Hoạt động từ thiện - sách lược kinh doanh quan trọng của doanh nghiệp
Hội nghị đã tập trung đánh giá kết quả chương trình viện trợ nhân đạo tại Việt Nam 5 năm qua và định hướng ưu tiên trong các hoạt động nhân đạo giai đoạn 2019 - 2022; tăng cường, mở rộng và phát triển các mối quan hệ hợp tác đối tác với các tổ chức, doanh nghiệp trong và quốc tế; kêu gọi sự tham gia, đồng hành của các đối tác trong các hoạt động nhân đạo.
Tổng trị giá hoạt động nhân đạo đạt trung bình 2.000 tỷ đồng/năm
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu bày tỏ sự trân trọng và ghi nhận sự đóng góp, đồng hành quý báu của các đối tác, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đối với công tác nhân đạo trong thời gian qua.
Để có được nguồn lực phục vụ các hoạt động nhân đạo, Hội CTĐ Việt Nam đã tích cực vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động nhân đạo, tập trung vào 5 phương thức vận động: Vận động nguồn lực dựa vào số đông, phát huy tối đa sức mạnh của hệ thống tổ chức Hội các cấp và cộng đồng bằng các chương trình nhắn tin; vận động quỹ thông qua ký kết và thực hiện các chương trình phối hợp, nghị quyết liên tịch với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong hoạt động nhân đạo; duy trì và phát triển mô hình Ban bảo trợ hoặc Hội đồng bảo trợ hoạt động CTĐ; vận động nguồn lực ngoài nước; và ứng dụng công nghệ thông tin trong vận động nguồn lực.
Hoạt động nhân đạo là trách nhiệm xã hội và sách lược kinh doanh
Chia sẻ với Hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đánh giá, cộng đồng các doanh nghiệp đang và sẽ luôn là các chủ thể tích cực tham gia hoạt động nhân đạo từ thiện.
Ông Lộc cho rằng, hoạt động nhân đạo là trách nhiệm xã hội và cũng là sách lược kinh doanh quan trọng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có truyền thống làm nhân đạo, và thực tế, cộng đồng doanh nghiệp đã đang và sẽ luôn là các chủ thể tích cực tham gia vào các hoạt động nhân đạo từ thiện.
Trải qua suốt chiều dài xây dựng và phát triển đất nước, đã chỉ ra có sự tham gia hoạt động của các doanh nhân tiền bối bằng các hình thức, cách thức và các thời điểm khác nhau. Trong các tấm gương điển hình thời Pháp thuộc, có thể nêu ra hai đại diện ưu tú của giới doanh nhân Việt là cụ Trịnh Văn Bô và cụ Bạch Thái Bưởi về vấn đề kinh doanh và đóng góp công sức trong xây dựng cộng đồng, giúp đỡ người nghèo và làm việc phúc đức.
Cùng với quá trình đổi mới, Việt Nam đã xây dựng được nhiều doanh nhân Việt Nam lớn mạnh cả về số lượng, về quy mô hoạt động và đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước, tạo ra của cải cho xã hội, mang đến phồn vinh cho các tầng lớp của nhân dân Việt Nam...
“Đa phần các doanh nghiệp làm từ thiện không vì mục đích kinh doanh. Kết quả từ một nghiên cứu 500 doanh nghiệp tại Việt Nam do cơ quan này thực hiện cùng Quỹ châu Á (TAF) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) cho thấy, hiện nay có đến 96% doanh nghiệp làm từ thiện khi doanh thu đạt 100-300 tỷ đồng, 25% doanh nghiệp có doanh thu từ 10-50 tỷ đồng cũng tham gia hoạt động từ thiện, an sinh xã hội”, ông Lộc nhấn mạnh.
Cũng theo ông Lộc, các doanh nghiệp cũng như một số doanh nhân hoạt động từ thiện chủ yếu ở 3 lĩnh vực: giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, cứu trợ thiên tai, xóa đói giảm nghèo. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 58% xác định họ làm từ thiện không vì mục đích kinh doanh nào, chỉ 15% doanh nghiệp Việt Nam cho rằng họ làm từ thiện với mục đích “nâng cao” danh tiếng, 2% trong số đó cho rằng các hoạt động nhân đạo nhằm mục đích bù lại các tác động xấu đến doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, dù là một tổ chức phi lợi nhuận, hay một doanh nghiệp kinh doanh điển hình, thì các hoạt động an sinh xã hội, các chương trình từ thiện sẽ là những nhân tố giúp doanh nghiệp xây dựng một văn hóa lành mạnh, giúp kết nối các thành viên trong doanh nghiệp ngày càng gắn bó và bền chặt. Bên cạnh đó, nó cũng giúp doanh nghiệp nâng cao hình ảnh, uy tín của thương hiệu.
Theo Chủ tịch VCCI, trong thời đại công nghệ số, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và nâng cao trách nhiệm xã hội sẽ giúp hài hòa lợi ích, tạo sự hợp tác - tương tác tốt giữa con người với robot trong công việc và giữa doanh nghiệp với xã hội - cộng đồng xung quanh.
Doanh nghiệp phải có trách nhiệm xã hội ngoài nghĩa vụ đóng thuế. Bởi không có doanh nghiệp nào không đứng trên đất, không có quan hệ với con người, môi trường và sử dụng tài nguyên xã hội để sản xuất kinh doanh. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp luôn tác động đến đời sống dân sinh như gây ra tiếng ồn, khói bụi, mùi hôi, nước bẩn, và nhiều yếu tố khác.
Doanh nghiệp phải chuyển chi phí từ lợi nhuận sản xuất kinh doanh (một tỷ lệ nào đó trong khoản mục chi phí phúc lợi) mang tính đền bù, trả lại cho xã hội để góp phần nâng cao, cải thiện đời sống xã hội, nhằm khắc phục sửa chữa những tác hại do mình gây ra, đó là thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Về tính chất, hoạt động nhân đạo, từ thiện mang tính tự nguyện, tự giác, độc lập, một chiều cho mà không có hoàn lại.
185 tỷ đồng được cam kết hỗ trợ nhân đạo tại Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận, chia sẻ về những cơ hội, thách thức, giải pháp về tăng cường trợ giúp nhân đạo trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
12 đơn vị, tổ chức ký chương trình phối hợp với Hội CTĐ Việt Nam như: Chương trình phối hợp giữa Hội CTĐ Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, VCCI; chương trình phối hợp giữa Hội CTĐ Việt Nam và Ủy ban Dân tộc…; tại hội nghị, 13 tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã ủng hộ và cam kết trực tiếp với tổng trị giá hơn 185 tỷ đồng.
Trước thời cơ và thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0, trong thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia các hoạt động nhân đạo, trách nhiệm xã hội mang tính bền vững, phát triển, tập trung vào các vấn đề ưu tiên sau: Phòng ngừa ứng phó thiên tai, thảm hoạ; cứu trợ khẩn cấp; Môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; Cộng đồng an toàn; Y tế và chăm sóc sức khoẻ dựa vào cộng đồng; Công tác xã hội; Khắc phục hậu quả chiến tranh; Chăm sóc và trợ giúp người cao tuổi dựa vào cộng đồng.