Lo ngại về lạm phát cao, chứng khoán Mỹ đỏ lửa khi loạt cổ phiếu bị bán tháo

Trịnh Huyền Trang 09:53 | 11/02/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 10/2 giảm sâu sau khi lạm phát cao hơn nhiều so với dự đoán. Nhà đầu tư lo Fed sẽ mạnh tay nâng lãi suất.

Cả ba chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ đều đi xuống trong phiên 10/2.

Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite sụt 2,1%, trong khi S&P 500 giảm 1,8% xuống gần ngưỡng 4.500 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 526 điểm, tương đương 1,47%, và đóng cửa ở gần 35.242 điểm.

Theo CNBC, thị trường chứng khoán Mỹ biến động mạnh trong suốt phiên 10/2. Các chỉ số có lúc giao dịch trên tham chiếu. Ở đáy của ngày, Dow Jones mất hơn 600 điểm. 

Cuối cùng, các chỉ số đóng cửa chìm sâu trong sắc đỏ khi nhà đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ mạnh tay hơn trong chiến dịch nâng lãi suất sắp tới để kiềm chế lạm phát.

Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ sáng 10/2 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 vừa qua tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này cao hơn hẳn con số 7,2% mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự đoán, đồng thời là mức lạm phát cao nhất kể từ tháng 2/1982 như thể hiện trong biểu đồ dưới đây.

Nếu không kể giá năng lượng và lương thực nhiều biến động, tỷ lệ lạm phát lõi (core inflation) so với cùng kỳ năm trước là 6%, cao hơn mức 5,9% mà các nhà kinh tế dự đoán và cao nhất kể từ tháng 8/1982.

Sau khi số liệu lạm phát được công bố, lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm đã vượt mốc 2% lần đầu tiên kể từ tháng 7/2019. Đầu năm nay, lợi suất 10 năm chỉ ở mức 1,51%.

Lợi suất kỳ hạn ngắn tăng mạnh hơn kỳ hạn dài, cho thấy nhà đầu tư dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất rất quyết liệt để ngăn lạm phát ăn sâu vào nền kinh tế. Lợi suất 2 năm tăng 26 điểm cơ bản, đánh dấu mức tăng trong một ngày lớn nhất kể từ năm 2009.

Như biểu đồ dưới đây cho thấy, mặt bằng lợi suất tại Mỹ đã quay lại thời kỳ trước dịch COVID-19.

CNBC dẫn lời ông Barry Gilbert, chuyên gia phân bổ tài sản tại công ty môi giới LPL Financial nhận định: "Lạm phát tháng 1 lại cao bất ngờ, khiến thị trường tiếp tục lo ngại về việc Fed sẽ quyết liệt nâng lãi suất. Tình hình từ nay về sau có thể sẽ cải thiện, nhưng những lo lắng của nhà đầu tư về nguy cơ Fed thắt chặt quá đà sẽ chỉ biến mất khi có dấu hiệu rõ ràng là lạm phát đã trong tầm kiểm soát".

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 10/2 giảm nhanh vào buổi chiều sau khi ông James Bullard, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis trả lời Bloomberg News cho biết ông đã nghĩ đến khả năng nâng lãi suất 0,5 điểm % trong cuộc họp tháng 3 tới. Ông còn muốn nâng lãi suất 1 điểm % (tức 100 điểm cơ bản) trước tháng 7.

Cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn (Big Tech) đồng loạt lao dốc do đây là nhóm nhạy cảm với các tín hiệu lãi suất. Microsoft sụt 2,8%, Netflix giảm 1,6%, Facebook mất 1,7%. Cổ phiếu thương mại điện tử Shopify mất 3,4% và Adobe giảm 5%.

Toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đều đi xuống trong phiên 10/2. Ngành năng lượng và vật liệu chịu ảnh hưởng ít nhất.

 Thống kê trên thị trường hợp đồng tương lai ở CME cho thấy các nhà giao dịch đang định giá theo kịch bản gần như chắc chắn 100% Fed sẽ nâng lãi suất 50 điểm cơ bản trong cuộc họp ngày 15-16/3.

Xác suất Fed nâng lãi suất 7 lần trong năm nay cũng được nâng lên mức 61%, tức là Fed có thể sẽ quyết định nâng lãi suất trong tất cả các cuộc họp từ nay đến cuối năm. Các nhà kinh tế tại Citigroup cũng thay đổi dự đoán thành tăng lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 3.

Bà Kathy Bostjancic, Kinh tế trưởng về thị trường tài chính Mỹ tại Oxford Economics nhận định: "Việc lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm vượt ngưỡng 2% kết hợp với lạm phát cao hơn dự báo và Fed mạnh tay thắt chặt là yếu tố tiêu cực đối với thị trường cổ phiếu nói chung và các công ty phụ thuộc vào nợ như nhóm công nghệ nói riêng".

Bà nói thêm: "Ở chiều ngược lại, các nhân tố tích cực là kinh tế vĩ mô và lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, việc Fed mạnh tay thắt chặt tiền tệ có thể làm tăng trưởng chậm lại nhiều hơn mong đợi".

Trong một diễn biến khác, Bộ Lao động Mỹ ngày 10/2 cho biết số người xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước là 223.000, giảm so với tuần trước và thấp hơn mức 230.000 mà các nhà kinh tế dự báo.