Môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có nhiều cải thiện

16:44 | 17/12/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Sau nhiều nỗ lực, từ năm 2014 đến 2018, Việt Nam đã tăng 30 bậc xếp hạng về năng lực cạnh tranh.

Thông tin này được Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đưa ra tại Hội thảo công bố Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 02 năm 2019 và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ - Góc nhìn từ doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào sáng 17/12.

Đây là báo cáo độc lập, được Chính phủ giao cho VCCI chuẩn bị, nhằm đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 02 năm 2019 và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nói chung.

Trình bày báo cáo tóm tắt tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế, VCCI, Giám đốc Dự án Tăng cường tiếng nói của doanh nghiệp trong tái cơ cấu kinh tế cho biết, về tổng quan môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có nhiều cải thiện theo thời gian.

Môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có nhiều cải thiện - ảnh 1
 Hội thảo công bố Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 02 năm 2019 và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ - Góc nhìn từ doanh nghiệp.
"Tuy nhiên, đang có sự cải cách không đồng đều giữa các lĩnh vực, một số nơi thì cải cách liên tục nhưng một số nơi lại không có thay đổi hoặc thực hiện đối phó, hình thức", ông Tuấn nói.
Điểm nổi bật của Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 02 năm 2019 và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ - Góc nhìn từ doanh nghiệp là việc khảo sát thực tiễn doanh nghệp về các tiêu chí ảnh hưởng "sát sườn" tới doanh nghiệp như: Đăng ký kinh doanh, nộp thuế, thực hiện thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng, đất đai,...
Về chi phí thực hiện thủ tục hành chính, theo khảo sát của VCCI, có 74,7% doanh nghiệp cho rằng “cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả” trong năm 2018, cao hơn mức 58% của năm 2016. Đồng thời, năm 2018 cũng có 56,9% doanh nghiệp cho rằng “thủ tục giấy tờ đơn giản”, tăng so với mức 49,5% của năm 2016.
Ngoài ra, các chỉ số khác về chi phí thực hiện thủ tục hành chính trong năm 2018 như: Cán bộ nhà nước thân thiện, doanh nghiệp không cần phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký, phí và lệ phí được công khai,… cũng có xu hướng tích cực hơn năm 2016.
Khảo sát của VCCI có phần nội dung để doanh nghiệp đánh giá về các chi phí không chính thức. Các tiêu chí bao gồm: Các khoản chi phí không chính thức ở mức chấp nhận được, công việc đạt được kết quả mong đợi sau khi đã trả chi phí không chính thức, hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến, doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức, các doanh nghiệp cùng ngành thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức.
Theo kết quả, tỉ lệ doanh nghiệp đánh giá “các khoản chi phí không chính thức ở mức chấp nhận được” đã tăng so với năm 2017, đồng thời, tỉ lệ “các doanh nghiệp phải trả thêm chi phí không chính thức” cũng đã giảm, điều này cho thấy xu hướng tích cực trong việc kiểm soát tham nhũng, tham nhũng vặt có xu hướng giảm.
"Tuy giảm những vẫn còn cao, tới 58,2%, hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp còn phổ biến”, ông Tuấn nhấn mạnh, “Cứ 10 doanh nghiệp thì tới 6 doanh nghiệp nhận định rằng có sự nhũng nhiễu”.
Môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có nhiều cải thiện - ảnh 2
 Môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có nhiều cải thiện.
Đồng quan điểm, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, 02 và 35 là hai nghị quyết rất quan  trọng, có thể coi là công nghệ mới của cải cách, đưa ra những mục tiêu rất cụ thể chứ không chỉ là khẩu hiệu chung chung như tăng cường, thúc đẩy, mở rộng.. mà sử dụng bộ chỉ số của Ngân hàng Thế giới làm thước đo cải cách. Sau những nỗ lực từ 2014 đến 2018 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện 30 bậc trên bảng xếp hạng của Doing Business, từ vị trí thứ 99 vào cuối năm 2013 lên vị trí thứ 69 vào cuối năm 2018.
Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, kết quả này vẫn chỉ ở mức thường thường bậc trung. Còn nếu xét riêng trong khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn chưa hoàn thành được mục tiêu lọt vào nhóm 4 nước có môi trường kinh doanh tốt nhất, chúng ta vẫn đứng sau Singapore (xếp thứ 2), Malaysia (xếp thứ 15), Thái Lan (xếp thứ 27) và Brunei (xếp thứ 55).
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, cần đặt hành trình cải cách của Việt Nam vào cuộc đua toàn cầu về năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh. "Cỗ xe" thể chế với rất nhiều bánh xe, rất nhiều khớp nối như hệ thống thể chế nhưng sẽ rất thuận lợi cho phát triển nếu các bánh xe này khớp nhau. Tuy nhiên, thực tế, hệ thống pháp luật hiện vừa thông thoáng lại vừa lủng củng.
“Nếu chừng nào chúng ta còn hài lòng với thể chế trung bình thì không thể vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình, phải là thể chế vượt trội”, ông Lộc lo ngại.