Hội DNTN Việt Nam: Chặng đường 5 năm tập hợp, đoàn kết, hỗ trợ doanh nhân
(DNVN) - Thành lập và chính thức hoạt động từ tháng 7/2013, suốt 5 năm qua, Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả trong tập hợp, đoàn kết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cũng như hỗ trợ doanh nhân tư nhân hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Trong 5 năm qua, dù còn nhiều khó khăn nhưng Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam (VPBA) đã phát huy vai trò, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao trong việc tập hợp, đoàn kết, hỗ trợ doanh nhân cùng nhau phát triển. Đồng thời Hội cũng làm cầu nối giữa các doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, từng bước thực hiện tư vấn, tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định chính sách, cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi, ngày càng thông thoáng cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển sản xuất, kinh doanh…
Đánh giá về quá trình hoạt động trong 5 năm qua, PGS-TS. Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch VPBA cho biết: Sau 5 năm hoạt động, thế và lực của Hội đã từng bước được khẳng định và được sự thừa nhận của đội ngũ doanh nhân tư nhân.
Trong thời gian tới, với tinh thần “Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo và phát triển”, Hội sẽ tiếp tục xây dựng đội ngũ doanh nhân mạnh cả về lượng và chất, nhằm thực hiện chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, với mục tiêu đến năm 2020 kinh tế tư nhân có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp, đóng góp 48-49% GDP, khoảng 49% vốn đầu tư toàn xã hội.
Đồng thời, tiếp tục phát huy thế mạnh về hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực của hội viên, Hội tạo điều kiện thuận lợi thực hiện sự hợp tác, liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau theo nguyên tắc “cùng thành công”; kết nối hội viên theo phương cách chủ động giới thiệu, tư vấn cho hội viên có được những cơ hội kinh doanh mà hội viên này đang cần, hội viên khác đang có cùng tham gia...
Đặc biệt, Hội sẽ chủ động hơn trong việc tham gia với cơ quan nhà nước trong soạn thảo các chính sách, văn bản pháp quy mà doanh nghiệp là đối tượng thi hành, để chính sách, văn bản pháp quy phản ánh đúng thực trạng cuộc sống, giải đáp đúng những vấn đề bức xúc của cuộc sống đang được đặt ra, cũng là những vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Hội tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, kết nối giao thương, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; liên kết giữa nhà doanh nghiệp với nhà nông, ngân hàng, nhà khoa học để phát triển công nghệ sau thu hoạch. Đặc biệt, khâu chế biến cần được đẩy mạnh để tạo đầu ra cho nông sản, tăng giá trị sản phẩm, năng lực cạnh tranh, thiết lập chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và thế giới...
Mặt khác, Hội cũng đề cao văn hóa, đạo đức kinh doanh, xây dựng giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, trước hết là trách nhiệm xã hội, tính liêm chính và phong cách kinh doanh thượng tôn pháp luật. Từ đó, đưa kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng để phát triển kinh tế đất nước.