(DNVN) - Sau 5 năm, kết quả đạt được của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã mang lại những đổi thay to lớn cho nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.
Những con số ấn tượng
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, sức sản xuất trong nông nghiệp đã được tăng lên rõ rệt, thể hiện ở sản lượng các mặt hàng nông sản đều tăng. Kéo theo đó, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt kỷ lục vào năm 2017 là 36,3 tỷ USD. Tựu chung trong 5 năm qua, nông nghiệp đạt được tăng trưởng 2,55%/năm; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 157 tỷ USD, bình quân đạt 31,5 tỷ USD/năm, tăng 51,2 % so với bình quân của 5 năm trước. Dự kiến năm 2018, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 40 tỷ USD. Đặc biệt, có 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD trở lên. Xuất khẩu nông sản của Việt Nam đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 15 thế giới. dự kiến năm 2018 đạt mức 40 tỷ USD. Ngành nông nghiệp đã trở thành trụ đỡ cho nền kinh tế.
Năng suất lao động đạt 35,5 triệu đồng/lao động, tăng gần 10 triệu đồng/lao động so với năm 2012, tăng trung bình 6,67%/năm, đạt gấp đôi so với mục tiêu đề ra trong Đề án. 4 triệu lao động đã chuyển từ nông nghiệp sang các lĩnh vực khác, năng suất lao động nông lâm ngư nghiệp tăng gần 10 triệu đồng/người, cao gấp đôi mục tiêu đề ra.
Đánh giá về kết quả 5 năm thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Định Dũng cho rằng, điểm nổi bật là đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và thống nhất về quan điểm, hành động quyết liệt của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, sự nỗ lực của các nhà khoa học, bà con nông dân và cộng đồng các doanh nghiệp. Dù đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, tuy nhiên, bước vào giai đoạn mới, nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Xu hướng biến động thị trường, các rào cản kỹ thuật xuất nhập khẩu. Trong khi, sản xuất trong nước nhìn chung vẫn nhỏ lẻ, mạnh mún, chưa thích ứng với nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn...
Xây dựng nền nông nghiệp thông minh
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương những kết quả ngành Nông nghiệp đạt được sau 5 năm tái cơ cấu và cũng chỉ rõ bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát triển nông nghiệp vẫn còn những yếu tố thiếu bền vững, như tăng trưởng chưa vững chắc, những yếu kém nội tại chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế; chất lượng tái cơ cấu ở một số nơi còn thấp...
Phó Thủ tướng nhận định, về tầm nhìn phát triển nông nghiệp giai đoạn tới, cần tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn nữa tái cơ cấu ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân trên cơ sở khai thác hiệu quả lợi thế của từng vùng, miền, địa phương và từng lĩnh vực. Hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại, cạnh tranh quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với phát triển kinh tế nông thôn...
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ngành nông nghiệp cần xác định mục tiêu chung là "xây dựng nền nông nghiệp thông minh hiện đại, cạnh tranh quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh".
Để làm được điều đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Các bộ, ngành cần tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn phát triển, đồng thời, khắc phục những điểm còn thiếu đồng bộ, chưa phù hợp. Đặc biệt là nhiệm vụ thu hút các doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp vì chỉ có doanh nghiệp mới đảm đương được các nhiệm vụ cung cấp đầu vào cho sản xuất (vốn, giống, nhân lực, công nghệ…); tổ chức sản xuất; đầu tư ứng dụng KHCN; tổ chức tiêu thụ sản phẩm". Cần tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn với lợi thế của từng vùng, miền, địa phương, gắn với thị trường trong nước và quốc tế.
Đồng thời cần sự vào cuộc nhiều hơn nữa của các nhà khoa học, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu của KHCN tiên tiến để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng, khối lượng đột phá và có sức cạnh tranh. Ngoài ra, dù thị trường khu vực và quốc tế là nhân tố quyết định cạnh tranh thành công của nông sản Việt Nam, nhưng cũng phải coi trọng thị trường trong nước với hơn 90 triệu dân.
Còn theo Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hà Công Tuấn, từ nay đến năm 2020, ngành nông nghiệp tiếp tục cơ cấu lại xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh; cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, sinh thái, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng.
Đến năm 2020, ngành đặc mục tiêu tốc độ tăng giá trị gia tăng đạt tối thiểu 3%/năm; năng suất lao động tăng từ 3,5%/năm; thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015; có trên 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; tỉ lệ che phủ rừng đạt 42%. Để đặt được kết quả trên, ngành tiếp tục rà soát và xây dựng 3 trục sản phẩm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhóm sản phẩm theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” để có chiến lược và giải pháp phát triển phù hợp