Hiệp định EVFTA - cơ hội lớn giúp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cá tra

14:47 | 22/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Khi EVFTA có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp cá tra Việt Nam hi vọng sẽ có một bước nhảy xuất khẩu sang khối thị trường truyền thống rộng lớn này bên cạnh những thị trường lớn như MỸ hay Trung Quốc.
Do ảnh hưởng của COVID-19, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đi các thị trường nói chung và EU nói riêng vẫn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhiều người kỳ vọng, xuất khẩu cá tra qua EU sẽ phục hồi tốt hơn sau dịch do tận dụng tốt lợi thế từ EVFTA.
 

Tận dụng tiềm năng cực lớn

 

Mặc dù có một số quốc gia đang thả nuôi cá tra nhưng Việt Nam vẫn giữ được lợi thế khi cá tra thả nuôi ở ĐBSCL sinh trưởng tốt, tiết kiệm chi phí, năng suất và chất lượng cao hơn. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, mỗi năm toàn tỉnh thả nuôi khoảng 1.226ha cá tra, sản lượng 430.000 tấn. Từ đầu năm 2020 đến nay, các huyện nuôi gần 930ha cá tra.
 
Hạn mặn năm nay về sớm, kéo dài và duy trì mức cao. Nhiều con sông ở Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang có độ mặn từ 4% - 25% khiến cá tra bị tuột nhớt, bỏ ăn, nổ mắt… chết khá nhiều. Người nuôi dù biết nhưng rất khó phòng tránh, do các ao nuôi cá tra cần phải thay nước ngọt mỗi ngày để tránh ô nhiễm; trong khi ngoài sông toàn là nước mặn. Vì vậy, khi bơm vào là cá bị ảnh hưởng…
 
Hiệp định EVFTA - cơ hội lớn giúp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cá tra - ảnh 1
 
Cá tra là một trong những nguồn hàng chủ lực của Ngàng thủy sản Việt Nam
 
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết: "Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước đạt hơn 2 tỷ USD, giảm 11,4% so cùng kỳ; nguyên nhân là diện tích nuôi ở ĐBSCL tăng, nhưng thị trường xuất khẩu khó khăn dẫn đến giá trị giảm".
 
Từ đầu năm 2020 đến nay xuất khẩu cá tra đối mặt với thách thức mới khi dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nước trên thế giới. Dịch diễn biến phức tạp ở nhiều nước châu Âu, châu Á… đã làm tăng thêm cái khó cho đầu ra cá tra trong thời gian tới và nếu chúng ta không nhanh chóng có giải pháp hợp lý, hiệu quả thì mục tiêu xuất khẩu cá tra khoảng 2,2 tỷ USD của năm 2020 sẽ khó đạt.
 
VASEP cho biết sản lượng cá tra nuôi tăng nhanh, dư nguồn cung là nguyên nhân chính dẫn đến giá xuất khẩu giảm mạnh tại tất cả thị trường. Tuy nhiên, thách thức lớn hơn với ngành cá tra khi năm 2020 mở đầu bằng đợt dịch bệnh COVID-19 khiến xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm một nửa so với cùng kì và sẽ giảm mạnh cho đến khi dịch bệnh được khống chế.
 
Chỉ riêng thị trường Trung Quốc đã chiếm đến trên 33% thị phần của ngành cá tra sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Sự sụt giảm quá nhanh khiến xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường này gặp rất nhiều khó khăn. Song, cũng là động lực thúc đẩy mở rộng, tìm kiếm thị trường mới.
 
Theo VASEP, một trong những thị trường tiềm năng là Ấn Độ với dân số thứ 2 thế giới. Mặc dù, nước này cũng nuôi được khoảng 600.000 tấn cá tra mỗi năm nhưng thịt cá bị vàng và nhà máy chế biến tại đây chưa sản xuất ra được những sản phẩm cá tra file thịt trắng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như của Việt Nam. Hiện, sản phẩm cá tra phi lê Việt Nam được xem sản phẩm cao cấp đang được nhập khẩu phục vụ trong các nhà hàng ở Ấn Độ.
 

Nắm bắt cơ hội

 

Hiện châu Âu là thị trường lớn thứ 2 sau Mỹ nhập khẩu thủy sản Việt Nam, chiếm gần 20% thị phần. Theo Tổng cục Thủy sản, EU là thị trường đòi hỏi cao với rất nhiều quy định về hạn chế hóa chất độc hại, an toàn sản phẩm tiêu dùng, điều kiện về môi trường, trách nhiệm xã hội. Vì vậy, các DN Việt cần thực hiện việc truy xuất nguồn gốc; các địa phương đẩy nhanh tốc độ cấp mã số vùng nuôi nguồn gốc hải sản và triển khai đồng bộ các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC).
 
Các bộ ngành cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, triển khai những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng EVFTA; phổ biến, tập huấn chuyên sâu về quy tắc xuất xứ; đẩy mạnh xây dựng pháp luật thể chế; đồng thời phối hợp chặt chẽ với EU để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi hiệp định quan trọng này.

