Kế hoạch phân phối vaccine COVID-19 của các nước G7 có nhiều hạn chế
Theo Reuters, kế hoạch của G7 bao gồm sáng kiến của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo ngày 10/6 về việc quyên tặng 500 triệu liều vaccine COVID-19 của Pfizer/BioNTech.
Trong kế hoạch, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng nhất trí tặng ít nhất 100 triệu liều vaccine vào cuối năm 2021. Riêng Pháp và Đức mỗi nước tặng 30 triệu liều. Tuy nhiên, cam kết 100 triệu liều vaccine này cũng từng được đề cập trong một cuộc họp cấp cao của EU từ hồi tháng 5.
Các chuyên gia chỉ ra hệ thống cơ sở hạ tầng lưu trữ và phân phối vaccine tại các nước đang phát triển có thể cản trở quá trình triển khai tiêm chủng
Phần lớn các lô vaccine được cam kết sẽ chuyển qua COVAX - hệ thống phân phối vaccine toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và liên minh vaccine Gavi hỗ trợ. Các chuyên gia cho rằng số liều vaccine mà G7 cam kết đóng góp vẫn còn thiếu hụt 5-6 tỷ liều so với số lượng mà các quốc gia nghèo đang cần. Hơn thế nữa, kế hoạch cũng không nêu ra được cách thu hẹp khoảng cách trong việc phân phối các liều vaccine.
Các chuyên gia chỉ ra hệ thống cơ sở hạ tầng lưu trữ và phân phối vaccine tại các nước đang phát triển có thể cản trở quá trình triển khai tiêm chủng ngay cả khi họ tiếp nhận vaccine COVID-19 từ các nước lớn, đặc biệt là các cơ sở hạ tầng yếu kém có nguy cơ bị quá tải khi nhiều vaccine hứa hẹn đồng loạt được đưa tới vào cuối năm.
Ngân hàng Thế giới đã mở rộng hạn mức tín dụng 12 tỷ USD cho các nước đang phát triển để xây dựng cơ sở hạ tầng phân phối vaccine nhưng hiện các chính phủ mới chỉ rút ra khoảng 3 tỷ USD.
Edwin Ikhuoria, Giám đốc điều hành ONE Campaign - một tổ chức phi lợi nhuận về vấn nạn nghèo đói và sức khỏe cộng đồng, cho biết: “Các quốc gia có thu nhập thấp đang cảnh giác với việc gia tăng hồ sơ nợ”.
Tuy nhiên, một số chuyên gia đánh giá động thái mới của nhóm các nước G7 vẫn là một sự thúc đẩy rất cần thiết đối với COVAX khi cho đến nay COVAX mới chỉ phân phối được 83 triệu liều vaccine trên toàn thế giới. COVAX đã phải chật vật để đảm bảo việc phân phối vaccine cho các quốc gia nghèo trong bối cảnh các quốc gia giàu có thu mua và tích trữ số lượng vaccine gấp nhiều lần so với dân số thực.
Các chuyên gia lập luận những quốc gia giàu có và đạt tỷ lệ tiêm chủng cao nên tìm cách vận chuyển các liều vaccine một cách nhanh chóng, đặc biệt là đối với những lô vaccine gần hết hạn để tránh lãng phí trong khi nhiều nơi khác đang cần.
Thành Văn
Xem thêm: Hơn 170 triệu người mắc COVID-19 trên toàn thế giới