Hàng trăm triệu USD rót vào startup Việt những ngày đầu năm

17:02 | 23/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bước sang năm 2021, nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam (startup) đã được các quỹ ngoại rót vốn, với tổng giá trị lên tới hàng trăm triệu USD.
Tờ Lao động liệt kê nhiều công ty startup vừa được các quỹ ngoại rót vốn, với tổng giá trị lên tới hàng trăm triệu USD.
 
 
khoi nghiep
Hàng trăm triệu USD rót vào startup Việt những ngày đầu năm
 
Thương vụ 100 triệu USD của MoMo
 
Ngày 13.1, MoMo công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ tư (Series D) từ những nhà đầu tư hàng đầu thế giới. Vòng gọi vốn này do Goodwater, quỹ đầu tư tài chính đến từ Thung lũng Silicon (Mỹ) và Warburg Pincus cùng dẫn dắt. Trong số các nhà đầu tư tham gia có cả những tên tuổi mới là Goodwater Capital, Kora Management, Macquarie Capital và các cổ đông hiện hữu như Warburg Pincus, Affirma Capital hay Tybourne Capital Management.
 
MoMo không tiết lộ về số tiền cụ thể. Tuy nhiên, theo Bloomberg, giá trị thương vụ lên đến hơn 100 triệu USD.
 
Với khoản đầu tư này, MoMo dự kiến sẽ đầu tư xây dựng nền tảng Siêu ứng dụng (Super App) mới, nâng cấp hệ sinh thái nhằm phục vụ hàng chục triệu người dùng và đối tác kinh doanh tại Việt Nam.
 
Bên cạnh đó, công ty cũng ra mắt “Quỹ Đầu tư Đổi mới Sáng tạo MoMo” (MoMo Innovation Ventures) nhằm hỗ trợ các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển và tìm được thị trường thông qua việc kết nối với hệ sinh thái có lượng người dùng lớn của MoMo.
 
Theo Ngân hàng Nhà nước, MoMo hiện là 1 trong 5 ví điện tử được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Startup trong lĩnh vực công nghệ tài chính này được kỳ vọng trở thành kỳ lân thứ 3 của Việt Nam sau VNG và VNPay.
 
Ứng dụng học tiếng Anh bằng AI của người Việt huy động 15 triệu USD
 
Ngày 1.2, ứng dụng học tiếng Anh ELSA công bố huy động được 15 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B, do Vietnam Investments Group và SIG đồng dẫn đầu. Các nhà đầu tư trước đó bao gồm Gradient Ventures (quỹ chuyên dành cho AI của Google), SOSV và Monk’s Hill Ventures cũng tham gia vào vòng này.
 
ELSA - viết tắt của English Language Speech Assistant - thành lập năm 2016 bởi nữ doanh nhân người Việt Văn Đinh Hồng Vũ (Văn Vũ) và Tiến sĩ người Bồ Đào Nha Xavier Anguera, chuyên gia trí tuệ nhân tạo và nhận diện giọng nói.
 
Ba thị trường mà Elsa nhắm tới là Việt Nam, Ấn Độ và Nhật Bản. Với nguồn vốn mới, ELSA có kế hoạch thâm nhập các nước Mỹ Latin và tăng tốc mở rộng khắp Châu Á trong năm nay.
 
Quán quân Techfest 2020 được rót 1 triệu USD
 
GoStream là startup chuyên cung cấp công cụ livestream đa nền tảng dành cho người bán hàng, tiếp thị và sáng tạo nội dung trên mạng xã hội. Startup này được thành lập năm 2017, tập trung vào nhóm khách hàng doanh nghiệp và có khoảng 100.000 lượt phát livestream trực tiếp mỗi ngày.
 
GoStream là quán quân Techfest 2020 và sẽ đại diện cho Việt Nam tham dự cuộc thi khởi nghiệp toàn cầu Startup World Cup 2021.
 
Trong tháng 1, VinaCapital Ventures đã thông báo đầu tư 1 triệu USD vào GoStream – với sản phẩm GoStudio. Trước đó, vào năm 2019, startup này từng nhận được 200.000 USD vốn đầu tư của VinaCapital Ventures và Zone Startups Việt Nam ở vòng hạt giống.
 
