Hé lộ lý do ông Trần Cao Châu rời ghế Tổng giám đốc Đức Long Gia Lai
Ông Trần Cao Châu rời ghế Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Đức Long Gia Lai kể từ ngày 1/10. Người lên thay thế là ông Nguyễn Tường Cọt. Ông Trần Cao Châu từ chức Tổng giám đốc trong bối cảnh Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai đang tái cấu trúc quyết liệt. Trong đơn, ông lý giải "vì công việc gia đình nên không thể tiếp tục đảm nhiệm" vị trí hiện tại.
Ngay sau đó, Đức Long Gia Lai đã bổ nhiệm ông Nguyễn Tường Cọt, Phó Tổng giám đốc mới nhậm chức vào giữa tháng 8 năm nay, lên thay thế ông Châu.
Ông Trần Cao Châu sinh ngày 1/12/1971, quêYên Đồ, Plelku, Gia Lai. Ông là Cử nhân Quản trị Kinh doanh.
Trước năm 2015, ông là người kinh doanh tự do. Từ năm 2015 đến năm 2016, ông Châu là Thành viên BKS nội bộ CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai.Đến năm 2016 : Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Phát triển Dịch vụ Công trình Công cộng Đức Long Gia Lai. Ông Trần Cao Châu là Ủy viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Đức Long Gia Lai từ năm 2019.
Đức Long Gia Lai nợ quá hạn thanh toán hơn 1.800 tỷ đồng
Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai vừa công bố báo cáo tài chính giữa niên độ, được soát xét bởi công ty kiểm toán VietValues. Theo đó, công ty kiểm toán này nhấn mạnh 2 vấn đề.
Thứ nhất, Đức Long Gia Lai đã cho một số tổ chức, cá nhân vay với số tiền là 2.410 tỷ đồng. Các khoản vay này không có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của bên thứ ba.
Giải trình vấn đề này, Đức Long Gia Lai cho biết, ngày 1/2/2021, Hội đồng quản trị công ty đã ban hành quyết định về việc thông qua chủ trương thực hiện các hợp đồng, giao dịch giữa công ty với các doanh nghiệp và người có liên quan. Tất cả các khoản cho vay đều có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản của công ty tại báo cáo tài chính 6 tháng 2021.
Thứ hai, tại ngày 30/6/2021, khoản lỗ thuần của Đức Long Gia Lai là 842 tỷ đồng và cũng tại ngày này, các khoản nợ ngắn hạn của Tập đoàn đã vượt quá tổng tài sản ngắn hạn 239 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Đức Long Gia Lai có một số khoản nợ phải trả và vay đã quá hạn thanh toán với tổng giá trị ước tính là 1.808 tỷ đồng. Các điều kiện này khiến kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Đức Long Gia Lai.
Theo giải trình của Đức Long Gia Lai, hiện tại công ty đang xây dựng phương án cấu trúc toàn diện tình hình tài chính của doanh nghiệp, đang lập kế hoạch và lộ trình thoái vốn các khoản đầu tư kém hiệu quả, quản lý, kiểm soát và điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh một cách chặt chẽ, tiết kiệm chi phí để đảm bảo doanh thu và lợi nhuận theo kế hoạch, tập trung thu hồi các khoản công nợ để thực hiện thanh toán một phần các khoản nợ quá hạn.
Tổng nợ của công ty hiện trên 5.600 tỷ đồng, trong đó có nhiều khoản quá hạn thanh toán với tổng giá trị ước tính hơn 1.800 tỷ đồng.
Ông chủ của Đức Long Gia Lai là ai?
Ông Chủ của Đức Long Gia Lai là doanh nhân Bùi Pháp. Doanh nhân này sinh ngày 9/11/1962 tại Hoài Ân tỉnh Bình Định. Hiện ông đang cư trú tại TP. Pleiku, Gia Lai.
Sau khi học xong, năm 1995, ông Pháp quyết định khởi nghiệp bằng một công ty chế biến gỗ, lấy tên là Xí Nghiệp tư doanh Đức Long Gia Lai, khi đó ông Pháp là Giám đốc (1995 - 6/2007).
Từ tháng 6/2007 đến nay ông giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đức Long Gia Lai. Năm 2007 ông Pháp là một thành viên trong HĐQT tham gia vào việc thành lập công ty con DL1 (Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Dịch vụ Công trình Công cộng Đức Long Gia Lai). Hiện công ty đã đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Alpha Seven (A7). Ông có thời gian ngắn làm Chủ tịch DL1 (3/2009-11/2009). Hiện tại ông đã thôi đảm nhiệm chức vụ và trở về làm Ủy viên HĐQT.
Có thể nói ông Bùi Pháp là một doanh nhân tài năng, kinh nghiệm trên thương trường khi khởi nghiệp thành công cùng “đứa con tinh thần” Đức Long Gia Lai. Tài quản trị, tâm lý vững vàng đã giúp ông đưa doanh nghiệp phố núi vượt qua những hoàn cảnh khó khăn nhất. Khởi đầu chỉ là một xí nghiệp nhỏ bé, qua 26 năm DLG đã trở thành một tập đoàn đa ngành, đầu tư vào nhiều lĩnh vực.
Trong cơ cấu tập đoàn, ông Pháp hiện đang nắm hơn 74 triệu cổ phiếu DLG (24,8% - 2020) và 24 triệu cổ phiếu DL1 (24,01% - 2019) với tổng giá trị là 557,7 tỷ đồng. Ông đã từng lọt top 100 người giàu nhất sàn chứng khoán 2014 ở vị trí 44. Năm 2010, ông Bùi Pháp vinh dự nhận Huân chương lao động hạng Ba.
Ông Pháp từng chia sẻ với báo chí rằng: “Ngày ấy tôi chưa biết đi đâu, chỉ mong tìm một nghề để kiếm cơm chứ chưa từng nghĩ sẽ có ngày trở thành doanh nhân”.
Ngân hàng nào là chủ nợ lớn của Đức Long Gia Lai?
Theo tìm hiểu, các chủ nợ lớn là BIDV, Vietinbank, Sacombank. Một số khoản nợ được đảm bảo bằng tài sản cá nhân của vợ chồng ông Bùi Pháp – Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty.
Nửa đầu năm nay, Đức Long Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần hơn 900 tỷ đồng và tăng khoảng 11% so với cùng kỳ. Mảng linh kiện điện tử chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu, tiếp đến là thu phí BOT, bán đá, sản phẩm nông nghiệp và điện thương phẩm.