Nên coi IoT là một ngành công nghiệp

06:26 | 26/10/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Internet vạn vật (Internet of Things hay IoT) là cơ hội lớn cho Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành công nghệ thông tin. Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng IoT đang gặp nhiều khó khăn như có rất ít sáng kiến vượt qua khỏi giai đoạn thí điểm, mô hình kinh doanh chưa phát triển đủ mức để duy trì hạ tầng IoT lâu dài.

Hạ tầng thuận lợi

Trong những năm qua, Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đang tích cực sử dụng IoT nhằm phục vụ người dân tốt hơn. Đặc biệt ở Việt Nam, các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách đã quan tâm nhiều đến IoT. Bởi IoT chính là nền tảng cho cuộc cách mạng công nghệ 4.0 khi việc áp dụng các công nghệ đã len lỏi vào mọi lĩnh vực đời sống từ giao thông, nông nghiệp, năng lượng cho đến an ninh. Hàng tỉ, thậm chí hàng nghìn tỉ thiết bị đã được kết nối với nhau, mở ra cơ hội thay đổi nhiều hoạt động kinh tế.

Mới đây, tại Hội thảo và Triển lãm quốc tế về Smart IoT Việt Nam 2018 với chủ đề “Hiện thực hóa tiềm năng và khai phá thị trường Internet vạn vật (IoT) của Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Về nền tảng kết nối cho IoT, chiến lược của Việt Nam đến năm 2020, về cơ bản mỗi hộ gia đình Việt Nam một đường truyền cáp quang, mỗi người dân một máy smartphone và hạ tầng di động 5G phủ rộng, ưu tiên cho IoT trước. Khi đó, Việt Nam sẽ là một trong số ít nước đảm bảo tốt cho hạ tầng kết nối IoT. Thuận lợi lớn nhất của Việt Nam trong phát triển IoT là có hạ tầng viễn thông tốt, có một số doanh nghiệp viễn thông mạnh có khả năng đầu tư trước về hạ tầng phủ sóng toàn quốc.

Nên coi IoT là một ngành công nghiệp - ảnh 1
 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng
 Để IoT ngày càng phát triển, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng thì Việt Nam cần phát triển một nền công nghiệp về an ninh mạng, cần coi IoT là một ngành công nghiệp. Các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong cách tiếp cận phát triển IoT.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, vệc ứng dụng IoT trong các doanh nghiệp là rất quan trọng nếu không muốn tụt hậu so với phần còn lại của thế giới. Nhưng khi công nghệ trở nên phổ biến hơn, cơ chế chính sách bắt đầu có những dấu hiệu rạn nứt, thiếu hiệu quả và cần được cải tiến bởi cách nhìn cởi mở hơn từ các nhà hoạch định chính sách.

Cần có chính sách phù hợp

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ DTT cho biết: Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới thì khó khăn thách thức khi các nước bắt đầu áp dụng công nghệ mới như IoT là hiệu quả đầu tư, bởi vì hiệu quả chưa được rõ ràng nên các mô hình đầu tư chưa được hoàn toàn khả thi và nhân rộng trên thế giới. Do đó, Chính phủ cần tạo điều kiện để mở đường cho công nghệ phát triển chứ không nên chờ đợi việc xây dựng xong thể chế, tránh dẫn đến tranh chấp mà điển hình là câu chuyện của Uber, Grab thời gian qua. Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như việc đào tạo nguộn nhân lực và kỹ năng cũng là việc hết sức cấp bách. Nếu công nghệ phát triển quá nhanh trong khi trình độ, kỹ năng của người sử dụng không thể đáp ứng kịp sẽ dẫn đến việc nhiều lao động mất đi việc làm và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Còn nếu kỹ năng của người sử dụng được nâng cao tuy nhiên lại không có máy móc, công nghệ hiện đại để áp dụng thì sẽ gây ra tình trạng lãng phí. Do đó để việc đầu tư thật sự tạo được hiệu quả, Chính phủ và các bộ ngành cần có những chính sách để phát triển hài hòa giữa công nghệ và kỹ năng.

Nên coi IoT là một ngành công nghiệp - ảnh 2
 
Ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ DTT

Có cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, việc đầu tiên là phải có cách tiếp cận đúng trong xây dựng chính sách phát triển IoT. Cần quan niệm IoT là cuộc cách mạng về chính sách và công nghệ. Dưới góc độ quốc gia, IoT phải thúc đẩy nâng cấp mạnh mẽ các ngành sản xuất, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia và xây dựng xã hội thông minh. Việt Nam cần phải sớm xây dựng, triển khai Đề án phát triển kinh tế số quốc gia và các Chiến lược chuyển đổi số đối với các ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng khác trong nền kinh tế quốc dân; đồng thời cần có chính sách nâng cấp các ngành sản xuất thông qua ứng dụng sâu rộng công nghệ thông tin và tự động hóa, trọng tâm là trong các ngành công nghiệp chế tạo.

Một vấn đề then chốt trong phát triển IoT là phải đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng. Sự phát triển IoT đặt ra yêu cầu tiếp cận mới về an toàn dữ liệu khi các thiết bị kết nối với nhau rộng khắp, các thiết bị từ nhiều nhà sản xuất khác nhau, liên quan đến cả nền công nghiệp, từ nhà chế tạo chíp, nhà sản xuất thiết bị đến những nhà cung cấp dịch vụ trên mạng. Do đó, Việt Nam cần sớm hoàn thiện thể chế theo hướng tạo sự thuận lợi cho các hoạt động kinh tế số, đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.