Lợi nhuận nhiều ngành quan trọng có thể tăng trưởng 15% trong quý I/2024

Trang Mai 13:40 | 06/04/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dưới tác động của mặt bằng lãi suất thấp và mức nền thấp cùng kỳ năm ngoái, Công ty chứng khoán MB dự báo lợi nhuận toàn thị trường có thể đạt mức tăng 15% so với cùng kỳ trong ngay trong quý I.

Trong báo cáo về triển vọng tăng trưởng các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường vừa công bố, công ty chứng khoán MBS dự báo ngành ngân hàng sẽ giữ nhịp tăng trưởng toàn thị trường với ước tính lợi nhuận tăng 20% so với cùng kỳ. 

Tuy nhiên, ngành này sẽ có sự phân hóa khi cầu tín dụng vẫn đang cho thấy sự suy yếu, MBS cho rằng kết quả kinh doanh trong quý I sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng. Các ngân hàng có lợi thế riêng về mảng cho vay như HDBank, Techcombank,... hoặc những ngân hàng có chất lượng tài sản cải thiện, giảm bớt áp lực trích lập dự phòng như BIDV, Techcombank, Sacombank sẽ có kết quả khả quan hơn so với toàn ngành.

 Dự báo lợi nhuận quý I một số ngân hàng. Ảnh: MBS

Ngành đạt mức tăng trưởng lợi nhuận nổi bật bao gồm thép với mức 163%. Chuyên gia phân tích cho rằng ngành thép dự kiến bước vào chu kỳ hồi phục trong bối cảnh giá nguyên vật liệu giảm nhanh hơn giá thành phẩm do áp lực đến từ Trung Quốc. Tính từ đầu năm đến nay, giá quặng đã giảm 15% về mức 107 USD/tấn và giá than đạt 295 USD/tấn (giảm 10% so với cùng kỳ) do nhu cầu yếu trong sản xuất thép tại Trung Quốc trong khi giá thép chỉ điều chỉnh giảm 3%. 

Nhu cầu thị trường nội địa dự kiến tăng trưởng nhẹ khoảng 3% khi quý I vẫn là mùa thấp điểm cho các hoạt động xây dựng dân dụng và đầu tư công tuy nhiên biên LNG sẽ cải thiện tốt. Đối với mảng xuất khẩu, dự kiến giá xuất khẩu cao trong quý IV/2023 sẽ được hạch toán do doanh nghiệp thường chốt giá trước thời điểm giao hàng khoảng 3 tháng, mức giá xuất khẩu tăng trưởng 7% trong khi giá HRC đầu vào duy trì ổn định nhờ nhu cầu yếu tại Trung Quốc sẽ tác động tích cực lên biên lãi gộp, dự kiến biên lãi gộp của các doanh nghiệp xuất khẩu có thể tăng lên mức trung bình 7% trong quý I (so với 3% cùng kỳ). 

Nhìn chung, lãi ròng các doanh nghiệp thép sẽ có sự cải thiện về tăng trưởng và giá trị tuyệt đối trong quý I.

Với ngành bán lẻ, MBS phân tích, sức khỏe vĩ mô thế giới phục hồi cùng khu vực sản xuất tăng trưởng trở lại giúp cho thu nhập của người tiêu dùng cải thiện, từ đó nhu cầu tiêu dùng gia tăng. Tuy nhiên, trong quý I, khi sức tiêu thụ chung vẫn đang ở mức yếu, chuyên gia nhận thấy mức tiêu thụ với từng ngành hàng bán lẻ cũng có sự phân hóa rõ rệt: Các doanh nghiệp bán lẻ ICT sẽ ghi nhận doanh thu đi ngang so với cùng kỳ, mặt bằng giá bán ICT-CE sẽ không còn cạnh tranh gay gắt như trong năm 2023 sẽ giúp cải thiện lãi ròng ròng.

Cùng đó, bán lẻ dược phẩm tiếp tục duy trì tăng trưởng dựa theo sự phục hồi của vĩ mô, các doanh nghiệp hưởng lợi như FRT khi tiếp tục tăng độ phủ sóng.

