Hóa chất Đức Giang (DGC): Chủ tịch mua thành công 1 triệu cổ phiếu

Trang Mai 08:18 | 22/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất ngành hóa chất - phân bón. Cuối quý I, cổ phiếu công ty đạt đỉnh với mức 230.000 đồng/cp. Thế nhưng cùng với đà đi xuống của thị trường chung, giá cổ phiếu DGC hiện đã rơi về mức hơn 50.000 đồng/cổ phiếu, tức mất hơn 78% giá trị so với đỉnh.

Liên tục “cắm sàn” trong nhiều phiên liên tiếp

Mới đây, ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (mã: DGC) công bố thông tin đã mua thành công 1 triệu cổ phiếu theo phương thức giao dịch là khớp lệnh qua sàn chứng khoán, nâng số lượng cổ phiếu đang nắm giữ lên gần 70 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu 18,38%. 

 Chủ tịch Công ty hóa chất Đức Giang Đào Hữu Huyền. (Ảnh: Dân Việt)  

Với số cổ phiếu vừa mua, ông Huyền cùng con trai là Đào Hữu Duy Anh - Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc - nắm giữ hơn 81 triệu cổ phiếu DGC, tương đương 21,39% vốn điều lệ. 

Kết phiên 21/11, giá cổ phiếu DGC dừng ở mức 51.100 đồng/cp, giảm 3.800 đồng so với phiên trước đó và rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 14 tháng kể từ ngày 13/9/2021. Đáng chú ý, tại phiên giao dịch cùng ngày, khối ngoại đã tập trung xả DGC với khối lượng bán ròng lên tới 151,5 tỷ đồng. 

Trong một diễn biến liên quan, mới đây, Chủ tịch Đào Hữu Huyền đã có tâm thư gửi đến các cổ đông DGC và PAT (CTCP Phốt Pho Apatit Việt Nam - công ty “cháu” của DGC, sở hữu thông qua Công ty TNHH MTV hóa chất Đức Giang - Lào Cai).

Theo đó, ông Huyền cho biết lần đầu tiên trong 8 năm kể từ ngày niêm yết, cổ phiếu DGC sập sàn liên tiếp nhiều phiên. Ông nhận định đây là điều bất thường khi xảy ra vào năm DGC gặt hái thành quả cao nhất từ trước tới nay - với doanh thu ước trên 14 nghìn tỷ đồng và lãi sau thuế ước trên 6 nghìn tỷ đồng. Riêng quý IV, lợi nhuận tháng 10 và 11 ước khoảng 800 tỷ đồng, gần như chắc chắn đạt kế hoạch đề ra trong kỳ (1.100 tỷ đồng).

 

Ngay sau bức “tâm thư” của Chủ tịch HĐQT, cổ phiếu DGC ngay lập tức “hồi sinh” khi liên tục tăng trần, thậm chí có thời điểm chạm mốc hơn 60.000 đồng/cp. Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay, giá cổ phiếu lại tiếp tục nằm sàn.

Theo kế hoạch được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, DGC dự kiến tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2022 là 30%. Sau đợt chi trả này, Công ty xem như hoàn thành kế hoạch cổ tức đặt ra. Với số lượng đang lưu hành gần 380 triệu cp, số tiền chi cho đợt cổ tức này khoảng 1.140 tỷ đồng. 

Dự báo triển vọng kinh doanh nhiều thách thức

Mặc dù có kết quả kinh doanh thuận lợi trong quý III và tháng 10, thậm chí có thể vượt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra, thế nhưng theo nhận định ngày 4/11 của Công ty Chứng khoán KB (KBSV), doanh thu và lợi nhuận của Hóa chất Đức Giang nhiều khả năng đã đạt đỉnh trong nửa cuối năm 2022 và có xu hướng giảm dần trong thời gian tới.

