Hiệu quả bảo vệ của vaccine COVID-19 Vero-Cell như thế nào?

20:31 | 20/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Lô 500.000 liều vắc-xin Covid-19 do Trung Quốc viện trợ vừa về Việt Nam trong chiều nay (20/6), thế nhưng hiệu quả bảo vệ được công nhận của Vaccine Vero Cell thế nào thì còn nhiều người chưa biết.

Như đã thông tin, chiều 20/6, khoảng 500.000 liều vaccine Vero Cell của Sinopharm do Trung Quốc viện trợ đã đến Việt Nam. Lô vaccine này ưu tiên tiêm cho 3 nhóm đối tượng: những người Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam, người có nhu cầu đi học tập và công tác tại Trung Quốc và cư dân ở khu vực biên giới.

Ngày 7/5 vừa qua, Vaccine Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm được Tổ chức Y tế thế giới phê duyệt. Vaccine Vero Cell sử dụng công nghệ virus bất hoạt, một trong số những công nghệ vaccine ổn định và phổ biến nhất. Vaccine được bào chế dưới dạng hỗn dịch tiêm, với 6.5U kháng nguyên SARS-CoV-2 bất hoạt trên mỗi liều 0,5ml. So với những loại vaccine công nghệ mRNA như của Pfizer và Moderna đòi hỏi những chuỗi bảo quản lạnh sâu, vaccine Vero Cell chỉ cần lưu trữ ở nhiệt độ tủ lạnh thường (từ 2°C đến 8°C), tiện lợi cho việc phân phối và triển khai tiêm ở nhiều quốc gia.

Hiệu quả bảo vệ của vaccine COVID-19 Vero-Cell như thế nào? - ảnh 1Vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Sinopharm (Trung Quốc)

Tính tới đầu tháng 6, tổng cộng 450 triệu liều vaccine Vero Cell đã được sản xuất, 350 triệu liều đã được sử dụng tại Trung Quốc, 100 triệu liều được xuất khẩu và viện trợ cho các nước.

Ngày 3/6, Bộ Y tế Việt Nam đã có quyết định phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 đối với vaccine Vero Cell (tên khác là SARS-CoV-2 Vaccine, Inactivate) do hãng Sinopharm của Trung Quốc sản xuất.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc vào năm 2020, tháng 2/2020, Viện Nghiên cứu Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Sinopharm CNBG đã tiến hành nghiên cứu vaccine COVID-19 bằng công nghệ bất hoạt. Sau khi nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm thành công trên động vật, cuối tháng 4/2020, vaccine này đã được Cục Quản lý Dược Trung Quốc phê chuẩn tiến hành thử nghiệm trên người.

Ngày 23/6/2020, vaccine bắt đầu được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain, Ai Cập, Peru, Marocco và Argentina.

Ngày 9/12/2020, Bộ Y tế UAE chấp thuận cấp phép đăng ký chính thức vaccine COVID-19 của Sinopharm, công bố hiệu quả bảo vệ đạt 86%.

Ngày 30/12/2020, Cục Quản lý Dược Trung Quốc đã cấp phép sử dụng có điều kiện đối với vaccine này, công bố hiệu quả bảo vệ đạt 79,34%, tỷ lệ sinh ra kháng thể trung hòa là 99,52%.

Ngày 1/4/2021, Bộ Y tế Hungary đã giấy chứng nhận GMP EU, Sinopharm là doanh nghiệp vaccine đầu tiên của Trung Quốc được cấp chứng nhận này.

Ngày 7/5/2021, vaccine của Sinopharm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL), ghi nhận hiệu quả bảo vệ đạt 78,2%. Đây cũng là vaccine đầu tiên sử dụng công nghệ bất hoạt được lọt vào danh sách EUL của WHO.

Ngày 31/5/2021, Sinopharm đã bắt đầu cung cấp vaccine cho chương trình COVAX, giúp các nước có thể tiếp cận với vaccine một cách công bằng.

Ngày 3/6/2021, vaccine của Sinopharm được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt sử dụng khẩn cấp, trở thành vaccine thứ 3 được Việt Nam phê duyệt sau vaccine AstraZeneca và Sputnik V.

Hiện danh sách những loại vaccine COVID-19 đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng khẩn cấp bao gồm 6 loại của các hãng Pfizer-BioNTech, AstraZeneca, Johnson & Johnson, Moderna, Sinovac và Sinopharm.

Huy Hùng

 Xem thêm: Mỹ sắp hứng chịu làn sóng biến thể covid Delta mới?