Hiến kế cải cách TTHC giúp doanh nghiệp phục hồi hậu COVID-19
09:05 | 22/05/2020
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Trong bối cảnh tình hình diễn biến của dịch COVID-19 còn nhiều phức tạp, các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã và đang đồng loạt thực hiện các biện pháp kích thích nền kinh tế để vượt qua suy thoái và khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Việt Nam là quốc gia hội nhập sâu rộng với thế giới, do đó tác động của dịch COVID-19 là tương đối mạnh lên nhiều ngành, nhiều lĩnh vực của nước ta. Trong quý I/2020, GDP chỉ tăng 3,82%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2011 nhưng là mức tăng cao nhất khu vực. Vì vậy, thời gian tới đặt ra nhiều vấn đề cấp bách, mang tính sống còn với khu vực sản xuất kinh doanh và các loại hình doanh nghiệp (DN).
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thân-Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho biết: Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, được tổ chức vào ngày 10/04 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Về vấn đề chỉ đạo, điều hành, phải thay đổi cách làm, quyết liệt hơn, đó là cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương đề xuất, hiến kế cụ thể với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các quy định pháp luật và thủ tục hành chính cần sửa đổi để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đưa nền kinh tế bật dậy nhanh, mạnh, tận dụng cơ hội phục hồi sau dịch.
Dựa trên tinh thần đó cùng với nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 26/5, Ban Cải cách về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính (Ban I) của Thủ tướng và VINASME đồng chủ trì tổ chức: Hội nghị “Hiến kế cải cách thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh hậu COVID-19”.
Theo Chủ tịch Nguyễn Văn Thân, hội nghị lần này nhấn mạnh trọng tâm cải cách thủ tục hành chính và các giải pháp sau đại dịch COVID-19 của DN để đẩy mạnh kinh tế Việt Nam. Hội nghị sẽ dành thời gian để DN tranh luận những quan điểm để ra được một kết luận để kiến nghị lên Văn phòng Thủ tướng và Chính phủ.
Còn theo ông Nguyễn Kim Hùng- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kim Nam: Tất cả các quốc gia trên thế giới đang lâm vào tình trang suy giảm tăng trưởng nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Gần đây nhất có Nhật Bản tuyên bố đã rơi vào tình trạng khủng hoảng. Việc này có tác động trực tiếp tới Việt Nam, bởi trong các đầu tư vào Việt Nam, Nhật Bản luôn là quốc gia chiếm tỷ trọng lớn trong đầu tư FDI và tham gia vào rất nhiều công trình trọng điểm quốc gia. Đây chính là lúc chúng ta cần nhìn nhận về Việt Nam có cơ hội gì sau dịch bệnh này. Chính vì thế các hội nghị của Chính phủ ở thời điểm này rất cần thiết.
Ông Hùng cho biết, có rất nhiều hội nghị đã được tổ chức và thông qua đó rà soát lại toàn bộ thông tư, nghị định hiện hữu và đưa vào đời sống xem còn phù hợp ở thời kỳ hậu COVID này không. Đây chính là ý nghĩa mang lại của hội nghị hiến kế của Ban I và VINASME lần này. Những ý kiến đến từ những DN lớn, DNVVN, các hiệp hội đại diện cho 15 lĩnh vực ngành hàng sẽ được tổng hợp lại để tham mưu cho Văn phòng Thủ tướng và Chính phủ. Qua đó kỳ vọng sẽ phần nào giúp Chính phủ có những chính sách sát sườn nhất với nền kinh tế và ban hành ngay những thể chế văn bản phù hợp nhất để có thế đón đầu những cơ hội hồi phục kinh tế này.
Bên cạnh đo, ông Hùng cho biết, hội nghị lần này sẽ đề cập đến rất nhiều vấn đề, từ các câu chuyện của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cũng như các giải pháp để phần nào hiến kế cải cách thủ tục hành chính vào các lĩnh vực đất đai, chuyển đổi số, chi phí đăng ký kinh doanh. Đây chính là những gánh nặng rất lớn cho cộng đồng DN. Đồng thời, hội nghị sẽ công bố những thành quả đã đạt được của cải cách thủ tục hành chính trong suốt thời gian qua. Sau những thành tựu đó, bước tiếp theo với những đề xuất lần này Ban cải cách thủ tục hành chính sẽ làm gì. Và điều quan trọng nhất đó là số hóa, số hóa các thủ tục hành chính, số hóa hành chính công và chính phủ điện tử, chuyển đổi số các hoạt động của DN cũng như các thành phần kinh tế, đó chính là yếu tố rất quan trọng cải cách thủ tục hành chính.
Mặt khác, ông Hùng cho rằng, DNNVV là cộng đồng bị tổn thương nặng nề trong đợt dịch này. Dù Chính phủ đã ban hành rất nhiều chỉ thị, nghị định, thông tư để tháo gỡ khó khăn trực tiếp và gián tiếp cho cộng đồng DNVV nhưng cộng đồng DNNVV vẫn cần một giải pháp tổng thể hơn là những hỗ trợ trong ngắn hạn để tạo tiền đề phát triển trong tương lai. Do đó, trong dài hạn cộng đồng DNNVV cần có những thể chế, chính sách để có thể tái cấu trúc các hoạt động của mình hay có thể tái lập mô hình hoạt động mới trong 1 kỷ nguyên mới.
Chính vì thế ông Hùng kỳ vọng sau hội nghị này có thể các thủ tục hành chính sẽ sát sườn hơn đối với doanh nghiệp, để các DNNVV và đặc biệt là các hộ kinh doanh có thể bứt phá lên thành DNNVV trong tương lai nhờ các giải pháp nâng đỡ các thủ tục hành chính, tháo gỡ giãn thuế, ưu đãi thuế hoặc tạo điều kiện cho các DNNVV tham gia các dự án về đầu tư công.
Bên cạnh đó, ông Hùng nhấn mạnh, ngoài việc chờ đợi những thông tin về các chính sách, hay nhưng giải pháp tháo gỡ khó khăn vĩ mô từ Chính phủ, cộng đồng quốc tế, DN cũng phải chủ động tham gia áp dụng nền tảng số, tự cải cách tư duy làm việc kiểu cũ sang tư duy số hóa các hoạt động; tham gia vào các hiệp hội ngành hàng để có thể nắm bắt và cập nhật liên tục những điều hành chính sách vĩ mô; đồng hành với Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước để có thể xây dựng được một thể chế chính sách cho chính cộng đồng DN trong tương lai, tránh việc bị động và bị bỏ lại phía sau.