Hàng giả, hàng nhái - vấn nạn của thương mại điện tử
16:15 | 19/04/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Hàng hóa đa dạng, đặt hàng dễ dàng, thanh toán, nhận hàng thuận tiện… là những ưu điểm nổi bật của mua sắm điện tử. Tuy nhiên, bên cạnh đó, tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái qua thương mại điện tử đang diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp.
Theo số liệu thống kê, hiện Việt Nam có khoảng hơn 20.000 trang website thương mại điện tử (TMĐT) bán hàng và gần 900 trang web cung cấp dịch vụ TMĐT được ngành chức năng xét duyệt, cho phép hoạt động. Chỉ tính riêngnăm 2018, tốc độ tăng trưởng TMĐT Việt Nam đạt mức 30% với tổng doanh thu bán lẻ TMĐT (B2C) đạt trên 8 tỷ đô la.
Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của TMĐT như người mua và người bán không gặp mặt mà chỉ liên lạc trên môi trường mạng, các công cụ tìm kiếm thuận tiện, cho phép người mua tìm kiếm dễ dàng,hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã xuất hiện ngày càng nhiều trên các gian hàng trực tuyến. Những vi phạm liên quan tới hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng trở nên tinh vi trên môi trường Internet.
Theo nhiều chuyên gia, việc lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ ở Việt Nam mà còn diễn ra khắp nơi trên thế giới và cả trên những sàn TMĐT lớn... gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế và cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Đánh giá về thực trạng này, bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh thanh tra Bộ KH&CN cho biết, TMĐT ở Việt Nam là vấn đề cần bàn tới bởi tính đến thời điểm cuối năm 2018, có khoảng 45% người Việt đã tiếp cận internet, đồng thời có khoảng 70 % số người sử dụng điện thoại thông minh... Lợi ích mà TMĐT mang đến là không thể phủ nhận, tuy nhiên cũng rất nhiều vấn đề ‘nóng’ được đặt ra. Trong đó, vấn đề nghiêm trọng chính là liên quan đến hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, thậm chí kinh doanh hàng cấm.
Để xử lý vấn nạn hàng giả, hàng nhái và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, dưới góc độ quản lý nhà nước, bà Quỳnh cho biết, vừa qua, Bộ KH&CN cũng đã ban hành một số văn bản quan trọng như Thông tư số 11/2016, trong đó Điều 10 quy định về việc xử lí xâm phạm trên internet (những hành vi vi phạm trên internet sẽ được xử lý từ góc độ sở hữu trí tuệ tương tự như đối với môi trường thực địa). Đồng thời, Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ TT&TT để ban hành Thông tư liên tịch số 14/2016 để xử lí những tên miền xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Thông tư này giải quyết được khá nhiều vấn đề, điển hình như việc Thanh tra Bộ KH&CN, Thanh tra Sở KH&CN, Thanh tra chuyên ngành... ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó đã xác định rất rõ về hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến việc đăng kí, chiếm giữ và sử dụng tên miền mà có chứa thành phần chính được coi là trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu hoặc một chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký bảo hộ, thì trong trường hợp này xác định rất rõ hành vi vi phạm và website đó nếu có chứa các dấu hiệu vi phạm, sẽ được chuyển sang Trung tâm Internet Việt Nam để xem xét và thu hồi tên miền.
Mặc dù đã có nhiều chế tài xử lý, bà Quỳnh nhìn nhận trong thời gian vừa qua, thị trường TMĐT vẫn còn rất nhiều tình trạng vi pham. Theo tính toán sơ bộ trong số đơn nhận được từ đầu năm 2019, có đến 60% số đơn liên quan đến vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT.
Trước tiên là hoạt động mua bán, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả mạo nhãn hiệu trên môi trường TMĐT. Ví dụ như đối với nhãn hiệu Gucci, thậm chí có website còn ngang nhiên bán hàng giả như “Gucci fake xịn”, “Gucci fake 1” đến “Gucci fake 4”...
Thứ hai là hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp. Cụ thể là tổ chức cá nhân đăng kí tên miền và trong tên miền đó có chứa thành phần chính trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.
Hoặc trường hợp họ chỉ đăng ký chiếm giữ tên miền, sau đó để đấy và bán lại cho các doanh nghiệp cần, nghĩa là nếu doanh nghiệp muốn kinh doanh ở Việt Nam thì phải tìm đến họ và mua lại tên miền đó để kinh doanh cùng lúc trên thực địa và kinh doanh online; Trường hợp tổ chức cá nhân vừa đăng ký tên miền và triển khai kinh doanh luôn trên website đó; Hành vi quảng cáo hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các website.
Do đó, để gia tăng hiệu quả xử lý những vi phạm về TMĐT, theo bà Quỳnh, trong thời gian tới sẽ xem xét đến vấn đề không chỉ xử lý vi phạm của tên miền.vn mà còn xử lý tên miền.com; Tăng trách nhiệm đối với trang web hoặc các tổ chức, đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian (trang web giống như trung tâm thương mại cho thuê các gian hàng), bởi việc xử lý các trang web kiểu này ở Việt Nam chưa thực sự hiệu quả, mặc dù trong Hiệp định CPTPP chúng ta cũng đã cam kết về vấn đề này nhưng để luật hóa cũng cần cả một ‘câu chuyện’...
Hiện thị trường TMĐT Việt Nam đang tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á và được dự báo đạt 10 tỷ USD vào năm 2022. Tuy nhiên, kỳ vọng này có đạt được hay không phụ thuộc rất nhiều vào những thay đổi trong quản lý, đặc biệt trong việc giám sát chất lượng hàng hóa bán trên các sàn điện tử.