Mỹ không tham gia CPTPP không ảnh hướng lớn đến đầu tư Mỹ vào Việt Nam
Sáng 15/5, Tạp chí Nhà Đầu tư phối hợp với Công ty Kiểm toán quốc tế KPMG Việt Nam tổ chức Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020” dưới sự bảo trợ và ủng hộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Thái Lan đã đặt ra câu hỏi: “Tác động của CPTPP đến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, chính phủ Việt Nam đã làm gì để thúc đẩy đầu tư nước ngoài? Việc Mỹ rút khỏi CPTPP có ảnh hưởng các nhà đầu tư Mỹ đến Việt Nam hay không?”.
Trả lời câu hỏi này Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, CPTPP là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và có thể chế cao, luật chơi mới hình thành cấu trúc thương mại mới, có quy mô và phạm vi lớn nhất trong hợp tác song phương và đa phương hiện nay. Đầu tư nước ngoài được nhìn nhận từ góc độ các nước thành viên sau khi Việt Nam tham gia CPTPP, đó là cam kết mở cửa thị trường, mở rộng không gian, lĩnh vực đầu tư hơn từ các nước thành viên khi rào cản được gỡ bỏ.
Việc Việt Nam tham gia CPTPP cũng tạo áp lực cho chính mình trong quá trình cải cách phù hợp với chủ trương Việt Nam đang tiến hành. Đây là yếu tố thuận lợi tạo điều kiện môi trường đầu tư và sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Kinh tế Việt Nam đang có bước phát triển tích cực, với dân số 93 triệu dân, Việt Nam là thị trường lớn, đầu tư vào Việt Nam cũng như là đầu tư vào thế giới. Vị trí địa lý, môi trường kinh doanh hiện nay, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trên thế giới.
Để tận dụng cơ hội này, Chính phủ Việt Nam cần thực thi nghiêm túc các cam kết, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết (nguồn lực, đất đai, năng lượng...), xây dựng hàng rào kỹ thuật hợp lý khi lựa chọn dự án. Đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền và xúc tiến đầu tư để hiện thực hóa cơ hội tham gia CPTPP.
Việc Mỹ không tham gia CPTPP thì đầu tư của Mỹ vào Việt Nam có ảnh hưởng nhưng không lớn. Hiện tại, Việt Nam và Mỹ đã có nhiều cơ chế hợp tác thông qua các hiệp định thương mại, hiệp định khung về đầu tư và thương mại hay thông qua WTO. Mỹ vẫn đang là bạn hàng, nhà đầu tư, đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Khi Mỹ không đầu tư vào Việt Nam thì đó là thiệt thòi của nhà đầu tư Mỹ”.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Mỹ không tham gia CPTPP là đã bỏ qua một không gian đầu tư rộng lớn và triển vọng. Vì thế, Bộ trưởng tin rằng Mỹ sẽ sớm quay trở lại bàn đàm phán để tham gia CPTPP.
Rạng sáng 9/3 (theo giờ Việt Nam), Lễ ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã diễn ra tại thủ đô Santiago de Chile dưới sự chủ trì của Tổng thống nước chủ nhà Michelle Bachelet.
Tham gia lễ ký có đại diện 11 quốc gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã tham gia lễ ký.
Thỏa thuận tự do thương mại đầy tham vọng CPTPP được khởi động cách đây hơn một năm sau khi Mỹ rút lui khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Về cơ bản, CPTPP vẫn giữ nguyên nội dung so với phiên bản gốc với 8.000 trang và chỉ tạm hoãn thực thi 22 điều khoản chủ yếu liên quan tới sở hữu trí tuệ nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa 11 nước thành viên.