Lâm Đồng: Phê duyệt chủ trương đầu tư gần 20.000 tỷ xây dựng cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương

Nguyễn Triệu 16:06 | 21/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dự án đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương được phê duyệt chủ trương đầu tư giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 19.521 tỷ đồng.

HĐND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức đối tác công - tư (PPP) giai đoạn 1. Theo chủ trương được phê duyệt, cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương có tổng chiều dài gần 74 km.

Dự án có điểm đầu tại Km126+360, giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP Bảo Lộc (điểm cuối dự án Tân Phú - Bảo Lộc). Điểm cuối tại Km200+000 giao với cao tốc Liên Khương - Prenn tại Km208+650, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng.

 Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương được đầu tư nhằm hoàn thiện hệ thống đường bộ cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, giảm ùn tắc cho QL20, góp phần tạo đột phá về KT-XH của tỉnh Lâm Đồng nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung 

Tuyến cao tốc được đầu tư với quy mô giai đoạn hoàn chỉnh gồm 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75 m, tốc độ 100 km/h. Giai đoạn phân kỳ giai đoạn 1, dự án sẽ được đầu tư với bề rộng nền đường 17 m, tốc độ khai thác 80 km/h. Tại các vị trí nút giao liên thông thiết kế mặt cắt ngang theo quy mô giai đoạn hoàn chỉnh. Điểm dừng xe khẩn cấp được bố trí khoảng 4-5 km/vị trí trên cùng chiều xe chạy. Phạm vi GPMB của dự án theo quy mô quy hoạch 4 làn xe cao tốc giai đoạn hoàn chỉnh với nền đường rộn 24,75 m (chưa bao gồm diện tích mở rộng khoảng 30 km đường gom thành đường song hành trong giai đoạn hoàn chỉnh).

Dự kiến, tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng gần 619 ha. Trong đó, TP Bảo Lộc khoảng 66,73 ha; huyện Bảo Lâm khoảng hơn 44 ha; huyện Di Linh khoảng 292,5 ha và huyện Đức Trọng hơn 215 ha. Trên cơ sở phương án thiết kế, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 19.521 tỷ đồng với cơ cấu gồm: nguồn vốn ngân sách nhà nước khoảng 7.761 tỷ đồng (chiếm khoảng 39,76% tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1). Trong đó, ngân sách tỉnh bố trí 4.000 tỷ đồng để thực hiện dự án trong giai đoạn 2021-2025, sau khi được TƯ bố trí 2.500 tỷ đồng sẽ thực hiện điều chỉnh giảm ngân sách địa phương. Số vốn tương đương 3.761 tỷ đồng dự kiến bồi thường bằng việc giao đất cùng mục đích sử dụng đất.

Ngoài ra, vốn do nhà đầu tư huy động khoảng 11.760 tỷ đồng (chiếm khoảng 60,24% tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1). Trong đó, phần vốn chủ sở hữu tối thiểu của các nhà đầu tư khoảng 1.764 tỷ đồng (chiếm 15%), vốn huy động khác khoảng 9.996 tỷ đồng (chiếm 85%, không bao gồm vốn ngân sách Nhà nước). Cụ thể, Nghị quyết nêu rõ phần vốn nhà nước chi trả một phần kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm và hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng khoảng 4.000 tỷ đồng.

Đối với 3.761 tỷ đồng dự kiến bồi thường bằng việc giao đất cùng mục đích sử dụng đất (tương đương khoảng 514 ha diện tích phải giải phóng mặt bằng) bố trí trên diện tích đất không phải bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật Đất đai ngày 29/11/2013 và các quy định có liên quan.

Dự kiến khung giá, phí sản phẩm dịch vụ sử dụng đường bộ được xác định theo nguyên tắc xác định cụ thê mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ bảo đảm lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP và người sử dụng; tạo điều kiện để nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP thu hồi vốn và có lợi nhuận phù hợp theo quy định của pháp luật về giá, pháp luật về PPP. Nhà đầu tư thực hiện đầu tư, quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng công trình trong suốt thời gian khai thác dự án và thu phí theo hình thức thu phí kín.

Dự án hoàn thành từng bước hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc Dầu Giây - Liên Khương theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nâng cao khả năng kết nối với mạng lưới giao thông quốc gia, rút ngắn thời gian kết nối các tỉnh Tây Nguyên với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và các trung tâm kinh tế, xã hội, công nghiệp dọc Quốc lộ 20. Đồng thời, nâng cao năng lực vận chuyển hàng hoá, thông thương đối ngoại, đáp ứng nhu câu ngày càng tăng cao, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông cho Quốc lộ 20 đang trong tình trạng quá tải.

 

Trước đó vào ngày 17/12, Sở KH-ĐT Lâm Đồng cho biết UBND tỉnh đã đồng ý để liên danh nhà đầu tư T&T Group JSC - FUTA Group (Công ty CP tập đoàn T&T - Công ty CP đầu tư tập đoàn Phương Trang) tìm hiểu, nghiên cứu, khảo sát, đề xuất ý tưởng quy hoạch như đề xuất nói trên của liên danh này. Ý tưởng quy hoạch sau khi được chấp thuận sẽ làm cơ sở cho việc triển khai, tổ chức lập quy hoạch phục vụ cho việc quản lý, kêu gọi thu hút đầu tư. Trước đó, liên danh nhà đầu tư T&T Group JSC - FUTA Group đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép khảo sát, nghiên cứu, lập và tài trợ ý tưởng quy hoạch, đồng thời đăng ký đề xuất thực hiện đầu tư một số dự án có tính chất động lực tại các khu vực dọc tuyến cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương.

Theo văn bản này, liên danh đã được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận cho phép lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức đối tác công tư.

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã giao Sở KH-ĐT làm đầu mối, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương đi qua (TP.Bảo Lộc và các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng - PV) kiểm tra, rà soát và làm việc trực tiếp với liên danh nhà đầu tư này để đề xuất đảm bảo quy định hiện hành, phù hợp nguồn lực đất đai được phân bổ và các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong từng giai đoạn, báo cáo đề xuất UBND tỉnh trước ngày 30/12.