zing, tại kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh yêu cầu các huyện chủ động rà soát các tiêu chí, lộ trình, giải pháp và có danh mục dự án để xác định rõ đầu việc, gắn với trách nhiệm của từng đơn vị.

Người đứng đầu chính quyền Hà Nội cũng thống nhất cần tập trung cao độ cho huyện Gia Lâm hoàn thành lên quận trong năm 2023. Đối với 4 huyện còn lại tập trung nguồn lực để phấn đấu triển khai trong nhiệm kỳ này.

Ông Chu Ngọc Anh yêu cầu các địa phương tập trung vào khối sản xuất kinh doanh, có giải pháp đột phá trong chính quyền số, kinh tế số, y tế, giao thông thông minh. Sở, ngành khẩn trương rà soát các dự án chậm triển khai, ưu tiên các dự án có tính đột phá để hoàn thiện tiêu chí lên quận của 5 huyện này.

Theo chương trình 4 do Thành ủy Hà Nội ban hành vào tháng 3 năm nay, trọng tâm xác định mục tiêu xây dựng, phát triển nông thôn và nâng cấp 8 huyện lên quận cho giai đoạn 10 năm tới.

Cụ thể, thành phố sẽ tập trung xây dựng 5 huyện sẽ lên quận giai đoạn 2021-2025 là Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng và 3 huyện lên quận giai đoạn 2026-2030 là Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh.