Hành trình dự án nhà ở cán bộ Transerco số 90 Nguyễn Tuân biến thành dự án thương mại

08:43 | 20/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mảnh "đất vàng" số 90 Nguyễn Tuân ban đầu phục vụ công ích cho cán bộ công nhân viên, nhưng sau nhiều lần “biến hình” nó đã trở thành nhà ở thương mại mà không cần qua đấu giá.

Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu, gần 3,7 ha đất công ích tại 90 Nguyễn Tuân (Thanh Xuân, TP. Hà Nội) ban đầu có chủ trương chuyển đổi xây dựng nhà ở cho cán bộ, công nhân viên Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco).

Ý tưởng trên được hiện thực hóa bằng công văn số 10089/UBND-QHXDGT ngày 17/12/2012, UBND TP. Hà Nội thông báo chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất của Transerco, chỉ định nhà đầu tư nghiên cứu và triển khai thực hiện dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên của mình.

Hành trình dự án nhà ở cán bộ Transerco số 90 Nguyễn Tuân biến thành dự án thương mại - ảnh 1

Phối cảnh dự án 90 Nguyễn Tuân.

Vì là công ty vận tải, không có chức năng lập quy hoạch và xây dựng, nên dự án công ích kể trên sẽ được giao lại cho một doanh nghiệp có chuyên môn xây dựng thực hiện. Tuy nhiên, theo cách hiểu thông thường đương nhiên dự án này phải do Transerco - một doanh nghiệp nhà nước của thành phố Hà Nội - làm chủ đầu tư.

Nhưng thực tế, qua quy trình thủ tục và sự cho phép của UBND TP. Hà Nội, dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên Transerco đã trở thành dự án nhà ở thương mại do Công ty CP Đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7 làm chủ đầu tư (gọi tắt là Sông Đà 7).

Sau 3 năm thực hiện thủ tục đến ngày 24/12/2015, Công ty Sông Đà 7 có Tờ trình số 415/TTr/CT-ĐT về việc đề nghị quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà ở 90 Nguyễn Tuân.

Chỉ 6 ngày sau, ngày 31/12/2015, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội có Tờ trình số 14545/TTr/SXD gửi UBND thành phố Hà Nội về việc chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà ở 90 Nguyễn Tuân. Tới ngày 20/01/2016, Sở Xây dựng Hà Nội lại tiếp tục có Văn bản số 575/SXD-QLDA với cùng một nội dung như trên. Hơn 1 tháng sau, ngày 03/02/2016, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký Quyết định chủ trương đầu tư số 597/QĐ-UBND cho dự án 90 Nguyễn Tuân.

Theo quyết định này thì dự án có tổng diện tích khoảng 3,7ha, quy mô dân số khoảng 1.361 người, cho phép xây dựng và kinh doanh nhà ở hỗ hợp tại lô đất HH 0,31ha (8,53%), cao 21 tầng (từ tầng 3 đến tầng 21 có chức năng chung cư với tổng số căn hộ là 342); cho phép xây dựng và kinh doanh nhà ở liền kề tại lô đất LK1 đến LK4 gồm 72 căn. Tổng mức đầu tư dự án khoảng gần 560 tỷ đồng từ nguồn vốn của chủ đầu tư, vốn vay và vốn huy động.

Đến ngày 22/6/2017, căn cứ theo đề nghị của Công ty Sông Đà 7 và ý kiến thẩm định của các ban ngành, UBND TP Hà Nội - đã ký Quyết định 3726/QĐ-UBND điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án 90 Nguyên Tuân.

Câu hỏi đặt ra là giữa Transerco và Công ty Sông Đà 7 đã có thỏa thuận nào về việc sang nhượng chủ đầu tư mảnh đất này thì UBND TP. Hà Nội mới có thể cho phép Sông Đà 7 xây dựng? Bởi trên các trang thông tin đại chúng, không hề có thông tin nào của dự án 90 Nguyễn Tuân có liên quan tới cán bộ công nhân viên Transerco.

Cần phải nói thêm, dự án 90 Nguyễn Tuân ban đầu được Transerco xin chuyển mục đích sử dụng khu đất để thực hiện mục tiêu xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên của đơn vị này. Nhưng thực chất đây là dự án thương mại với mức giá bán cao ngất ngưởng, và cán bộ công nhân viên Transerco ngoài quyền được ưu tiên mua, họ không hề có được sự ưu đãi về giá.

Nhiều người đặt ra câu hỏi phải chăng dự án do Transerco xin chỉ “mượn danh” cho cán bộ công nhân viên để dễ được thông qua hơn về chủ trương. Còn về pháp lý, đây vẫn là dự án bất động sản thương mại thuần túy?

Với cách thức như vậy, 3,7 ha đất của Hà Nội vốn dùng cho mục đích công cộng - phục vụ sửa chữa xe buýt - đã trở thành đất xây dựng nhà ở thương mại, mà không cần qua bất kỳ khâu đấu giá chuyển mục đích sử dụng đất nào.

Câu hỏi khiến nhiều người đặt ra là vậy thì những ai được lợi tại dự án 90 Nguyễn Tuân, Công ty CP Sông Đà 7 có đất thực hiện dự án không qua đấu giá liệu có gây thất thoát cho ngân sách nhà nước?

Công ty Sông Đà 7 do ông Nguyễn Mạnh Thắng làm Chủ tịch HĐQT là chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản lớn ở Hà Nội, trong đó đa phần là các dự án cho cán bộ, công chức nhà nước.

"Sông Đà 7" là tên gọi ngắn gọn của CTCP Đầu tư Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà 7 (Urinco7) được thành lập vào tháng 12/2007, hoạt động tích cực trong lĩnh vực xây dựng và mang đậm dấu ấn của một công ty họ "Sông Đà" trong tên gọi và thương hiệu. Doanh nghiệp này cũng gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của ông Nguyễn Mạnh Thắng trên cương vị Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả về vấn đề này.

Xuân Tùng

 

ĐỌC NHIỀU