EVFTA có hiệu lực, mở ra cơ hội cho ngành Thủy sản hướng tới mục tiêu xuất khẩu năm 2020 đạt 10 tỷ USD. Tuy nhiên, theo nhận định của Tổng cục Thủy sản, EVFTA cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho thủy sản Việt Nam. Để được hưởng ưu đãi thuế quan, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phải thực hiện tốt quy tắc xuất xứ của sản phẩm. Chưa kể Việt Nam phải triệt để thực hiện các yêu cầu của EVFTA về môi trường liên quan đến đánh bắt hải sản...
 
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang EU bấp bênh và nhiều tháng giảm sút. Tổng giá trị xuất khẩu sang khu vực này đạt 98,4 triệu USD, giảm 33,8%. Trong đó, bốn thị trường nhập khẩu lớn nhất là Hà Lan và Bỉ đều giảm 27,7%; Đức giảm 35,4% và Tây Ban Nha giảm 17,2% so với cùng kì năm trước. Dự báo tới cuối năm, giá trị xuất khẩu cá tra EU tiếp tục giảm.
 
Hiệp định EVFTA - cơ hội lớn giúp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cá tra - ảnh 2
 
Do dịch COVID-19 doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng được lợi thế của hiệp định EVFTA
 
 
VASEP đánh giá, dù EU vẫn là thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ 3 của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, sau Trung Quốc và Mỹ nhưng cho tới nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi về xuất khẩu cá tra sang thị trường này. Nguyên nhân là do hoạt động giao thương bị ngưng trệ do nhiều quốc gia tại EU là tâm điểm của đại dịch, trong đó có 2 quốc gia lớn là Italia và Tây Ban Nha. Mặc dù nhu cầu tích trữ lương thực tại nhiều quốc gia châu Âu đã tăng lên, hệ thống bán lẻ và kênh bán hàng online tốt hơn nhưng hoạt động xuất nhập khẩu lại bị ngưng trệ do hệ thống vận tải biển bị đứt quãng, giao dịch thương mại cũng ngưng trệ.
 
Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp cá tra Việt Nam kỳ vọng, sẽ có một bước nhảy đột phá trong hoạt động xuất khẩu sang khối thị trường tiềm năng này khi cả 2 nhóm sản phẩm cá tra nguyên con đông lạnh và cá tra tươi, ướp lạnh đều được giảm từ mức thuế cơ bản 8% xuống 0%; sản phẩm cá tra phile tươi, ướp lạnh giảm từ 9% xuống 0%; cá tra phile đông lạnh được giảm từ 5,5% xuống còn 0%; các sản phẩm cá tra chế biến cũng được giảm thuế từ 14% xuống còn 0% trong vòng 3 năm…
 
Còn đối với thị trường Mỹ, cuối năm 2019, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã chính thức công nhận hệ thống quản lý và giám sát cá tra của Việt Nam tương đương với Mỹ. Đây là tin vui cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường này và quan trọng hơn nữa khẳng định năng lực kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, chế biến xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã đáp ứng một trong những yêu cầu khắt khe nhất, giúp cá tra Việt Nam dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu không chỉ Mỹ mà còn các thị trường khác.
 
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam nhận xét, với hiệp định EVFTA sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành hàng cá tra Việt Nam thâm nhập thị trường lớn này. Bên cạnh ưu đãi về thuế nhập khẩu bằng 0% thì còn tránh được việc một số nước trong cộng đồng EU “bôi bẩn” sản phẩm cá tra của Việt Nam, hay cạnh tranh không lành mạnh bằng cách dựng lên các hàng rào kĩ thuật phi thuế quan.
 
Với mức thuế giảm mạnh sẽ giúp tăng lợi thế cạnh tranh của cá tra Việt Nam tại EU so với các sản phẩm cá thịt trắng khác khi các sản phẩm cá thịt trắng bản địa vốn không phải chịu thuế nhập khẩu.
 
Hiệp định EVFTA - cơ hội lớn giúp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cá tra - ảnh 3
 
Hiệp định EVFTA, là cơ hội để ngành cá tra tận dụng mở rộng thị trường
 
Tuy vậy, theo VASEP đến thời điểm hiện nay, hầu hết doanh nghiệp cá tra vẫn chưa thể tận dụng được lợi thế từ EVFTA. Nguyên nhân là do dịch bệnh. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp vẫn đang từng bước tích cực nối lại đơn hàng với đối tác tại EU, đồng thời quy hoạch được vùng nuôi, xây dựng được các chứng chỉ theo tiêu chuẩn của thị trường EU để sẵn sàng bước chân vào EU sau khi hết dịch.
 
Hiệp định EVFTA đã và đang tạo cơ hội để các mặt hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Tuy nhiên, ngành Thủy sản và các doanh nghiệp cần vượt qua những thách thức, "rào cản", mở rộng diện tích vùng nuôi đạt tiêu chuẩn quốc tế để ổn định nguồn sản phẩm xuất khẩu; đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thương hiệu, uy tín, mở rộng thị phần tại thị trường có giá trị cao này. Từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành Nông nghiệp nói riêng và kinh tế đất nước nói chung.
 
Nguyễn Dung(t/h)