Hộ chiếu vaccine giữa các quốc gia sẽ giúp mở cửa nền kinh tế

17:34 | 26/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có chỉ đạo về việc công nhận “Hộ chiếu vaccine”.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 6891/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc công nhận “Hộ chiếu vaccine”.

Trên thế giới hiện có nhiều quốc gia áp dụng “Hộ chiếu vaccine” để mở cửa nền kinh tế, đưa hoạt động kinh tế-xã hội trở lại trạng thái bình thường mới. Việc công nhận “Hộ chiếu vaccine” lẫn nhau giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới rất quan trọng và đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: TTXVN.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của các quốc gia ASEAN, EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác trên thế giới để công nhận lẫn nhau về “Hộ chiếu vaccine”.

Trên Báo điện tử Đảng Cộng sản, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết khả năng áp dụng rộng rãi "hộ chiếu vaccine".

"Ngày 4/8, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn về cách ly y tế với người nhập cảnh Việt Nam đã tiêm đủ hai liều vaccine Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19.

Để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép 'vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế', các cơ quan chức năng của Việt Nam đang xúc tiến để có thể sớm triển khai hộ chiếu vaccine, điều chỉnh các quy định về xuất nhập cảnh, tạo thuận lợi hơn nữa cho các chuyên gia, lao động và nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nghiên cứu, triển khai chương trình thí điểm du lịch khép kín đối với khách quốc tế đã tiêm đủ vaccine để vào Việt Nam".

Trước đó, vào 13h30 chiều 4/9, Sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh đã đón chuyến bay mang số hiệu VN5311 chở 297 công dân Việt Nam từ Nhật Bản. Đây là chuyến bay đầu tiên áp dụng thí điểm chương trình cách ly y tế 7 ngày của Bộ Y tế, toàn bộ hành khách trên chuyến bay cần đáp ứng đủ 2 điều kiện.

Thứ nhất, phải tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 (liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh); thứ hai, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại chứng nhận.

Sau khi nhập cảnh tại Sân bay Vân Đồn, hành khách đã di chuyển về Khách sạn Novotel Hạ Long (Quảng Ninh) thực hiện cách ly y tế tập trung 7 ngày - rút ngắn 7 đến 14 ngày so với quy trình bình thường, tùy thuộc vào chủng biến thể Covid-19 nơi hành khách xuất cảnh).

Hộ chiếu vaccine đang được nhiều quốc gia áp dụng để có thể mở cửa kinh tế.

Trên thế giới, hiện nay đã có rất nhiều quốc gia áp dụng “Thẻ xanh vaccine” hoặc “hộ chiếu vaccine”.

Lần đầu tiên được giới thiệu ở Israel vào đầu năm nay, “thẻ xanh vaccine” có nhiều tên gọi khác nhau ở mỗi quốc gia như thẻ y tế, thẻ xanh, vé an toàn và coronapass. “Thẻ xanh COVID-19” là tài liệu bản cứng hoặc dưới dạng điện tử. Đây là một mã QR mà người dân có thể xuất trình thông qua một ứng dụng trên điện thoại hoặc in ra để chứng minh bản thân đã tiêm chủng đầy đủ, đã phục hồi sau khi mắc COVID-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Tại châu Âu, trong khi kế hoạch áp dụng thẻ xanh vaccine tại Anh đã bị gác lại, nhiều quốc gia khác đã triển khai chương trình này như một công cụ để mở cửa trở lại. Chính phủ Anh ngày 12/9 đã tạm hoãn kế hoạch yêu cầu người dân xuất trình thẻ xanh vaccine ngừa COVID-19 khi vào các địa điểm đông người.

Trong khi đó, nhiều quốc gia châu Âu khác đang lên kế hoạch triển khai “thẻ xanh vaccine” nhằm cho phép người dân tới nhiều địa điểm và tham gia các hoạt động thể thao. Austria, Bỉ, Cộng hòa Cyprus, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Ireland, Italy, Luxembourg, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Slovenia là những quốc gia châu Âu đã công bố về các hình thức của thẻ xanh vaccine.

