Hướng dẫn thủ tục giải thể công ty cổ phần

10:29 | 09/07/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Theo quy định, doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài.
Chị Thanh Hiền (Hà Nội): Tôi có một công ty cổ phần, nhưng thời gian qua công ty làm ăn thua lỗ nên tôi quyết định giải thể công ty. Mong tư vấn giúp tôi về thủ tục và quy trình giải thể doanh nghiệp cổ phần?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến doanhnhanviet.net.vn. Theo quy định, việc giải thể công ty sẽ tuân theo những vấn đề sau:

Thứ nhất, về điều kiện giải thể doanh nghiệp:

Theo quy định tại khoản 2, Điều 201 Luật doanh nghiệp năm 2014 có quy định về điều kiện giải thể doanh nghiệp như sau: “Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài”.

Công ty của bạn phải đáp ứng điều kiện này của pháp luật mới đủ điều kiện để tiến hành giải thể doanh nghiệp.

Thứ hai, về trình tự thủ tục giải thể doanh nghiệp

Tại Điều 202, 204 Luật doanh nghiệp 2014 và điều 59 Nghị định số 78/2015/NÐ-CP có quy định về trình tự thủ tục giải thể doanh nghiệp. Từ các điều khoản quy định đó, bạn cần tiến hành những bước như sau:

Bước 1: Công bố thông tin giải thể

- Thông báo về giải thể doanh nghiệp;

- Quyết định giải thể doanh nghiệp và bản sao hợp lệ biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông về việc giải thể doanh nghiệp;

- Phương án giải quyết nợ (nếu có).

Doanh nghiệp gửi thông báo đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, người lao động trong doanh nghiệp, đăng quyết định giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và phải được niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp còn nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán thì phải gửi kèm theo quyết định giải thể phương án giải quyết nợ đến các chủ nợ, người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan. Thông báo phải có tên, địa chỉ của chủ nợ; số nợ, thời hạn, địa điểm và phương thức thanh toán số nợ đó; cách thức và thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ.

Bước 2: Doanh nghiệp gửi công văn tới cơ quan thuế đề nghị được quyết toán thuế và đóng mã số thuế.

Bước 3: Đăng ký giải thể

- Thông báo về giải thể doanh nghiệp;

- Báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp;

- Danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội (nếu có);

- Danh sách người lao động sau khi quyết định giải thể doanh nghiệp (nếu có);

- Con dấu và giấy chứng nhận mẫu dấu (nếu có);

- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Sau khi nhận được hồ sơ Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông tin về việc doanh nghiệp đăng ký giải thể cho cơ quan thuế. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin của Phòng Đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế gửi ý kiến về việc giải thể của doanh nghiệp đến Phòng đăng ký kinh doanh.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ giải thể, Phòng Đăng ký kinh doanh chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng giải thể nếu không nhận được ý kiến từ chối của cơ quan thuế, đồng thời ra Thông báo về việc giải thể của doanh nghiệp.