Ông lớn tài chính Hàn Quốc rót hơn 400 tỉ vào Gpay
 
Ngày 19.1, Công ty Cổ phần thanh toán G (Gpay), trực thuộc Tập đoàn công nghệ G-Group, công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ nhất (series A) từ Tập đoàn tài chính KB Hàn Quốc với định giá 425 tỉ đồng. KB là một trong những định chế tài chính lớn nhất Hàn Quốc với tổng tài sản lên tới 520 tỉ USD.
 
 
Hàng trăm triệu USD rót vào startup Việt những ngày đầu năm - ảnh 1
 Ông lớn tài chính Hàn Quốc rót hơn 400 tỉ vào Gpay
 
Gpay được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với các dịch vụ như: Cổng thanh toán điện tử; hỗ trợ thu hộ, chi hộ, ví điện tử.
 
Mục tiêu của Gpay là đạt 5 triệu người dùng thường xuyên vào năm 2021, với sự hỗ trợ từ hệ sinh thái G-Group với gần 30 triệu người dùng.
 
 
Nhằm giúp doanh nghiệp startup tận dụng được thời cơ trên, tờ Quân đội Nhân dân dẫn lời bà Hàng Thị Kim Dung, Trưởng đại diện quỹ đầu tư Nhật Bản Genesia Ventures tại Việt Nam cho rằng: Các nhà đầu tư đang tin tưởng rất lớn vào tiềm năng của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) Việt Nam. Các quỹ đầu tư mạo hiểm đánh giá Việt Nam là thị trường ưu tiên hàng đầu tại Đông Nam Á trong năm 2021 và kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành thị trường đầu tư lớn trong khu vực, thế giới.
 
Tuy nhiên, tờ Quân đội Nhân dân cũng nhấn mạnh lời khuyên của nhiều chuyên gia: Làn sóng đầu tư mới này vừa là cơ hội cũng là thách thức lớn đối với các startup.
 
Ông Bùi Thành Đô, Giám đốc và đồng sáng lập quỹ đầu tư Thinkzone Ventures cho rằng, quy mô startup tại thị trường Việt Nam tương đối nhỏ, trong khi các quỹ đầu tư lớn thường tập trung đầu tư từ vòng hạt giống trở lên với những yêu cầu về sản phẩm kiểm chứng thị trường nhất định.
 
Các startup Việt Nam mặc dù có lợi thế về ý tưởng và công nghệ nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, mở rộng thị phần. Hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện, kết nối, chưa có nhiều nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp dành cho việc phát triển và hỗ trợ các startup...
 
Đứng trước cơ hội này, startup Việt Nam cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để đón nhận làn sóng đầu tư mới trong thời gian tới. Ông Nguyễn Xuân Đông, đồng sáng lập Công ty TNHH Ecomobi Media cho rằng, các startup cần luôn chủ động, linh hoạt và sẵn sàng thích ứng trong mọi hoàn cảnh, xác định rõ mục tiêu gọi vốn, tập trung phát triển hoạt động, bảo đảm công việc kinh doanh không bị gián đoạn, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
 
Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển, ông Nguyễn Hoàng Trung, người sáng lập Lozi cho biết, các startup cần nhìn ra cơ hội trong khó khăn để tận dụng thời cơ, mở rộng quy mô, thị trường doanh nghiệp. Vòng gọi vốn từ Quỹ đầu tư Vulpes Investment Management được thực hiện đúng thời điểm mảng giao hàng ở Việt Nam tăng trưởng khi dịch Covid-19 khiến nhiều đơn vị kinh doanh ăn uống phải dịch chuyển lên các nền tảng số. Với số tiền đầu tư mới, Lozi đang lên kế hoạch mở rộng mảng giao hàng giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp cho đối tượng khách hàng là doanh nghiệp nhỏ.
 
Về vấn đề pháp lý, ông Hoàng Minh Đức, Luật sư cấp cao tại công ty luật TNHH Duane Morris Việt Nam khẳng định, các startup cần nắm rõ các vấn đề về Luật Doanh nghiệp, đồng thời phải hiểu nội hàm, hiểu bản chất của điều khoản trong hợp đồng, từ đó có định hướng nhất định để xử lý nếu có vấn đề phát sinh. Tuy nhiên, chi phí để thuê luật sư đồng hành trong các thương vụ gọi vốn là điều không phải startup nào cũng có khả năng chi trả. Vì vậy, các startup cần tích cực tìm hiểu thông tin trên mạng, đồng thời có thể tranh thủ đến những hội thảo chuyên môn để trao đổi thông tin và nhận được tư vấn từ các luật sư.
 
Minh Hoa