Masan tiếp tục chi tiền lấn sân mảng đồ uống

17:39 | 24/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau khi được Alibaba rót 400 triệu USD đầu tư vào công ty con, Masan đã chi số tiền 15 triệu USD để sở hữu 20% cổ phần của Phúc Long Heritage.

Ngày 24/5, Masan đã thông tin về việc The Sherpa, một công ty do Masan sở hữu đã tiến hành thỏa thuận mua lại 20% của công ty cổ phần Phúc Long Heritage - đây là doanh nghiệp chủ sở hữu của thương hiệu Phúc Long, một trong những chuỗi bán lẻ trà và cà phê nổi tiếng. Được biết mức giá của thương vụ rơi vào khoảng 15 triệu USD. 

Nếu Masan chi 15 triệu cho 20% cổ phần thì có thể đoán được rằng doanh nghiệp này đã định giá Phúc Long rơi vào khoảng 75 triệu USD, tương đương khoảng 1.730 tỷ đồng. 

Phúc Long Heritage chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh trà và cà phê. Hiện, ông Lâm Bội Minh - người sáng lập Phúc Long Heritage - nắm 94,5% vốn điều lệ ban đầu trị giá 260 tỷ đồng của công ty này.  

Sau khi việc mua cổ phần hoàn tất, một công ty thành viên khác của Masan là VinCommerce sẽ cùng Phúc Long lập ra mô hình kinh doanh ki-ốt tại VinMart+ mà đơn vị này sở hữu. 

Masan tiếp tục chi tiền lấn sân mảng đồ uống - ảnh 1

Lãnh đạo hai bên kỳ vọng việc hợp tác sẽ đưa Phúc Long lên một tầm cao mới

Thỏa thuận cho hay, các ki-ốt sẽ được hưởng 20% doanh thu với cửa hàng VinMart+. Qua hợp tác thử nghiệm, lãnh đạo Masan dự báo kế hoạch kinh doanh mới này sẽ giúp tăng biên lợi nhuận của toàn hệ thống VinMart+ thêm 4% so với hiện tại.

Đại diện Masan cho biết, mô hình trên sẽ được nhân rộng ra 2.200 cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc, biến chuỗi cửa hàng này thành điểm đến cho mọi lứa tuổi và sẽ đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. 

Người đứng đầu VinCommerce, ông Trương Cao Thắng kỳ vọng thương vụ hợp tác sẽ giúp chuỗi  Phúc Long trở thành thương hiệu quốc tế. Bên cạnh đó sẽ giúp hệ sinh thái tiêu dùng của Masan đạt được mục tiêu "Point of Life" mà tập đoàn này đang hướng tới. 

Hiện thị trường trà và cà phê tại Việt Nam có mức tổng tiêu thụ hai mặt hàng trên vào khoảng 2.3 tỷ USD, tăng trưởng ở hai con số (10%/năm). Các chuỗi bán lẻ trà và cà phê đang chiếm 25% thị trường, đứng đầu về số lượng cửa hàng là các thương hiệu lớn Highlands Coffee (trên 300 cửa hàng), The Coffee House (trên 150 cửa hàng) và Starbucks (trên 70 cửa hàng).

Dù mới chỉ có 4 ki-ốt được mở tại Tp.HCM trong vòng 3 tháng qua nhưng hai đơn vị này vẫn kỳ vọng đạt mục tiêu 1000 trong vòng 18-24 tháng tới. 

Phúc Long ra đời vào năm 1968 tại tại Bảo Lộc, Lâm Đồng. Doanh nghiệp này mới chuyển sang kinh doanh đồ uống vào năm 2012 từ 3 cửa hàng truyền thống tại Tp.HCM vào những năm 1980. Phúc Long hiện có trong tay khoảng 60 cửa hàng tại Tp.HCM và 7 địa phương khác.

Doanh thu chuỗi này liên tục tăng trưởng tốt trong những năm gần đây, Phúc Long từng tuyên bố đạt 780 tỷ đồng doanh thu trong năm 2019. 

H.S

Xem thêm: Được cho phép, khối ngoại có thể "mua đứt" Masan Group