Theo KBSV, phốt pho vàng (P4) là sản phẩm xuất khẩu chính của Hóa chất Đức Giang, đóng góp hơn 50% tổng doanh thu và đóng góp quan trọng vào đà tăng trưởng đột biến về kết quả kinh doanh của Công ty trong thời gian qua. Tuy vậy, thị trường phốt pho vàng thế giới đang diễn biến bất lợi, xuất hiện tình trạng dư cung trong bối cảnh cầu ở hạ nguồn yếu. 

Tại Trung Quốc, phốt pho vàng có xu hướng bị siết chặt sau khi tỉnh Vân Nam ban hành "Kế hoạch quản lý hiệu quả năng lượng đối với các ngành tiêu thụ nhiều điện năng từ tháng 9/2022 đến tháng 5/2023", sản lượng sản xuất phốt pho vàng của Vân Nam giảm xuống mức 805 tấn/ngày, giảm 40% so với giữa tháng 9 và khiến cho giá phốt pho vàng trung bình tại Vân Nam và Quý Châu tăng 13,67% so với cùng kỳ tháng trước.

Với mảng kinh doanh phân bón của Hóa chất Đức Giang, KBSV cũng dự báo giá phân DAP (phân vô cơ hỗn hợp) chịu áp lực điều chỉnh trong ngắn hạn. Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ nội địa chậm do trái vụ khiến giá phân DAP sụt giảm 25% từ mức đỉnh thiết lập hồi tháng 5, xuống mức 19.600 đồng/kg, tương đồng với diễn biến trên thị trường quốc tế. Trong ngắn hạn, nhu cầu tiêu thụ DAP duy trì ở mức thấp sẽ tiếp tục gây áp lực giảm giá tới các nhà cung cấp trong nước.

KBSV lo ngại về rủi ro suy thoái toàn cầu sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu nông sản toàn cầu, tương đồng với diễn biến giá hợp đồng tương lai của 8 loại nông sản chính (lúa mì, cà phê, ngô, cotton, đậu nành, đường và dầu đậu nành). Năm 2023, Nhà máy NPK của DGC sẽ đi vào hoạt động, dự kiến khai thác 10.000 tấn/năm. Dù vậy, giá nông sản sụt giảm có thể tác động tiêu cực đến tiêu thụ vật tư nông nghiệp, trong đó có phân bón. Chỉ số FAOFOODI, giá giao ngay của 55 mặt hàng thực phẩm trên thế giới, đã sụt giảm 14% từ mức đỉnh thiết lập hồi tháng 5 trước những lo ngại về rủi ro suy thoái kinh tế sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu nông sản toàn cầu. 

Tương tự, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định: “Chúng tôi quan ngại về những thách thức mà Hoá chất Đức Giang phải đối mặt trong năm 2023".

Thứ nhất, mảng phốt pho vàng có thể ghi nhận mức tăng trưởng âm do suy thoái kinh tế đang diễn ra, dự báo nhu cầu điện tử sụt giảm mạnh trong 2023. Công ty dự kiến sẽ giảm giá bán, đồng thời giảm sản lượng xuất khẩu phốt pho vàng trong năm 2023.

Thứ hai, Dự án Nghi Sơn đi vào hoạt động chậm hơn so với kế hoạch.

Thứ ba, giá phân bón khó tăng mạnh do tồn kho từ nửa đầu năm, nông dân lo ngại mở rộng diện tích canh tác khi chi phí trồng trọt tăng và giá nông sản có xu hướng quay đầu giảm trong bối cảnh lạm phát kéo dài và khủng hoảng năng lượng.

"Với những thách thức nêu trên, chúng tôi nhận định giá cổ phiếu DGC khó tăng mạnh trong ngắn hạn”, BVSC nhận định. 

Trong bối cảnh khó khăn như vậy, giải pháp được Hóa chất Đức Giang đưa ra là chủ động đẩy mạnh xuất khẩu phân bón sang các quốc gia ASEAN như Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Bangladesh do nguồn cung phân bón thế giới vẫn kém vì Nga và Trung Quốc - hai quốc gia xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới áp hạn ngạch xuất khẩu các loại phân bón quan trọng như Urea, DAP, MAP, NPK.