`Mặt trời nhân tạo` của Trung Quốc đi vào hoạt động, năng lượng tạo ra cao gấp 10 lần mặt trời thật

10:27 | 07/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
"Mặt trời nhân tạo" thế hệ mới của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ đem đến nguồn năng lượng sạch thông qua phản ứng hạt nhân tổng hợp có kiểm soát.
Ngày 4/12 vừa qua tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC) thông báo “mặt trời nhân tạo” thế hệ mới của Trung Quốc có tên là HL -2M Tokamak đã đi vào hoạt động và đạt được những phản ứng sinh năng lượng qua Plasma.
 
Theo công bố của Công ty nguyên tử quốc gia Trung Quốc (CNNC), HL-2M có thể hoạt động ở nhiệt độ 150 triệu độ C, cao gần gấp 3 so với phiên bản trước đó là HL-2A và gấp 10 lần nhiệt độ bên trong lõi Mặt Trời. Đây cũng là mức nhiệt độ hoạt động của một dự án "Mặt Trời nhân tạo" khác là ITER, cỗ máy đang được lắp ráp ở Pháp.
 
Giới khoa học Trung Quốc cho biết “mặt trời nhân tạo” thế hệ mới có thể mang lại nguồn năng lượng vô hạn, nhưng lại tốn ít chi phí.
 
Lò phản ứng HL-2M Tokamak
Lò phản ứng HL-2M Tokamak.
 
Theo CNNC, thiết bị được lắp đặt ở Thành Đô (Chengdu), tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan) nêu trên được kỳ vọng sẽ cung cấp năng lượng sạch thông qua phản ứng tổng hợp hạt nhân có kiểm soát.
 
Lò phản ứng này sử dụng thiết kế "bánh vòng" tokamak, được các nhà vật lý Liên Xô đề xuất vào thập niên 1950. Nó sẽ sử dụng từ trường cực mạnh để tạo áp suất, ép hỗn hợp vật chất ion hóa (plasma) bên trong lòng của lò.
 
Khi nhiệt độ và áp suất đủ lớn, các hạt nhân bên trong plasma sẽ bị ép vào với nhau để hình thành hạt nhân mới, đồng thời phóng thích neutron và năng lượng. Năng lượng này làm nóng bề ngoài của phần lồng, nhiệt độ này chính là năng lượng thu được.
 
Ông Yang Qingwei, kỹ sư trưởng của CNNC, tự tin thành tựu của họ sẽ trở thành "trụ cột quan trọng" cho dự án ITER, trong đó Trung Quốc cũng là một thành viên cùng với Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga và Hàn Quốc.
 
Trung Quốc có tham vọng đẩy nhanh phát triển công nghệ nhiệt hạch với kế hoạch xây một lò phản ứng thử nghiệm ngay trong năm 2021, một thiết kế công nghiệp vào năm 2035 và đi vào sử dụng quy mô thương mại vào năm 2050.
 
Theo bản kế hoạch phát triển công nghệ quốc gia do Bắc Kinh công bố hồi tháng 11, Trung Quốc sẽ tập trung nguồn lực để đột phá trong các công nghệ cốt lõi và quan trọng như trí tuệ nhân tạo, khoa học hàng không vũ trụ, khám phá vùng sâu của Trái đất và đại dương...
 
Hải An