Làm sao để kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực phát triển của nền kinh tế?

08:22 | 16/05/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân đã được đề ra hơn một năm, xác định đây là động lực quan trọng của nền kinh tế. Mặc dù cải cách hành chính trong thời gian qua có tiến triển, song nhìn chung tốc độ còn rất chậm và chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp tư nhân.

Làm thế nào để kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực phát triển của nền kinh tế là câu hỏi cấp thiết được đặt ra. Về giải pháp ngắn hạn, theo PGS. TS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thời gian qua Đảng và Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực phát triển của nền kinh tế nhưng vấn đề cải cách thể chế tiến triển vẫn chậm. Điều này thể hiện ở chỗ “trên vội nhưng dưới vẫn khoan”, vấn đề quan trọng hiện nay là cần chuyển động cả hệ thống thay vì chỉ những người đứng đầu Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Tất cả các cấp quản lý bên dưới cần có sự chuyển động quyết liệt, cấp bách.

“Làm thế nào để các cấp quản lý cùng chuyển động thì cần phải có chế tài và đây là vấn đề tôi cho thuộc diện cấp bách. Chỉ có điều này mới có thể giúp giải quyết vấn đề về điều kiện kinh tế, giấy phép con nhanh chóng. Góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân”, PGS. TS Bùi Tất Thắng nói.

Làm sao để kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực phát triển của nền kinh tế? - ảnh 1
Ảnh minh họa

Ông cũng cho rằng, chất lượng các văn bản pháp luật, kể cả văn bản có tính pháp lý cao, những nghị định, thông tư, giấy phép con hiện tại vẫn đang gây khó khăn cho doanh nghiệp. Vì vậy, cần nâng cao chất lượng của các văn bản luật, làm rõ các vấn đề pháp lý để doanh nghiệp tư nhân có thể dễ dàng tiếp cận và hiểu rõ hơn về vấn đề này. Đây là hai việc cần làm ngay và làm nhanh. Qua đó, môi trường kinh tế tư nhân mới phát triển được.

Về giải pháp trung hạn, PGS. TS. Bùi Tất Thắng cho biết, cần cấu trúc lại bộ máy thể chế để hình thành đúng nghĩa nhà nước kiến tạo và phát triển. Bởi vì, Đổi mới ở Việt Nam đã trải qua 30 năm, dù nhiều thành tựu nhưng còn nhiều khó khăn nên muốn vận động được hiệu quả của nền kinh tế thì cần cấu trúc bộ máy kịp phục vụ giai đoạn thực sự kiến tạo phát triển bằng cách nhìn mới, luật chơi mới chứ không đơn thuần là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của giai đoạn trước để lại.

Về vấn đề này, ông Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng để kinh tế tư nhân phát triển thì việc cải cách thể chế là vấn đề quan trọng nhất. Cần thay đổi tư duy của các nhà quản lý từ kiểm soát, cho phép thành tư duy phục vụ, đặc biệt là với các cấp chính quyền cơ sở để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp sáng tạo, phát triển. Hướng tới tạo lập môi trường thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển, nâng cao năng lực từng bước tham gia sâu, vững chắc vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (tháng 6/2017), đưa ra mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng trong tổng sản phẩm nội địa (GDP).

Kinh tế tư nhân, hiểu cách khái quát chung, là khu vực kinh tế nằm ngoài quốc doanh (ngoài khu vực kinh tế nhà nước), bao gồm các doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó tư nhân nắm giữ trên 50% vốn đầu tư. Kinh tế tư nhân là tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh không dựa trên sở hữu nhà nước về các yếu tố của quá trình sản xuất. Hiểu ở cấp độ hẹp, kinh tế tư nhân là khu vực kinh tế gắn liền với loại hình sở hữu tư nhân, bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Kinh tế tư nhân tồn tại dưới các hình thức như: doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và các hộ kinh doanh cá thể.