Mỹ kết luận lốp xe Việt có bán phá giá, dù trước đó nói... ngược lại
Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã kết luận rằng các mặt hàng lốp xe và lốp xe tải nhẹ có nguồn gốc từ Việt Nam được định giá không đúng với giá trị thực bởi trợ cấp không bình đẳng.
Theo Reuters, báo cáo của DOC đã chỉ ra lốp xe đến từ các quốc gia Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam đã bán thấp hơn giá thị trường tại Mỹ.
Báo cáo của DOC cho biết, phía Mỹ kết luận về mức bán phá gia của lốp xe Việt là 22%. Con số tương ứng của lốp Hàn Quốc bán phá giá là 27%; lốp Đài Loan bán phá giá tới 102%; và lốp Thái Lan bán phá giá 21%.
Về nguyên nhân, lốp xe hơi Việt Nam đang nhận được tỷ lệ trợ cấp từ 6,23% đến 7,89% cho chênh lệch quy đổi USD sang VNĐ. Theo kết luận từ phía Mỹ, việc quy đổi này có tỷ giá hối đoái thấp hơn giá trị thực của VNĐ, dẫn đến việc các sản phẩm xuất khẩu sang nước này thấp hơn giá trị thật.
Cần nhấn mạnh, tháng 4/2021, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nền kinh tế thao túng tiền tệ. Đảo ngược quyết định của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 12/2020.
Mỹ từng cho rằng lốp ô tô Việt Nam không bán phá giá hồi đầu năm
Đáng chú ý, kết luận của DOC là trái ngược hoàn toàn so với kết quả điều tra sơ bộ vào tháng 1/2021, khi DOC từng tuyên bố không có cơ sở chứng minh các nhà các nhà xuất khẩu của Việt Nam có hành động bán phá giá lốp xe ôtô vào Mỹ.
Dựa vào kết luận điều tra trên, Bộ Thương mại Mỹ đã đề nghị mức thuế chống trợ cấp đối với hàng loạt thương hiệu lốp xe đến từ Việt Nam: Kumho Tire (Vietnam) Co. Ltd. bị áp thuế 7,89%; lốp từ Sailun (Vietnam) Co. Ltd. bị áp thuế 6,23%; còn sản phẩm đến từ các hãng sản xuất khác phải chịu mức thuế 6.46%.
Bên cạnh thuế trợ cấp, phía Mỹ cũng áp dụng thuế chống bán phá giá (anti-dumping) với lốp xe Việt Nam, mức thuế áp dụng dự kiến là 22,3%. Các thương hiệu không có tên trong danh sách này là Kenda Rubber (Vietnam) Co. Ltd.; Sailun Group (Hong Kong) Co. Ltd./Sailun Tire Americas Inc.; Bridgestone Corp.; Bridgestone Tire Manufacturing Vietnam LLC; Kumho Tire (Vietnam) Co. Ltd.; và Yokohama Rubber Co. Ltd.
Đây được dự báo là một đòn giáng mạnh mẽ vào hoạt động xuất khẩu mặt hàng này, bởi Bộ Công Thương đã từng cho biết rằng Mỹ là thị trường lớn nhất và quan trọng nhất đối với ngành sản xuất lốp xe của Việt Nam.
Tổng giá trị hàng xuất khẩu các doanh nghiệp không bị áp thuế chiếm tới 95,5% tổng kim ngạch xuất khẩu lốp xe ôtô của Việt Nam sang Mỹ năm 2019, trị giá khoảng 470 triệu USD theo số liệu của hải quan Mỹ.
Nếu bị áp thuế chắc chắn tình hình xuất khẩu lốp xe của doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có nguy cơ mất thị phần vào tay đối thủ đến từ Mỹ và quốc gia khác.
Được biết, ngoài DOC thì Uỷ ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) cũng đang tiến hành điều tra về hoạt động xuất khẩu lốp xe của 4 quốc gia nói trên và đưa ra kết luận vào ngày 23/6. Kết luận của DOC sẽ được gửi đến ITC để cơ quan này tham khảo.
H.S
Xem thêm: Malaysia dừng điều tra, chấm dứt áp thuế chống bán phá giá tạm thời với nhựa nhập khẩu từ Việt Nam