Ngoài ra, những diễn biến từ giá vàng sẽ thúc đẩy nhu cầu mua - bán vàng nhẫn, vàng miếng từ người dân, tuy nhiên doanh nghiệp bán lẻ trang sức sẽ tiếp tục duy trì lãi ròng đi ngang so với mức nền rất cao quý I/2023 khi các biến động mạnh từ giá vàng sẽ khiến cho giá nguyên vật liệu của doanh nghiệp có những diễn biến khó lường.

 Những biến động giá vàng có thể khiến doanh nghiệp bán lẻ trang sức sẽ tiếp tục duy trì lãi ròng đi ngang so với mức nền rất cao quý I/2023. Ảnh: VTV

Nhìn chung, MBS dự báo lợi nhuận ngành bán lẻ trong quý I sẽ tăng tới 49% so với cùng kỳ. 

Bất động sản là một trong số các ngành được dự báo sẽ chưa có sự phục hồi. Trong quý I, 3 dự thảo luật bất động sản quan trọng (Nhà ở, Đất đai, Kinh doanh Bất động sản) đã được thông qua tuy nhiên thời điểm áp dụng luật có thể phải đến 1/1/2025. Trong quý này, các doanh nghiệp hưởng lợi chủ yếu sẽ vẫn là các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất sạch, dự án đủ điều kiện mở bán, phục vụ nhu cầu ở thực. 

Do đó, lãi ròng của doanh nghiệp bất động sản trong quý I có thể chưa ghi nhận sự phục hồi do không còn nhiều dự án để ghi nhận. Tuy nhiên, rủi ro thanh khoản đã giảm bớt do các đơn vị đã chủ động mua lại trước hạn trái phiếu doanh nghiệp và cơ cấu lại nợ, tổng nợ vay/vốn chủ sở hữu cuối 2023 ở mức 0,46 lần, thấp nhất trong giai đoạn 2009-2023.

Ngành dầu khí dành sự chú ý đến khu vực thượng nguồn. Trong quý I, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dầu khí được dự báo vẫn diễn biến phân hóa. Các doanh nghiệp hoạt động tại khu vực thượng nguồn được MBS kỳ vọng ghi nhận kết quả tích cực nhờ việc triển khai các gói thầu hạn chế thuộc đại dự án Lô B, các dự án điện gió ngoài khơi; giá cho thuê giàn khoan đang ở mức cao kỷ lục. 

Các doanh nghiệp trung và hạ nguồn như GAS và BSR có thể ghi nhận tăng trưởng âm khoảng do rủi ro thiếu khí của GAS và nhà máy lọc dầu Dung Quất bảo dưỡng từ giữa tháng 3 kéo theo sản lượng có thể giảm. 

Ngành điện kết quả chưa thực sự khả quan trong quý I. Nhóm doanh nghiệp điện khí như POW, NT2 dự kiến ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm do ảnh hưởng bởi sản lượng Qc A0 giao rất thấp. 

Đối với nhóm điện than như PPC, dự kiến triển vọng kinh doanh sẽ tích cực từ quý I, đến từ huy động điện than tối ưu, và nhà máy hoàn thành sửa tổ máy S2 Phả Lại 2 (300MW) từ tháng 9/2023. 

Nhóm thủy điện cũng chưa có sự cải thiện khi quý I năm nay thủy văn tiếp tục kém thuận lợi. Ngoài ra biên lợi nhuận thủy điện sẽ ảnh hưởng do tỷ trọng Qc quy định trong năm 2024 tăng từ 90% lên 98%, nghĩa là dư địa huy động sản lượng giá cao hơn trên Qm sẽ giảm mạnh. 

Đối với các doanh nghiệp đa ngành như GEX, PC1 dự kiến sẽ ghi nhận tăng trưởng mạnh từ nền thấp năm ngoái. Đối với HDG và REE, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế sẽ chưa quá tốt trong quý I do khó khăn từ nhóm thủy điện. 

Trong 3 tháng đầu năm nay, Phó Thủ tướng ký ban hành cơ chế điều chỉnh giá điện bán lẻ mới, hỗ trợ triển vọng ngành điện trong cả ngắn và dài hạn, đặc biệt các doanh nghiệp điện khí và điện năng lượng tái tạo.