Nếu cảm thấy chán nản vì công việc hiện tại, trả lời 7 câu hỏi này để tìm lối đi mới cho sự nghiệp
Theo kết quả khảo sát của Gallup, một công ty tư vấn và phân tích của Mỹ, có tới 85% nhân viên tham gia khảo sát đều tỏ ra chán ghét công việc của mình và không muốn tham gia vào bất kỳ hoạt động nào mà công ty tổ chức. Điều này chứng tỏ bạn đang chết dần chết mòn trong chốn công sở nhưng lại không tìm cách thoát ra khỏi nơi đó?
7 câu hỏi sau đây sẽ giúp bạn xác định rõ ràng, liệu rằng bản thân đã sẵn sàng thay đổi, hay đơn giản là muốn tìm kiếm một công việc mới hay chưa và vạch ra những phương hướng tốt nhất cho con đường sự nghiệp trong tương lai của mình. Hãy tự đặt ra và tìm cách trả lời 7 câu hỏi quan trọng này.
Lý do mà bạn chán ghét công việc hiện tại?
Trước khi bắt đầu làm bất cứ điều gì, hãy thử nghĩ lại xem vì sao bạn chọn công việc này trước kia và vì sao bây giờ bạn lại ghét công việc của mình. Nguyên nhân là do sếp, đồng nghiệp hay đơn giản là công việc không còn hấp dẫn? Hãy tìm ra lý do càng cụ thể càng tốt để xác định rõ tâm lý của mình.
Có phải là do sếp không biết quan tâm đến nhân viên, sếp quá kiêu ngạo và không chịu lắng nghe hay không?
Chỉ khi nào bạn có thể cụ thể hóa lý do vì sao bạn ghét công việc hiện tại thì mới có thể đưa ra cho mình một số ý tưởng về cách thay đổi hoặc khắc phục.
Bạn thích gì ở công việc hiện tại?
Cho dù bạn rất chán nản nhưng xét ở một khía cạnh nào đó, chắc hẳn ở chỗ làm hiện tại vẫn có vài thứ mà bạn yêu thích. Chẳng hạn như bạn được làm việc trong lĩnh vực mình thích, bạn thân thiết với đồng nghiệp của mình, hay bạn thường xuyên được tăng lương.
Bạn sẽ biết cách định hướng công việc tương lai khi đã nắm bắt những gì bạn thích về công việc hiện tại, đồng thời nó cũng có thể giúp bạn quyết định nên làm gì trong trường hợp quyết định nghỉ việc.
Liệu có điều gì khiến bạn muốn yêu thích công việc hiện tại hơn?
Hãy giải phóng tâm trạng khỏi những suy nghĩ tiêu cực, tập trung tìm kiếm liệu có một số khía cạnh trong công việc hiện tại có thể khiến bạn dần yêu thích nó hơn hay không? Đây sẽ là nhân tố để giúp bạn thay đổi và cải thiện công việc ấy.
Trước hết, cần học được cách đưa ra một giải pháp riêng cho bản thân mình trước khi quyết định nghỉ việc.
Chẳng hạn, bạn có được chuyển tới bộ phận khác để làm việc với cấp trên khác không, hoặc có được chọn làm việc vài ngày ở nhà mỗi tuần không. Trước khi đi đến quyết định “dứt áo ra đi”, hãy thử tìm ra được một giải pháp riêng cho bản thân mình.
Bạn có thể góp phần thay đổi môi trường công việc này không?
Dù biết đòi hỏi hay yêu cầu công ty về một vấn đề gì đó thường rất khó khăn nhưng sẽ chẳng ai biết kết quả nếu không thử một lần. Để có thể giúp công việc trở nên phù hợp hơn, hãy tìm một số giải pháp tiềm năng, sau đó thử đề xuất chúng với sếp của bạn để xem xét.
Thay đổi này có ý nghĩa không chỉ với bạn mà còn với tất cả mọi nhân viên khác, cũng góp phần thay đổi môi trường làm việc. Nhờ đó, bạn không chỉ được làm việc thoải mái hơn mà còn có thể trở thành một nhân viên tốt hơn, đóng góp nhiều hơn cho công ty.
Bạn có thể thay đổi thái độ của mình hay không?
Bạn có thể kiểm soát suy nghĩ và thái độ của chính mình chứ không thể kiểm soát được tương lai, đó là một điều hiển nhiên. Điều gì sẽ xảy ra ngay cả khi có những khía cạnh nào đó mà bạn phát ngán nhưng bạn vẫn quyết định tận hưởng công việc này,? Đôi khi, bắt đầu từ một thay đổi nhỏ, thái độ khác biệt có thể tạo ra những kết quả khác biệt lớn, giúp bạn thay đổi cảm nhận về công việc hiện tại của mình.
Bên cạnh đó, giữ thái độ tỉnh táo cũng giúp bạn lựa chọn một cách khôn ngoan và tránh làm mất lòng người khác khi còn đang phân vân. Đừng nói xấu công ty với đồng nghiệp chỉ vì muốn giải tỏa căng thẳng hay tán chuyện vu vơ. Nếu có người vô tình hoặc cố tình lộ ra chuyện đó, bạn có nguy cơ mất hình ảnh trước mặt mọi người, đặc biệt là cấp trên hoặc thậm chí là bị mất việc.
Bạn đã có kế hoạch dự phòng cho mình chưa?
Nếu như bạn đã cảm thấy không còn gì lưu luyến với công việc hiện tại sau khi trả lời các câu hỏi trên, hãy bắt đầu tìm kiếm đường thoát cho mình. Tuy nhiên đừng vội cắt đứt hoàn toàn liên lạc với công ty cũ và tỏ thái độ vô trách nhiệm với công việc của mình dù bực tức đến mấy. Hét vào mặt sếp mình rằng "Tôi nghỉ việc" có thể thỏa mãn sự bức bối trong lòng nhưng tuyệt đối không phải là ý hay.
Hãy bắt đầu tìm kiếm đường thoát nếu cảm thấy không còn gì lưu luyến với công việc hiện tại.
Vào thời điểm này, bạn nên bắt đầu dành thời gian lên kế hoạch để dần rút lui khỏi trọng trách của mình, bắt đầu bồi dưỡng hoặc đào tạo cho những người có khả năng kế thừa công việc, cùng với đó là tìm kiếm những cơ hội việc làm khác, bắt đầu bằng cách nộp đơn cho một vài công ty mỗi tuần khi rảnh rỗi, hoặc đăng ký một khóa học về một lĩnh vực mới để mở mang kiến thức.
Bạn có thể đa dạng hóa nguồn thu nhập khác nhau hay không?
Rất nhiều người chia sẻ rằng, họ đạt được tự do tài chính bằng cách có nhiều hơn 1 nguồn thu nhập. Như vậy, bạn mới có thể ổn định hơn về tài chính, không phụ thuộc vào bất cứ một công việc nào. Như vậy, dù bạn có nghỉ việc tại đơn vị này thì cũng đã chuẩn bị sẵn sàng một số dòng thu nhập bổ sung, không hoàn toàn bị động trong “cuộc chơi”.
Một số cách phổ biến để có thêm thu nhập là đa dạng hóa công việc, nhận làm thêm part-time hoặc dự án bên ngoài, nếu có kiến thức kinh doanh thì có thể đầu tư vào bất động sản, chứng khoán hoặc bắt đầu kinh doanh.
Xem thêm: Khổng Tử đã giải đáp lý do nhiều sếp trả lương cao cho nhân viên mới nhưng không tăng lương người cũ
Phương Thúy