MWG đặt tham vọng gì khi mở thêm chuỗi bán lẻ mới có thể cạnh tranh trực tiếp với Thegioididong.com?

12:26 | 23/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) vừa đưa 4 cửa hàng bán lẻ mang thương hiệu TopZone, với 2 cửa hàng tại Hà Nội và 2 cửa hàng tại TP.HCM đi vào hoạt động. Đây là chuỗi bán lẻ chuyên bán các sản phẩm Apple chính hãng.

Sáng 22/10, Thế giới Di động chính thức khai chương chuỗi bán lẻ đồ công nghệ Apple tại TP.HCM và Hà Nội. Theo công bố, cửa hàng sẽ được thiết kế từ nội ngoại thất đến nhân viên bán hàng theo đúng chuẩn Apple.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng giám đốc MWG cho biết, TopZone sẽ mang đến cho thị trường một luồng sinh khí mới mẻ, phục vụ các tín đồ yêu công nghệ đỉnh cao của Apple. Đồng thời, sẽ có những sản phẩm của Apple chỉ có tại đây và cũng nơi đây có hệ sinh thái các sản phẩm đa dạng thỏa mãn mọi nhu cầu khách hàng.

Thế giới Di động chính thức khai chương chuỗi bán lẻ đồ công nghệ Apple mang tên TopZone

Tại đây, khách hàng có thể tìm thấy đầy đủ và đa dạng các sản phẩm của Apple như iPhone, iPad, Apple Watch, MacBook và các phụ kiện Apple... .Hệ thống đặt tham vọng chiếm lĩnh thị trường bán lẻ sản phẩm Apple với kế hoạch mở từ 50 - 60 cửa hàng từ nay đến hết tháng 3/2022.

Bên cạnh đó, MWG cũng đặt kỳ vọng doanh thu cho mỗi cửa hàng thuộc chuỗi TopZone là 2-3 tỷ đồng/tháng với cửa hàng quy mô nhỏ và 8-10 tỷ/tháng với cửa hàng quy mô lớn.

Theo Zing, đây là mức doanh thu tương đối cao so với doanh thu bình quân hàng tháng của những chuỗi bán lẻ khác trong cùng hệ thống của MWG. Cụ thể, hiện Thegioididong.com ghi nhận 2,4 tỷ đồng/tháng/cửa hàng; Điện Máy Xanh đạt 2,8 tỷ/cửa hàng; Bách Hóa Xanh là 1,3 tỷ/cửa hàng và Bluetronics là 0,7 tỷ/cửa hàng trong vòng 8 tháng từ đầu năm nay.

Nếu đạt kế hoạch ban lãnh đạo MWG đề ra, thì TopZone sẽ trở thành chuỗi bán lẻ có doanh thu bình quân/cửa hàng/tháng cao thứ 3 trong 5 chuỗi bán lẻ mà MWG đang vận hành trực tiếp ngay trong năm đầu tiên đi vào hoạt động.

Trong khi đó, để làm điều tương tự, chuỗi Bách Hóa Xanh phải mất tới 5 năm.

Cụ thể, dù doanh thu bình quân tháng/cửa hàng từ đầu năm đến nay của Bách Hóa Xanh mới đạt 1,3 tỷ. Tuy nhiên, riêng tháng 7, chuỗi bách hóa này đã lần đầu ghi nhận doanh thu bình quân/cửa hàng đạt mức 2,2 tỷ/tháng.

Tuy vậy, mức doanh thu này chỉ ghi nhận trong bối cảnh tháng 7 là thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và các tỉnh phía Nam thắt chặt cách ly xã hội khiến nhiều chợ truyền thống phải đóng cửa, nhu cầu tích trữ lương thực, thực phẩm của người dân tăng cao.

Đến tháng 8, khi nhu cầu này giảm xuống, doanh thu bình quân trên mỗi cửa hàng của Bách Hóa Xanh cũng đã giảm xuống còn 1,6 tỷ/tháng. Trong suốt giai đoạn trước đó, chỉ tiêu này tại Bách Hóa Xanh chỉ đạt khoảng 1-1,3 tỷ/tháng.

Điều này cho thấy tham vọng thu 2-3 tỷ đồng/cửa hàng/tháng của MWG với chuỗi mới TopZone là mức rất cao so với một chuỗi bán lẻ mới đi vào vận hành. Đặc biệt trong bối cảnh sản phẩm chính của chuỗi mới lại là sản phẩm mà công ty đang kinh doanh tại các cửa hàng thuộc chuỗi Thegioididong.com.

Trong báo cáo đánh giá về tiềm năng tăng trưởng về Thế giới Di động mới đây của SSI Research, các chuyên gia đến từ SSI Research cho rằng đại dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu của các chuỗi ICT (điện thoại, điện máy). Tuy nhiên, dịch bệnh cũng khiến quá trình hợp nhất thị trường tăng tốc thời gian tới vì các cửa hàng tư nhân nhỏ hơn sẽ gặp khó khăn để tồn tại.

Việc giành được thị phần điện thoại và điện máy có thể giúp TGDĐ đạt được mức tăng trưởng vượt trội sau đại dịch so với các đối thủ cạnh tranh trong năm 2022.

Trong nhiều tháng gần đây, bất chấp doanh thu chung của chuỗi ICT sụt giảm thì doanh thu ngành hàng điện thoại đi dộng của TGDĐ vẫn tăng hai con số với động lực chính là nhờ doanh thu bán Iphone và các sản phẩm Apple.

Ngược lại, doanh thu ngành hàng tivi lại giảm 3% so với cùng kỳ trong khi hàng thiết bị gia dụng và điện lạnh chỉ tăng trưởng một con số.

Thời gian gần đây, Dư luận cũng đang xôn xao xung quanh câu chuyện đơn phương của Thế giới Di động khi gửi văn bản thông báo giảm tiền thuê mặt bằng, sau đó không cần quan tâm đối tác có đồng ý hay không, MWG vẫn tự động trừ tiền thuê mặt bằng.

Thậm chí có trường hợp không những không được nhận 38,4 triệu đồng để đủ tiền thuê nhà theo hợp đồng đã ký, mà còn bị cấn trừ vào khoản đã thanh toán khiến chủ nhà bị "nợ ngược" và phải chuyển "trả lại" Thế giới Di động 12,5 triệu đồng.

Điều này khiến cho nhiều chủ nhà của Thế giới Di động khá bức xúc. Nhiều chủ nhà cho biết nếu Thế giới Di động thương lượng thì có thể giảm 50% tiền thuê mặt bằng trong thời gian đóng cửa do thực hiện chỉ thị 16. Tuy nhiên, với cách hành xử theo kiểu áp đặt, xem thường đối tác của Thế giới Di động, nên nhiều đối tác đã quyết định, thanh lý hợp đồng, “thà đau một lần rồi thôi, còn hơn âm ỉ”.

Liên quan đến lùm xùm tiền thuê nhà cũng đã khiến, vốn hóa thị trường của MWG "bốc hơi" hơn 4.490 tỷ chỉ trong 8 ngày vừa qua. Cũng trong thời gian đó, tài sản của chủ tịch hội đồng quản trị Nguyễn Đức Tài cũng "bay" hơn 400 tỉ đồng vì cổ phiếu MWG sụt giảm gần 5%, tạm neo giá 127.600 đồng. Với hơn 63,55 triệu cổ phiếu đang nắm giữ và đại diện sở hữu tại MWG, ông Tài có hơn 8.109 tỉ đồng.