Kỷ nguyên 'đồng USD không rủi ro' đang dần khép lại?

Theo TTXVN 07:00 | 25/04/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thị trường tài chính biến động mạnh trong hai ngày đầu tuần này, với giá vàng giao ngay tăng lên trên ngưỡng kỷ lục 3.500 USD/ounce, trong khi đồng USD giảm xuống mức thấp nhất của ba năm.

Tờ 100 USD. (Ảnh: Reuters).

Theo tờ “Minh báo” của Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), tình hình thương mại quốc tế căng thẳng, nguy cơ đình lạm ở Mỹ gia tăng, chính sách thuế quan thất thường của Tổng thống Donald Trump và việc ông gây sức ép buộc Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cắt giảm lãi suất, đã gây ra quan ngại rằng Fed sẽ mất đi tính độc lập.

Thị trường tài chính biến động mạnh trong hai ngày đầu tuần này, với giá vàng giao ngay có lúc tăng lên trên ngưỡng 3.500 USD/ounce, lập mức cao kỷ lục mới, trong khi đồng USD giảm xuống mức thấp nhất của ba năm.

Trước đây, mỗi khi thị trường chứng khoán toàn cầu biến động, trái phiếu kho bạc Mỹ thường được coi là nơi trú ẩn an toàn cho các quỹ. Tuy nhiên, việc bán tháo cổ phiếu, trái phiếu và tiền tệ của Mỹ trong những tuần gần đây là điều rất hiếm thấy.

Mặc dù ông Trump có thể vui mừng khi thấy đồng USD yếu hơn giúp thúc đẩy xuất khẩu, nhưng vấn đề hiện nay không chỉ là tỷ giá hối đoái, mà niềm tin của các nhà đầu tư vào chính phủ và nền kinh tế Mỹ cũng đang lung lay, xu hướng chung là giảm nắm giữ tài sản bằng USD có thể sẽ còn kéo dài trong một thời gian.

Kể từ năm 2023 đến nay, giá vàng liên tục tăng và xu hướng tăng ngày càng nhanh hơn trong 6 tháng qua, một số người trong ngành ngân hàng cho biết, cùng với việc giá vàng tiếp tục tăng, hoạt động mua bán vàng vật chất gần đây của khách hàng cũng có xu hướng tăng.

Thị trường vẫn tiếp tục lạc quan về giá vàng, không chỉ vì Fed đã triển khai chu kỳ cắt giảm lãi suất vào năm ngoái, mà còn vì các yếu tố như rủi ro địa chính trị gia tăng và sự trở lại nắm quyền của Tổng thống Trump.

Các nhà đầu tư từ lâu đã dự đoán nhiệm kỳ "Trump 2.0" sẽ thổi bùng lại cuộc chiến thương mại và cũng ước tính lãi suất của Mỹ sẽ dần giảm và sức mạnh của đồng USD sẽ chấm dứt. Mặc dù vậy, tình hình thực tế lại tồi tệ hơn nhiều so với dự kiến ban đầu, khiến thị trường cổ phiếu, trái phiếu và đồng USD chịu áp lực trong vài tuần qua.

Thị trường lo ngại cuộc chiến thuế quan sẽ vượt kiểm soát, làm gián đoạn thương mại quốc tế và đẩy Mỹ vào tình trạng lạm phát đình trệ.

Một số còn lo ngại rằng liệu Washington có muốn sử dụng cuộc chiến thuế quan như một biện pháp gây sức ép nhằm buộc các nước chủ nợ chấp nhận trái phiếu mới có thời hạn đáo hạn cực dài và hầu như không có lãi suất để thay thế trái phiếu Mỹ hiện có trong tay họ hay không.

Niềm tin của thị trường vào tài sản bằng USD giảm mạnh và trái phiếu Mỹ bị bán tháo, buộc ông Trump phải tuyên bố đình chỉ thuế đối ứng vào giữa tháng 4. Tuy nhiên, hiệu suất của tài sản USD trong tuần qua cho thấy niềm tin thị trường vẫn mong manh.

Chỉ số đồng USD đã chạm mức thấp nhất trong ba năm, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và 30 năm tăng trên 4,4% và 4,9% trong tuần này, tiến gần đến mức cao nhất của tháng 4.

Mặc dù thị trường cổ phiếu, trái phiếu và tiền tệ Mỹ đều phục hồi vào đêm 21/4, nhưng nhìn chung, tiền tệ và trái phiếu Mỹ đã giảm hơn 9% trong năm nay, trong đó cổ phiếu Mỹ giảm nhiều hơn, trong khi vàng trở thành nơi trú ẩn an toàn.

