Lịch sử vai trò 'mẹ đỡ đầu' những chiếc tàu thủy

21:21 | 13/11/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Với ý nghĩa người phụ nữ sẽ trở thành mẹ đỡ đầu của mỗi con tàu, hơn một thế kỷ qua, trên toàn thế giới, người được chỉ định tiến hành làm lễ hạ thủy đều là phụ nữ.

Những nghi lễ xa xưa

Từ xa xưa, vào thời của người Viking tại Bắc Âu, trong lễ hạ thủy tàu, người ta thường dùng một ly có chứa máu đổ tràn lên mặt boong để cúng tế quỷ thần và mời một cao tăng cầu nguyện với hy vọng thần linh sẽ mang lại may mắn cho con tàu. Sau này, những người Hy Lạp và La Mã cổ đại dùng một cốc nước thánh để vẩy lên con tàu cầu mong Chúa Trời sẽ bảo vệ con tàu, thuyền viên, hành khách và hàng hóa trên con tàu đó.

Còn vào thời kỳ Trung Cổ, người ta xây điện thờ trên tàu, thay vì dùng máu họ dùng một chai rượu đỏ để cúng tế ngay khi con tàu chạm nước.

Đến thời vua Tudor trị vì nước Anh (1485-1603), nghi lễ hạ thủy được thực hiện sau khi con tàu đã lao xuống nước, với một đội kèn Trumpet, một vị tướng trong hoàng gia sẽ xuất hiện và được ngồi trên một chiếc ghế đặt trên thượng tầng mũi tàu. Người ta dâng cho ông một chiếc cốc làm bằng vàng hoặc bạc chứa rượu quý vua ban.

Sau khi nhấp một hớp, ông rịnh trọng đặt tên cho con tàu và đọc những điều ước mang lại sự may mắn cho con tàu rồi đổ hết cốc rượu lên boong tàu. Cuối cùng, viên tướng sẽ ném cốc rượu ra khỏi mạn tàu. Rất nhiều người đứng xung quanh con tàu với hy vọng sẽ nhặt được chiếc cốc quý đó.

Lịch sử vai trò 'mẹ đỡ đầu' những chiếc tàu thủy - ảnh 1
 Trước khi một chiếc tàu mới hạ thủy, người phương Tây thường làm lễ đập vỡ một chai rượu. (Ảnh: medium.com)
Đến năm 1690, vì lợi ích kinh tế, việc sử dụng loại cốc này không được thực hiện nữa, thay vào đó người ta sử dụng một chiếc chai có rượu bên trong. Về sau, khi champagne được sử dụng rộng rãi trong các bữa tiệc mừng, nó cũng đồng thời được sử dụng thay rượu đỏ.
Tuy nhiên, người ta thường tâm niệm rằng, nếu chai champagne đập vào mũi tàu mà không vỡ thì rất có thể con tàu đó sẽ gặp phải những điều không may mắn. Do vậy cần phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng trước khi sử dụng chai champagne này. Ở một số nơi, người ta còn phải bọc bên ngoài chai champagne một vỏ bọc bằng nhôm, bên trong có lót vải cotton để tránh trường hợp khi chai vỡ sẽ gây thương tích cho những người xung quanh.
Chai champagne phải được bảo quản trong một vỏ bọc cách nhiệt, ở phòng điều hòa để đảm bảo khi chai champagne vỡ phải gây ra tiếng nổ và bắn tung tóe ra xung quanh. Nếu trong điều kiện thời tiết lạnh thì cần có một thiết bị hâm nóng để đảm bảo sao cho túi chứa chai champagne giữ được ấm. Và phải có một chai dự trữ để đề phòng sự cố.
Những người mẹ đỡ đầu
Lịch sử vai trò 'mẹ đỡ đầu' những chiếc tàu thủy - ảnh 2
 Mẹ đỡ đầu thực hiện nghi thức đặt tên cho tàu ở Việt Nam.
Ở Anh đến năm 1811, vua George IV giới thiệu người phụ nữ đầu tiên với ý nghĩ người phụ nữ đó sẽ trở thành mẹ đỡ đầu của con tàu. Kể từ đó, các buổi lễ hạ thủy thường có một phụ nữ đứng rất trang trọng và đọc: “Hỡi đứa con của biển, ta thả con về với mẹ biển thân yêu..."
Sau những lời dặn dò của người mẹ đỡ đầu dành cho “con”, chai champagne được đập vào mũi tàu. Trong tiếng leng keng của việc tháo dỡ các đế kê, những luồng khói của lớp mỡ cháy bốc lên do ma sát giữa vỏ tàu và triền đà, con tàu từ từ lao xuống nước cùng những tiếng hò reo của hàng ngàn người thợ đóng tàu cùng đến tiễn đưa thành quả, tâm sức của mình đi về phía biển cả bao la.
Hình thức này được áp dụng đến tận ngày nay. Mới đây, vào ngày 27/8/2016, tập đoàn đóng tàu ngầm General Dynamics Electric Boat có trụ sở tại Groton, Connecticut đã bàn giao tàu ngầm cho Hải quân Mỹ sau 5,5 năm thi công. Con tàu này được Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama làm mẹ đỡ đầu và đặt tên cho con tàu này là USS Illinois theo tên của quê nhà. Hay như Annie Mabus, con gái Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus, đã đập vỡ chai rượu vang được làm từ vườn nho ở Denver, bang Colorado, trong nghi lễ hạ thủy cho tàu ngầm mới nhất của Mỹ vào ngày 3/12/2016. Con tàu mang tên USS Colorado chuẩn bị gia nhập hạm đội dự kiến 300 tàu vào năm 2019.
Tương tự tại Việt Nam, các bà mẹ đỡ đầu cho tàu được chọn thường là những người phụ nữ trưởng thành, hình thức ưa nhìn, đảm việc nước, giỏi việc nhà, con cái suôn sẻ, để những “đứa con” có thể mạnh mẽ ra khơi, hùng dũng đối diện với sóng to gió cả.