EVFTA đã thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu
Tác động của EVFTA
Theo dữ liệu từ EuroCham, gần 2/3 số người tham gia khảo sát cho rằng họ đã nhận được lợi ích, tuy nhiên ở những mức độ khác nhau. Đáng chú ý, 27% công ty hiện đang nhận được những lợi ích từ mức độ vừa đến rất lớn, tăng đáng kể so với 18% cùng kỳ năm trước. Trong khi 1/4 khác, giảm so với 31% vào năm 2023 cho thấy vẫn chưa thấy bất kỳ lợi ích hữu hình nào.
Các doanh nghiệp cho biết vẫn luôn đề cập việc giảm thuế quan, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường là những lợi ích chính. Những lợi thế khác có thể đề cập tới như chuỗi cung ứng hợp lý, cải thiện tính minh bạch trong kinh doanh và khuôn khổ pháp lý chặt chẽ hơn.
Động lực thương mại và đầu tư của EVFTA
EVFTA đã thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, tăng vọt từ 35 tỷ euro (hơn 900 nghìn tỷ đồng) vào năm 2019 lên tới hơn 48 tỷ euro (1,3 triệu tỷ đồng) vào năm 2023. Sự tăng trưởng được thể hiện rõ trong các lĩnh vực như điện tử, dệt may, giày dép, nông nghiệp và hải sản. Tuy nhiên, mức tăng xuất khẩu của EU sang Việt Nam khiêm tốn hơn nhiều, chỉ tăng từ 11 tỷ euro 300 nghìn tỷ đồng lên 11,4 tỷ euro (312 nghìn tỷ đồng) trong cùng kỳ, làm tăng thêm sự mất cân bằng thương mại đáng kể.
Tuy nhiên, EVFTA chắc chắn đã củng cố sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư châu Âu. Khối Liên minh Châu Âu, vốn là nhà đầu tư lớn tại quốc gia này, đã rót 28 tỷ euro vào 2450 dự án, nhấn mạnh niềm tin của EU vào tiềm năng của Việt Nam. Đáng chú ý, các nhà đầu tư EU đã bổ sung 800 triệu euro vào đầu tư trực tiếp nước ngoài trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2023, đi ngược lại xu hướng FDI đang giảm trên toàn cầu.
Những thách thức cần vượt qua
Khảo sát Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) cho thấy một số trở ngại mà các doanh nghiệp châu Âu phải đối mặt khi tận dụng tối đa EVFTA. Những trở ngại này bao gồm các yêu cầu pháp lý phức tạp và việc chính quyền địa phương không công nhận các tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, việc các bên liên quan không hiểu rõ thỏa thuận, kết hợp với các vấn đề về định giá hải quan và thủ tục thông quan chưa minh bạch, làm phức tạp hóa hoạt động thương mại. Các rào cản kỹ thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực chứng nhận và thử nghiệm sản phẩm, cũng vẫn là một rào cản đáng kể.
"EVFTA chắc chắn đã tạo ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam", Dominik Meichle, Chủ tịch EuroCham Việt Nam cho biết. "Tuy nhiên, khảo sát của chúng tôi cho thấy rằng mặc dù đã đạt được tiến triển, nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Khi chúng ta bước vào năm thứ năm của thỏa thuận, điều quan trọng là phải tiếp tục nỗ lực đơn giản hóa các thủ tục, thống nhất các tiêu chuẩn và đảm bảo mọi người đều hiểu cách thức hoạt động của EVFTA".
Phó Chủ tịch EuroCham Jean-Jacques Bouflet cũng lưu ý rằng những điều chỉnh chính sách gần đây tại Việt Nam đã tạo ra những thách thức cho các doanh nghiệp châu Âu hoạt động theo EVFTA. "Những thay đổi này, bao gồm thuế tiêu dùng và thuế nội địa mới, cùng các rào cản kỹ thuật khi gia nhập, đang kìm hãm toàn bộ tiềm năng của thỏa thuận", ông nhận xét. "Tuy nhiên, chúng tôi đang tích cực tham gia vào các cuộc thảo luận mang tính xây dựng để giải quyết những vấn đề này và tìm ra các giải pháp có lợi cho cả Việt Nam và châu Âu".
Thue Quist Thomasen, Giám đốc điều hành của Decision Lab, nhấn mạnh nhu cầu hỗ trợ và thích ứng liên tục, ông nêu rõ: "Những cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng mặc dù EVFTA là một công cụ mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế, nhưng thành công của nó phụ thuộc vào những nỗ lực liên tục nhằm giải quyết những khó khăn về quy định, rào cản kỹ thuật và khoảng cách nhận thức. Một cách tiếp cận có mục tiêu để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong việc điều hướng những thách thức này là rất quan trọng".