Tính từ đầu năm đến nay, mức tăng giá vàng tích lũy đã vượt 30%, vượt qua mức tăng 27% của cả năm ngoái. Giá vàng đã tăng lên trên 3.500 USD/ounce, gần gấp đôi so với ba năm trước.

Sự chuyển dịch từ USD sang vàng

Trước đây, nhiều người có ý tưởng “mua vàng để bảo toàn giá trị”, nhưng vàng không có lãi suất như trái phiếu và khi thị trường và nền kinh tế bùng nổ, sức hấp dẫn của nó kém xa cổ phiếu. Ngay cả khi gặp phải biến động kinh tế, tiền vẫn đổ vào trái phiếu Mỹ, franc Thụy Sỹ hoặc đồng yen Nhật Bản để tìm nơi trú ẩn an toàn.

Nhìn lại 30 năm qua, chỉ có hai đợt tăng giá vàng lớn. Lần đầu tiên là sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi Mỹ thực hiện nới lỏng định lượng và in lượng lớn tiền, giá vàng đã tăng gấp đôi từ 800 USD/ounce lên 1.900 USD/ounce chỉ trong ba năm, nhưng đã rơi vào tình trạng bế tắc trong thời gian dài kể từ đó.

Giá vàng tăng vọt trong những năm gần đây là làn sóng tăng giá thứ hai, nguyên nhân đằng sau điều này là những thay đổi chưa từng có trên thế giới trong một thế kỷ và tình hình chính trị, kinh tế toàn cầu ngày càng bất ổn.

Sau khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra, các quốc gia đã bị sốc khi phát hiện tài sản USD của họ có thể bị đóng băng, đồng USD, với tư cách là đồng tiền dự trữ, không phải là không có rủi ro.

Ngoài ra, nợ của Mỹ tiếp tục tăng và hiện đã lên tới 36.000 tỷ USD, số tiền lãi phải trả mỗi năm lên tới 1.100 tỷ USD, tính bền vững của khoản nợ đã thu hút sự chú ý và hiện chúng ta phải cảnh giác trước nguy cơ nền kinh tế lớn nhất thế giới vỡ nợ. Đối với nhiều quốc gia, việc tăng dự trữ vàng và giảm dần lượng nắm giữ nợ của Mỹ là một lựa chọn rất hợp lý.

Khi vị thế toàn cầu của đồng USD suy yếu, thị trường sẽ theo đuổi vàng. Ngân hàng Goldman Sachs cho biết hoạt động mua vàng gần đây chủ yếu đến từ các ngân hàng trung ương.

Tình hình liên quan cho thấy đợt tăng giá vàng gần đây không chỉ do cuộc chiến thuế quan "Trump 2.0" khiến các nhà đầu tư đổ xô tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn trong ngắn hạn mà còn có thể phản ánh những thay đổi sâu sắc và dài hạn hơn về mặt cấu trúc trên thị trường tài chính toàn cầu.

Tất nhiên, việc xu hướng dòng vốn chảy ra khỏi Mỹ gần đây có tiếp tục hay không vẫn cần phải quan sát thêm. Chỉ cần thị trường phục hồi trong một ngày hoặc hai ngày không có nghĩa là xu hướng đã đảo ngược.

Tài sản bằng USD sẽ không đột nhiên trở thành tài sản có rủi ro cao, nhưng hiệu suất gần đây của đồng USD và trái phiếu Mỹ phản ánh rằng thị trường đang đánh giá lại vai trò của tài sản bằng USD như một nơi trú ẩn an toàn.

Ngay cả khi Nhà Trắng có thể đạt được thỏa thuận với nhiều đối tác thương mại kịp thời và giải quyết cuộc khủng hoảng thuế đối ứng, tác động của sự cố này đối với niềm tin của thị trường và nền kinh tế thực sẽ không giảm bớt nhanh chóng.

Chuyên gia George Saravelo, phụ trách nghiên cứu ngoại hối toàn cầu tại Deutsche Bank, cho rằng: "Chúng ta có thể đang chứng kiến sự xói mòn dần dần trong uy tín tài chính của Mỹ" và quá trình phi USD hóa toàn cầu có thể diễn ra nhanh hơn dự kiến.

Ông Trump cam kết phục hồi ngành sản xuất của Mỹ và thường nói về việc xóa bỏ thâm hụt thương mại. Về lý thuyết, đồng USD yếu hơn sẽ có lợi cho xuất khẩu của Mỹ. Nhưng, thiệt hại do chính sách thuế quan gây ra không thể bù đắp được bằng việc phá giá đồng USD để tăng sức cạnh tranh xuất khẩu.