Ngành sản xuất đứng trước nguy cơ “bất ổn” trong 6 tháng cuối năm

07:43 | 16/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tình hình dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao… khiến cho triển vọng của quí 3 cũng như nửa cuối năm 2021 trở nên bất ổn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhiều tín hiệu tích cực nhưng chưa rõ ràng

Trong 6 tháng cuối năm, nhất là vào là quí III, thường là giai đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động để phục vụ cho nhu cầu thị trường quốc tế cũng như trong nước dịp cuối năm.

Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động sản xuất kinh doanh ngành chế biến, chế tạo giữ xu hướng giảm trong hai quí đầu năm, trong đó quí 1 đạt 48,2 điểm và quí 2 đạt 48,7 điểm (trên 50 điểm đồng nghĩa với có sự tăng trưởng so với quí trước).

Mới đây, Theo số liệu của IHS Markit công bố, chỉ số PMI của Việt Nam chỉ đạt 44,1 điểm trong tháng 6-2021, giảm đột ngột so với tháng 5 (53,1 điểm) và ở mức thấp nhất trong 13 tháng qua.

Ngành sản xuất đứng trước nguy cơ “bất ổn” trong 6 tháng cuối năm - ảnh 1

Một số hoạt động sản xuất, kinh doanh có tín hiệu khởi sắc nhưng triển vọng hồi phục chưa rõ ràng và khả quan.

Cụ thể, số lượng đơn đặt hàng trong quí 1 và 2 chỉ giảm nhẹ. Tuy nhiên, tồn kho nguyên vật liệu và thành phẩm đã giảm mạnh, cho thấy nhu cầu tích trữ hàng hóa đầu vào đang giảm và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang không mấy khả quan. Bên cạnh đó, là chi phí sản xuất tăng cao, đến từ việc giá các nguyên liệu đầu vào tăng mạnh do tình trạng khan hiếm, trong khi giá bán lại có mức tăng thấp hơn do nhu cầu thị trường yếu.

Xu hướng giảm này đến từ việc nền kinh tế thế giới vẫn đang trong đà hồi phục chậm, trong khi các đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu và giá nguyên vật liệu tăng cao cũng khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Ngoài ra, yếu tố mùa vụ cũng góp phần làm giảm tốc độ sản xuất khi nhu cầu cho hàng hóa xuất khẩu thường thấp trong nửa đầu năm.

Diễn biến dịch bệnh trong cuối tháng 5 và tháng 6 ảnh hưởng mạnh đến hoạt động sản xuất, đưa chỉ số PMI xuống mức thấp nhất trong 1. Việc này làm gián đoạn quá trình sản xuất, giao hàng. Một số hoạt động sản xuất, kinh doanh có tín hiệu khởi sắc nhưng triển vọng hồi phục chưa rõ ràng và khả quan.

Thông thường, hoạt động sản xuất thường khởi sắc trong quí II và quí III, khi các đơn hàng phục vụ cho dịp lễ cuối năm tại các thị trường Mỹ và EU tăng cao. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh chuyển biến phức tạp liên quan đến biến chủng mới trên phạm vi toàn cầu và tại Việt Nam trong quí 2 đã khiến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh không đạt được như kỳ vọng. Đánh giá của doanh nghiệp về triển vọng cho quí III chỉ đạt mức 39,2% cho rằng quí 3 sẽ có thể khởi sắc hơn.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, trong tháng 6, tăng trưởng toàn cầu của năm 2021 từ 4,1% lên 5,6%, trên cơ sở các chương trình tiêm chủng đang được mở rộng và các gói kích thích kinh tế được thông qua tại các khu vực đầu tàu của nền kinh tế. Đến năm 2022, 90% nền kinh tế phát triển sẽ đạt mức thu nhập bình quân đầu người trước đại dịch. Đây đang là những chỉ báo tích cực cho sự hồi phục của nền kinh tế trong nửa cuối năm 2021.

Tuy nhiên, những dấu hiệu cho sự hồi phục của hoạt động sản xuất trong nửa cuối năm 2021 xét tổng thể vẫn chưa rõ ràng. Dù nền kinh tế đang trong đà hồi phục sau đại dịch được kỳ vọng tạo nên lực đẩy làm nhu cầu hàng hóa tăng trở lại. Thế nhưng, các vấn đề liên quan đến chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận tải và các biến động dịch bệnh ngắn hạn lại là lực kéo khiến cho nền kinh tế rất dễ bị tổn thương trong ngắn hạn và hoạt động sản xuất có thể không hồi phục như kỳ vọng.

Theo kết quả khảo sát từ Tổng cục thống kê, các doanh nghiệp FDI tiếp tục là điểm sáng cho ngành chế biến chế tạo trong nửa đầu năm 2021, với tỷ lệ doanh nghiệp tăng lượng đơn hàng mới trong quí 2 là 33,7% và duy trì số lượng đơn hàng là 41,1%, đồng thời các chỉ tiêu khác về sản xuất, tồn kho, lao động cũng cao hơn so với mặt bằng chung.

Có thể nhận thấy, các yếu tố biến động ngắn hạn sẽ tiếp tục chi phối tình hình sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát, cùng với đó là sự hồi phục tốt của các thị trường xuất khẩu chính, hoạt động sản xuất kinh doanh có thể sẽ hồi phục trong giai đoạn cuối năm nay.

Ngành sản xuất đứng trước nguy cơ “bất ổn” trong 6 tháng cuối năm - ảnh 2

Một số giải pháp hỗ trợ tình hình sản xuất, kinh doanh

Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đe dọa trực tiếp tới sản xuất công nghiệp ở các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng, ảnh hưởng tới kích cầu tiêu dùng. Nhiệm vụ đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 rất thách thức, đòi hỏi vừa kiểm soát tốt dịch Covid-19 vừa bảo đảm sản xuất, kinh doanh, có giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy xuất khẩu.

Các doanh nghiệp, các Sở Công Thương và các đơn vị trực thuộc tập trung triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.

Theo đó, những nội dung trong cần thực hiện trong thời gian tới như: Chủ động xây dựng các phương án chống dịch bệnh, sẵn sàng đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy raTheo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, ổn định cung cầu - giá cả và lưu thông hàng hóa trên địa bàn cả nước.

Đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng góp phần bảo vệ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước. Tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước ở các địa phương

Thúc đẩy xuất khẩu, tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; Đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu.

Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường, kế hoạch cao điểm; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng và lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính; kinh doanh hàng nông sản nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và các hành vi gian lận thương mại khác.

Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm nông sản trên các kênh thương mại điện tử, hỗ trợ các địa phương thúc đẩy tiêu thụ lượng nông sản lớn (đã, đang và sẽ vào vụ thu hoạch) ở các địa phương trên các sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín.

Hùng Dân

Xem thêm: cac-chuyen-gia-noi-gi-ve-goi-ho-tro-26000-ty-doanh-nghiep