Loạt dự án giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ sắp triển khai

08:05 | 16/02/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 TP HCM, cầu Phước An, mở rộng cao tốc Long Thành - Dầu Giây là những dự án giao thông lớn, kỳ vọng tăng tính kết nối giữa TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

4 tỉnh thành Đông Nam Bộ TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu có nhiều đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của cả nước nhiều năm qua. 

Trong khi TP HCM được coi là "đầu tàu" kinh tế, đóng góp GDP nhiều nhất với khoảng 22,3%, thì Bình Dương, Đồng Nai nổi bật với mũi nhọn phát triển công nghiệp. Riêng Bà Rịa - Vũng Tàu sở hữu cảng Cái Mép - Thị Vải - dự kiến sẽ trở thành "siêu cảng" ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Giai đoạn tới, nhiều dự án giao thông hàng nghìn tỷ đồng đi qua các tỉnh thành này sẽ được triển khai, kỳ vọng thúc đẩy thêm sự phát triển chung của vùng kinh tế quan trọng nhất nhì cả nước.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối các KCN từ Bình Dương qua Đồng Nai đến cụm cảng ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối trực tiếp với các cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Đây cũng được coi là trục giao thông quan trọng bậc nhất trong kết nối vùng Đông Nam Bộ.

Dự án có điểm đầu tại Km0+000 kết nối với tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), điểm cuối tại Km53+700 giao với quốc lộ 56 thuộc TP Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Tổng chiều dài tuyến đường hơn 53 km, trong đó đoạn qua TP Biên Hòa và huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai dài 34,2 km; đoạn thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài 19,5 km.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ báo cáo tiền khả thi giai đoạn 1 dự án này. Bộ kiến nghị phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 - 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 của cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là 17.837 tỷ đồng, được đề xuất đầu tư công, dự kiến hoàn thành dự án vào năm 2025.

Hướng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (đường tô màu đỏ). (Nguồn: Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050).  

Nhìn trên bản đồ hướng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (đường tô màu đỏ) có thể thấy đoạn này chạy song song Quốc lộ 51. Quốc lộ 51 vốn được coi là con đường huyết mạch nối TPHCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu hiện đã quá tải, thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng. Vì thế cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được kỳ vọng sẽ giảm tải cho Quốc lộ 51.

Cũng giống như Quốc lộ 51, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi qua sân bay Long Thành (dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025), cắt hai cao tốc lớn là TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc Bến Lức - Long Thành. 

Dự án còn chạy qua nhiều khu công nghiệp (KCN) lớn khác của Đồng Nai như KCN Nhơn Trạch, KCN Long Thành, KCN Long Đức, KCN An Phước,... và đặc biệt là các cụm cảng Cái Mép - Thị Vải thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Như vậy có thể thấy khi hoàn thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ giúp nâng cao khả năng kết nối giao thông, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ các khu kinh tế công nghiệp lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải.

Vành đai 3 TP HCM chạy qua 4 tỉnh thành

Vành đai 3 TP HCM (đường màu đỏ) chạy qua TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. (Nguồn: Bản đồ định hướng phát triển không gian đến năm 2025 của TP HCM).  

Một trong những tuyến đường huyết mạch nối TP HCM với các tỉnh quan trọng phải nhắc đến dự án Vành đai 3 dài hơn 90 km (đoạn qua TP HCM là 47,62 km; Bình Dương 25,93 km; Đồng Nai 11,3 km; Long An 6,8 km).

Dự án chia làm 4 đoạn lớn gồm: Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - quốc lộ 22 và quốc lộ 22 - Bến Lức. Hiện tuyến đường đã đầu tư được 16,3 km trên địa bàn Bình Dương.

Xét về kinh tế, dự án là trục vành đai mang tính chất liên kết vùng, thu hút đầu tư về TP HCM và các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai.

Theo thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính sau cuộc họp hồi tháng 1 đầu năm về dự án Vành đai 3 và 4 TP HCM, Vành đai 3 TP HCM sẽ đầu tư công.

TP HCM có nhiệm vụ hoàn thiện dự thảo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này để trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 tới.

Giai đoạn một, Vành đai 3 được nghiên cứu đầu tư dài hơn 76 km, do tạm thời không tính đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn, dài 15 km đi qua Bình Dương đã làm 6 làn xe. Toàn bộ phần còn lại trong giai đoạn một sẽ làm 4 làn cao tốc và đường song hành hai bên. Trong đó bao gồm cả dự án 1A thuộc đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, dài khoảng 8 km đang đầu tư sẽ được bổ sung các hạng mục để đảm bảo đồng bộ với toàn tuyến.

Hiện, tổng mức đầu tư giai đoạn một Vành đai 3 ước tính hơn 85.400 tỷ đồng.

Cầu Phước An nối Đồng Nai với Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 4.800 tỷ

Vị trí xây cầu Phước An nối Đồng Nai với Bà Rịa - Vũng Tàu. (Nguồn: Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050).  

Cầu Phước An bắc qua sông Thị Vải nối đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải đến đường vào cảng Phước An (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) dự kiến được khởi công vào quý III năm nay.

Dự có tổng chiều dài là 4,3km, trong đó phần cầu vượt sông Thị Vải dài 3,5 km; đường dẫn trên tuyến 248 m, đường dẫn kết nối với đường xuống cảng Phước An dài khoảng 605 m và hoàn chỉnh phạm vi nút giao với đường vào cảng Phước An. Phần cầu dẫn có chiều rộng 23,5 m, cầu chính rộng 27 m. Tổng mức đầu tư là 4.879 tỷ đồng.

Dự án kết nối khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải với khu vực miền Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ qua hệ thống đường cao tốc trong khu vực (cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây). 

Cây cầu khi hoàn thành sẽ tăng thêm lợi thế của cụm cảng Cái Mép -Thị Vải, thúc đẩy kết nối, vận chuyển hàng hóa xuất - nhập khẩu qua cụm cảng này và phục vụ phát triển kinh tế, xã hội cả vùng Đông Nam Bộ.

Mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây

Dự án mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây có chiều dài khoảng 23,76 km. Đoạn tuyến được đề xuất đầu tư mở rộng có điểm đầu (Km0+800) tại vị trí sau nút giao An Phú, thuộc phường An Phú, quận Thủ Đức (TP Thủ Đức), TP HCM. Điểm cuối (Km24+558) tại vị trí giao dự kiến với cao tốc Biên Hòa -Vũng Tàu, thuộc thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Hồi tháng 10/2021, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận có tờ trình đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đề xuất mở rộng dự án này sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Tổng mức đầu tư giai đoạn hoàn chỉnh cho đoạn tuyến đề xuất mở rộng chưa gồm lãi vay vào khoảng 16.379 tỷ đồng, tương đương 715,9 triệu USD. Dự kiến thời gian thực hiện dự án là 5 năm sau khi hiệp định vay cho dự án có hiệu lực (từ năm 2021 đến năm 2025).