Khả năng phục hồi thị trường BĐS nghỉ dưỡng nửa cuối 2021 thế nào?
Theo Bộ Xây dựng, nửa năm đầu 2021, trên cả nước có 05 dự án mới với 4.829 căn hộ du lịch, 270 biệt thự du lịch được cấp phép; 54 dự án với 20.013 căn hộ du lịch, 3.415 biệt thự du lịch đang triển khai xây dựng, tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Trung như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Định, Quảng Bình, Hà Tĩnh.
Nguồn cung mới khách sạn 4-5 sao và khu du lịch nghỉ dưỡng trên cả nước vẫn rất hạn chế. Một số dự án khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng đã phải lùi lịch khai trương do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 vào tháng 5. Giá cho thuê bình quân phòng khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng trong quý II/2021 giảm khoảng 20-25% so với Quý trước. Một số dự án khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng được khai trương trong quý như: Trung tâm giải trí nghỉ dưỡng Phú Quốc United Center (Phú Quốc, Kiên Giang), khách sạn 4 sao Yes Hotel (Đà Nẵng).
Công suất thuê phòng khách sạn toàn thị trường có xu hướng tăng ở giai đoạn đầu Quý II/2021 khi nhu cầu tham quan, du lịch trong dịp nghỉ lễ tăng lên. Tuy nhiên sang nửa cuối Quý II/2021, dịch bệnh bùng phát trở lại, các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn lại tiếp tục gặp khó khăn khi nhu cầu thuê và công suất thuê phòng sụt giảm mạnh. Một số khách sạn đăng ký làm địa điểm cách ly có trả phí được coi là một trong những giải pháp tình thế để tăng tỷ lệ lấp đầy phòng và cải thiện doanh thu nhưng có rất ít hiệu quả trong thực tế.
Ngân hàng nhà nước cho biết, dư nợ tín dụng trong 6 tháng đầu năm đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 26.204 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,9% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của Công ty DKRA Vietnam vừa công bố, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường rơi vào trạng thái trầm lắng, nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản nghỉ dưỡng (condotel) phải khóa giỏ hàng, điều chỉnh chính sách bán hàng cho phù hợp khiến nguồn cung mới khan hiếm.
Bên cạnh đó, trong tháng 7/2021, phân khúc Condotel không ghi nhận dự án mới mở bán. Dự kiến, trong tháng 8, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nguồn cung và sức cầu phân khúc Condotel có thể dần hồi phục, tuy nhiên khó có sự đột biến và tập trung chủ yếu ở khu vực Bình Thuận. Với loại hình biệt thự biển, tháng 7 ghi nhận 4 dự án mở bán, tăng nhẹ so với tháng trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 12%. Lượng tiêu thụ mới tăng nhưng vẫn còn ở mức rất thấp.
DKRA Vietnam cho rằng, hiện nay nhiều dự án đang trong giai đoạn truyền thông chuẩn bị, dự kiến sang tháng 8 nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nguồn cung và sức cầu sẽ tăng và tập trung chủ yếu ở khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận.
Ở loại hình nhà phố/shohouse biển, trong tháng 7 chỉ có 1 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường 26 căn, bằng 11% so với tháng trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 4%, bằng 3% so với tháng 6/2021. Nhiều dự án phải tạm ngừng triển khai, khóa giỏ hàng do dịch bệnh bùng phát khiến nguồn cung và lượng tiêu thụ mới trong tháng sụt giảm mạnh so với tháng trước.
Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đang gặp khó
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá, sau năm 2020, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng “ảm đạm” cả năm mới tiêu thụ chỉ được khoảng hơn 100 sản phẩm. Trong những tháng đầu năm 2021, sức cầu chung của thị trường tiếp tục thấp. Trừ một số dự án bản chất là nhà ở nhưng được hoạt động theo hình thức du lịch - nghỉ dưỡng có tỉ lệ hấp thụ khoảng 30-40%, các dự án còn lại, có giao dịch nhưng không đáng kể.
Thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng không còn sức hấp dẫn như trước, giao dịch tiếp tục ở mức thấp. Điều này do 2 nguyên nhân là nguồn cung hạn chế và tâm lý “cố thủ, chờ đợi” của các nhà đầu tư xem diễn biến của tình hình dịch bệnh.
Theo đánh giá của các chuyên gia, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ còn khó khăn khi dịch bệnh vẫn chưa thể kiểm soát, sẽ có những doanh nghiệp không còn tiếp tục duy trì được khi dịch bệnh kéo dài. Trong khi đó, tình trạng nhà đầu tư chuyển nhượng để cắt lỗ đang ngày càng lan rộng.
Dự báo thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nửa cuối năm 2021, DKRA cho rằng đa phần các phân khúc sẽ tiếp tục xu hướng giảm nguồn cung từ đầu năm 2021. Sức cầu thị trường có thể sẽ phục hồi nhẹ tùy vào tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trong những tháng cuối năm.
Nguồn cung mới khan hiếm và có thể sẽ giảm nếu dịch bệnh không được kiểm soát trong quý III/2021. Mặt bằng giá bán thứ cấp không biến động nhiều, nhưng nếu dịch bệnh kéo dài có thể giá thứ cấp sẽ giảm. Tuy nhiên, thị trường không xảy ra tình trạng bán tháo.
Về tình hình chung, các doanh nghiệp lĩnh vực BĐS cũng đang dần trở nên “khó thở” trước những tác động của đại dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ tín dụng của khối nhà băng. Chính vì thế, Hiệp hội Bất động sản TP.CM (HoREA) đã có văn bản gửi đến Ngân hàng nhà nước (NHNN) góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo kiến nghị của HoREA, sau hơn một năm rưỡi đồng hành với Nhà nước trong phòng, chống đại dịch COVID-19 và nỗ lực chống chịu để tự cứu mình, cho đến nay hầu hết các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản đã dần kiệt sức, thậm chí có một số doanh nghiệp lâm vào cảnh sức cùng lực kiệt, nguồn lực bị bào mòn, có nguy cơ bị phá sản, nếu không được Nhà nước hỗ trợ kịp thời.
Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được chủ động xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng (doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp bất động sản, hộ gia đình, cá nhân) và được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ 23/01/2020 đến ngày 30/06/2022 (do Thông tư 03/2021/TT-NHNN chỉ quy định kéo dài đến 31/12/2021), nhất là việc xem xét cho khách hàng được vay vốn mới, sẽ hỗ trợ thiết thực hơn cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, giúp giảm chi phí vốn vay, giảm chi phí đầu vào, được tiếp cận các khoản vay mới, để có thêm thời gian dần phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.
Hải Đăng