Những quy định về “thẻ xanh vaccine” ở mỗi quốc gia là khác nhau. Tại Pháp, xuất trình “thẻ xanh vaccine” là điều bắt buộc khi tới rạp chiếu phim, nhà hát, bảo tàng, nhà hàng, quán bar, quán cà phê (bao gồm cả quán ngoài trời), câu lạc bộ giải trí, một số trung tâm mua sắm, tham gia hoạt động thể thao và các sự kiện công cộng.

Từ cuối tháng 9, quy định xuất trình “thẻ xanh vaccine” sẽ áp dụng cho tất cả những người trên 12 tuổi. Thẻ xanh vaccine tại Italy cũng có quy tắc tương tự như ở Pháp nhưng không áp dụng đối với các nhà hàng và quán cà phê ở ngoài trời. Một số bang của Đức cũng yêu cầu người dân xuất trình “thẻ xanh vaccine” để được vào nhà hàng. Austria liệt kê cả tiệm làm tóc trong những địa điểm cần “thẻ xanh vaccine”. Luxembourg bổ sung thêm nhà hàng và Bồ Đào Nha là các khách sạn.

Một số quốc gia châu Âu đã điều chỉnh các quy tắc về thẻ xanh trong suốt mùa hè. Chẳng hạn như ở Hà Lan, khi số ca mắc COVID-19 mới giảm dần, chính phủ đã tạm thời hoãn chương trình cấp “thẻ xanh vaccine” và cho phép các nhà hàng và quán bar phục vụ khách hàng hết công suất. Nếu mục đích của các nước châu Âu khi triển khai “thẻ xanh vaccine” là tăng tỷ lệ tiêm chủng thì điều này đã thành công ở một số quốc gia có tỷ lệ người dân do dự tiêm vaccine cao như Pháp. Theo một cuộc thăm dò vào tháng 12/2020, 60% người dân Pháp do dự về việc có nên tiêm vaccine ngừa COVID-19 hay không.

Tương tự như việc áp dụng “thẻ xanh vaccine” tại châu Âu, việc hộ chiếu vaccine cho phép di chuyển quốc tế cũng đặt ra một số thách thức. Luật pháp quốc tế cho phép các quốc gia yêu cầu du khách chứng minh họ đã được tiêm chủng các bệnh như sốt vàng da. Tuy nhiên, vaccine ngừa COVID-19 là một loại vaccine mới và không phải tất cả các loại vaccine ngừa COVID-19 đều được cấp phép sử dụng trên thế giới. Các quốc gia có thể quyết định chỉ chấp nhận chứng nhận tiêm loại vaccine được phép sử dụng trong nước của họ.

Trung Quốc nói rằng, hộ chiếu vaccine của họ sẽ chỉ cho phép người nước ngoài nhập cảnh nếu họ tiêm vaccine của Trung Quốc. Tuy nhiên, ở Mỹ hiện không có vaccine ngừa COVID-19 nào do các công ty Trung Quốc sản xuất.

Vaccine của AstraZeneca đang được sử dụng ở 86 quốc gia, nhưng chưa được phê chuẩn sử dụng ở Mỹ. Ngoài ra, vaccine được sử dụng ở một số quốc gia có thể không hiệu quả đối với các biến thể SARS-CoV-2 mới xuất hiện trong nước đó hoặc ở nước ngoài. Những vấn đề này cần được giải quyết trên quy mô toàn cầu và các chính phủ nên tận dụng cơ hội để giải quyết tại cuộc họp của Đại hội đồng Y tế thế giới của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào tháng 5.

Hệ thống hộ chiếu vaccine nên quy định rõ những loại vaccine nào sẽ được chấp nhận và hệ thống này phải được trang bị để cập nhật các yêu cầu tiêm chủng khi hướng dẫn y tế công cộng thay đổi.