Lý giải nguyên nhân gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ COVID-19 chưa tới tay doanh nghiệp

10:28 | 30/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trước tác động mạnh của đại dịch Covid-19 vào những tháng đầu năm, Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ lên tới 62.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, công tác giải ngân các nguồn vốn vay còn rất chậm chưa tới được tay doanh nghiệp.
Theo kế hoạch, gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng cho những đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng được thụ hưởng. Trong số này, hỗ trợ bằng tiền mặt từ ngân sách nhà nước khoảng 30.000 tỷ đồng, còn lại là hỗ trợ gián tiếp, cho vay có điều kiện như gói 16.000 tỷ đồng để trả lương người lao động, cho vay hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo 6.000 tỷ đồng…
 
Về kết quả thực hiện, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến tháng 8/2020, các địa phương đã phê duyệt danh sách gần 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng với tổng kinh phí là trên 17,5 nghìn tỷ đồng.
 
Lý giải nguyên nhân gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ COVID-19 chưa tới tay doanh nghiệp - ảnh 1
Công tác giải ngân các nguồn vốn vay còn rất chậm chưa tới được tay doanh nghiệp. Ảnh minh họa
 
Cơ quan này nhận định, đến nay, về cơ bản đã hoàn thành việc chi trả hỗ trợ, nhìn chung các chính sách hỗ trợ đã bao phủ tới các đối tượng thụ hưởng; đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích, yêu cầu đề ra.
 
Về các gói vay tín dụng, các bộ, ngành và cơ quan liên quan, nhất là thuộc ngành ngân hàng đều sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, sẵn sàng nguồn vốn 16.000 tỷ đồng để cho các doanh nghiệp vay trả lương cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo đó, các điều kiện để vay gói này bao gồm: Có từ 20%, hoặc từ 30% người lao động trở lên đang tham gia BHXH bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/6; đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019.

Nhưng các doanh nghiệp cho rằng, quy định nêu trên quá cao, khó với tới để đáp ứng với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều kiện đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc rất khó, bởi khi doanh nghiệp khó khăn thì không còn tài chính để trả… Nhiều doanh nghiệp có quy mô dưới 100 lao động, nhưng nếu lao động nghỉ từ 30 người trở lên là đã phải ngừng hoạt động, hoặc nhiều doanh nghiệp không đóng BHXH nên cũng không thể vay vốn…
 
Lý giải nguyên nhân gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ COVID-19 chưa tới tay doanh nghiệp - ảnh 2
Các doanh nghiệp cho rằng, các quy định hưởng gói hỗ trợ quá cao, khó với tới để đáp ứng. Ảnh minh họa

Theo lý giải của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nguyên nhân doanh nghiệp chưa chủ động lập hồ sơ vay vốn, xác nhận các chế độ hỗ trợ cho người lao động là do e ngại việc chứng minh khó khăn tài chính có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, Chính phủ đã khống chế tốt dịch đợt 1, các doanh nghiệp cho lao động nghỉ việc luân phiên, không có lao động ngừng việc liên tục 1 tháng nên không đủ điều kiện được UBND tỉnh phê duyệt danh sách vay vốn theo quy định.

Ngoài ra, TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội còn cho rằng, bên cạnh nới lỏng các tiêu chí cho doanh nghiệp, cần kéo dài cả thời gian hỗ trợ từ 6-12-24 tháng, sang cả năm 2021 vì dịch Covid-19 trên toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp, chưa xác định thời gian kết thúc.

Từ những ý kiến của doanh nghiệp và chuyên gia thời gian qua, Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội đang được giao làm đầu mối trình Chính phủ xem xét sửa một số điều kiện tại Nghị quyết 42 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn. Đại diện lãnh đạo Bộ này cho biết, có thể bỏ tiêu chí không có nguồn thu, doanh nghiệp chỉ cần giảm doanh thu và khó khăn là sẽ được vay.
 
Hải Yến