Khởi động dự án “Thương mại vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam”

21:04 | 12/03/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Nhằm mục tiêu tăng cường khả năng cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị quốc tế thông qua việc nắm bắt và tích hợp các chiến lược kinh doanh bền vững, đặc biệt là việc hỗ trợ kỹ thuật để tiếp cận với các tiêu chuẩn “xanh” và nguồn tài chính “xanh”, vào sáng 12/3, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương)  đã khởi động dự án “Thương mại vì sự phát triển bền vững”.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết: Thời gian qua, cụm từ phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Để đảm bảo cho phát triển bền vững, nhiều phương thức tăng trưởng đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững xuất hiện, trong đó có khái niệm tăng trưởng xanh. Tăng trưởng xanh đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới, trong đó các DN được coi là nhân tố trọng tâm, đóng vai trò quan trọng nhất trong việc lựa chọn tăng trưởng xanh và hiện thực hóa mục tiêu bền vững quốc gia.

Ở Việt Nam, tăng trưởng xanh được xác định là một chiến lược nhằm hướng đến sự phát triển bền vững. Dù có thách thức về đầu tư ban đầu, nhưng những DN áp dụng công nghệ xanh sẽ có cơ hội lớn trong thu hút đầu tư, gia tăng lượng khách hàng và từ đó làm tăng giá trị DN. Đây là cơ hội cho các tổ chức tài chính và doanh nghiệp Việt Nam khi thúc đẩy phát triển tài chính xanh, đem lại nhiều lợi ích bền vững cho chính các định chế tài chính, DN được vay vốn và cộng đồng.

Khởi động dự án “Thương mại vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam” - ảnh 1
 Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại phát biểu khai mạc.
Tuy nhiên, ông Phú cũng nhấn mạnh, dù nền kinh tế xanh cung cấp nhiều cơ hội thị trường cho các DN dựa trên nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với các sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc và sản xuất bền vững nhưng đây cũng là thách thức cho các DN này trong việc đảm bảo bền vững hơn về môi trường, xã hội và kinh tế. Bên cạnh đó, do thiếu năng lực và kiến thức để phát triển các hoạt động  kinh doanh bền vững, nhiều DN cần được hỗ trợ trong việc giảm thiểu rủi ro môi trường và khí hậu, tăng hiệu quả tài nguyên và tính toán toàn diện của các mô hình kinh doanh để tham gia vào quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh.
Vì vậy, trong khuôn khổ hợp tác giữa Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), hai bên  đã khởi động Dự án “Thương mại vì sự phát triển bền vững” tại Việt Nam.
Theo đó, dự án chính thức được khởi động vào ngày 12/3 tại Hà Nội và ngày 13/3 tại TP. Hồ Chí Minh. Dự án triển khai trong 02 năm (2019 – 2020) và ITC sẽ cân nhắc gia hạn dựa trên hiệu quả hoạt động thực tế. Đối tượng hưởng lợi chính của dự án là các đơn vị hỗ trợ thương mại, xúc tiến thương mại, và doanh nghiệp.
Cũng theo ông Phú, mục tiêu chính của dự án nhằm tập trung hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp, cung cấp các giải pháp bền vững thông qua các công cụ được thiết kế bài bản của ITC như Tiêu chuẩn bền vững, Bản đồ bền vững, Mạng lưới bền vững… hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp mong muốn đạt các tiêu chí “xanh” trong sản xuất và kinh doanh, đặc biệt trong hoạt động xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thành công nguồn tài chính “xanh” để triển khai các hoạt động bền vững; hỗ trợ  tiếp cận thị trường và định vị sản phẩm trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, dự án có một hợp phần quan trọng là tìm và xác định các nguồn “tài chính xanh”, từ đó xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật và chiến lược thực tiễn, nhằm cùng với doanh nghiệp tiếp cận thành công các nguồn lực từ các tổ chức tài chính này.
Khởi động dự án “Thương mại vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam” - ảnh 2
Lễ ký kết hợp tác triển khai dự án giữa các bên tham gia.
Nhìn nhận về chương trình này, bà Nguyễn Bảo Thoa, Tư vấn trưởng chương trình cho biết, 99% DN tham gia dự án cho rằng rất thiết thực, 79% DN mong muốn được đào tạo về tiếp thị sản phẩm bền vững và định vị sản phẩm trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, trong phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn là định nghĩa khá mới, song lượng DN biết về kinh tế tuần hoàn còn ít. Những yếu tố liên quan tới phần gốc của DN như biến đổi khí hậu – kiến thức của DN còn hạn chế, mơ hồ.
Do đó, phần lớn những DN muốn phát triển bền vững đều phải tìm nguồn vốn đầu tư vì không đơn giản muốn là được. Đây là khó khăn của DN nếu muốn phát triển xanh bởi nhiều DN cần tới vài chục triệu USD để thay đổi toàn bộ máy móc công nghệ, quy trình. Cho nên hỗ trợ DN tiếp cận nguồn tài chính xanh là mấu chốt quan trọng để DN thành công trong chuyển đổi từ chưa bền vững sang bền vững. Vốn này họ đầu tư vào công nghệ, nâng cao năng lực, nhận thức, kỹ thuật. Dự án có nền tảng là các công cụ, đào tạo, tuy nhiên nguồn vốn thì dự án không cung cấp mà chỉ tạo điều kiện cho DN tiếp cận được nguồn vốn. Qua đó, DN biết được nếu mình phát triển xanh thì phải tiếp cận theo nguồn vốn nào.
Bà Thoa cũng cho biết, ít nhất có 2 nguồn vốn qua khảo sát, đó là nguồn vốn giúp cho DN cải tiến KH công nghệ xanh. Hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ có 31 chương trình liên quan tuỳ thuộc vào tiêu chí của từng DN. Trong trường hợp DN đủ mạnh về chuyên môn thì có thể tiếp cận được nguồn vốn đó. Ở phía Ngân hàng Nhà nước đang có chiến lược về tài chính xanh, tuy nhiên hiện tại Việt Nam chưa có tiêu chí xác định thế nào là DN xanh, mà mới đang xây dựng. Nếu xây dựng xong, DN đáp ứng các tiêu chí này thì đương nhiên sẽ được hưởng nguồn tài chính xanh. Có 30 ngân hàng sẵn sàng tiên phong trong lĩnh vực cung cấp tài chính xanh cho DN.