Kinh doanh số và marketing: Cần nhanh chóng đổi mới tư duy hành động

21:48 | 12/11/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là khuyến nghị được nhấn mạnh tại Hội thảo Khoa học quốc tế “Kinh doanh số và Marketing trong kỷ nguyên toàn cầu hóa” sáng 12/11 tại Hà Nội.
Các đại biểu thảo luận.  Ảnh: Minh Hoa/DNVN 

Hội thảo do Khoa Marketing, Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Đại học Bremen - CHLB Đức, mạng lưới tri thức châu Á - Đức về Logistics và Vận tải (AGKN) tổ chức, thu hút gần 150 đại diện doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, giảng viên đại học cùng nghiên cứu sinh, sinh viên khối ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, kỹ thuật - công nghệ…

Đây cũng là cơ hội gặp gỡ, giao lưu tìm hiểu khả năng hợp tác giữa các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có liên quan nhằm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của mạng lưới nghề nghiệp trong kỷ nguyên toàn cầu hóa.

Hội thảo không giới hạn chủ đề nhưng tập trung vào các nội dung liên quan đến thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức mới của kinh doanh số và tiếp thị số trong nền kinh tế số; giới thiệu các mô hình kinh doanh mới, xu hướng phát triển marketing đương đại và kinh nghiệm vận dụng các công cụ tiếp thị số trên nền tảng công nghệ số, đồng thời, đưa ra các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả marketing…

Hội thảo nhấn mạnh, marketing là một trong những lĩnh vực đang thay đổi và phát triển hết sức mạnh mẽ. Ứng dụng công nghệ số vào marketing và phát triển hoạt động marketing trong môi trường công nghệ số đang là xu hướng phát triển tất yếu.

Hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ qua mạng xã hội trở thành một công cụ đắc lực giúp các doanh nghiệp khai thác dược nguồn lực của mình mà không quá tốn kém như các công cụ khác. Do đó, kinh doanh trên mạng xã thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể và cá nhân trong vài năm trở lại đây.

Cách mạng 4.0 tạo ra những thuận lợi trong việc sản xuất kinh doanh, tạo nên sự linh hoạt để các doanh nghiệp kết nối với nhau thông qua mạng internet, dịch vụ logistics, chuỗi các doanh nghiệp có thể liên kết với nhau, hỗ trợ và đáp ứng những giai đoạn khác nhau trong sản xuất, kinh doanh, tạo nên tính ưu việt và năng xuất, lợi nhuận tăng lên vượt bậc.

Kinh doanh số và marketing: Cần nhanh chóng đổi mới tư duy hành động - ảnh 1
 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: DNVN
 
Hội thảo cũng nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiêp 4.0 đã tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng mang tới nhiều thách thức lớn đối với các quốc gia, các doanh nghiệp thờ ơ hoặc không đủ nguồn lực để theo dõi, cập nhật chủ động ứng dụng những công nghệ mới.

Trong nền kinh tế kết nối, độ mở của nền kinh tế quốc gia gần như “không giới hạn” thì những “bí quyết” công nghệ trở nên khó “bảo hộ” hơn. Đây là cơ hội rất tốt cho các quốc gia đi sau. Nhưng cũng chính vì điều này làm cho cuộc cạnh tranh toàn cầu trở nên mãnh liệt hơn. Nội dung của cuộc cạnh tranh được tập trung vào cạnh tranh công nghệ mới và kèm theo đó sức tàn phá cũng có thể lớn hơn, do công nghệ mới thay thế hiệu quả hơn những công nghệ hiện thời. Theo dõi cuộc thương chiến Mỹ-Trung có thể cảm nhận được điều này. Một trong những nội dung Mỹ tố cáo Trung Quốc và muốn đưa vào thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại là vấn đề sở hữu trí tuệ.

Cùng với đó, tri thức và kỹ năng của con người có dư địa lớn để tự do sáng tạo, nhưng đồng thời cũng nhanh chóng trở nên lạc hậu. Trong nền kinh tế số không gian sáng tạo của con người không bị giới hạn do không quá phụ thuộc vào những “giới hạn vật chất”. Từng cá nhân đều có thể tiếp cận dễ dàng với máy tình và mạng internet và thông qua đó tiếp cận với thành tựu khoa học và kiến thức mới, tự học để nâng cao trình độ và tự đổi mới bản thân. Nhưng cũng chính vì điều này làm cho những kiến thức và kỹ năng hiện có và vừa mới được trang bị lại nhanh chóng trở nên lỗi thời và lạc hậu.

Một thách thức nữa là bất bình đẳng xã hội gia tăng. Trong nền kinh tế số tài sản lớn nhất của mỗi cá nhân là trí tuệ. Trí tuệ lại không thể đồng đều cho mọi người. Điều này tác động lớn tới việc giải quyết và khắc phục những mặt trái về mặt xã hội của nền kinh tế số.

Muốn tranh thủ thời cơ và tạo bước đột phá trong việc ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để phát triển nền kinh tế số, các cơ quan quản lý nhà nước cần giải các bài toán quản lý về thuế, quản lý thị trường, hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng, bảo mật thông tin… thiết lập hệ thống kiểm soát tốt hơn, thay đổi kịp thời vì sự phát sinh liên tục của hoạt động kinh doanh trên nền tảng công nghệ số.

Đối với cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh, cần phải nắm bắt xu hướng, ứng dụng mạng xã hội một cách tối ưu để đáp ứng với những thách thức được đặt ra.