Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý thuế: Khắc nghiệt, bào mòn sức khoẻ doanh nghiệp
Hôm nay, ngày 05/12/2020, Nghị định 126/2020/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý thuế chính thức có hiệu lực. Có ý kiến cho rằng, đây là Nghị định khắc nghiệt, bào mòn sức khoẻ doanh nghiệp.
Ảnh minh họa
Để đưa Luật Quản lý thuế vào cuộc sống, Chính phủ đã ban hành Nghị định 126/2020/NĐ-CP (Nghị định 126) quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế số 38. Tuy nhiên, ngay khi ra đời, nghị định đã đang gây nhiều tranh cãi trái chiều từ phía các chuyên gia tài chính và cộng đồng doanh nghiệp.
Thu thuế “tréo ngoe”- hàng trăm doanh nghiệp nguy cơ bị phạt
Theo Điều 8 Nghị định 126, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã tạm nộp của 3 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập cả năm. Đặc biệt, Nghị định 126 cũng quy định trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 3 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu.
Trong khi tại quy định cũ (Nghị định 91/2014), doanh nghiệp không cần khai thuế thu nhập tạm tính theo quý, nhưng vẫn phải tạm nộp căn cứ theo số thuế năm trước và dự kiến kết quả kinh doanh trong năm để xác định số thuế tạm nộp của từng quý.
Giới doanh nghiệp cho rằng quy định mới theo Nghị định 126 đã đưa hàng trăm nghìn doanh nghiệp vào nguy cơ dính án phạt thuế chậm nộp nếu như đến hết quý 3, doanh nghiệp không ước tính đúng được số doanh thu của quý 4. Nền kinh tế biến đổi không lường trước, thay đổi từng ngày, từng giờ tác động đến doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp. Việc phải xác định chính xác doanh thu quý 4 với các doanh nghiệp không khác gì đánh đố, nếu dự báo sai thì bị phạt thuế. Việc doanh nghiệp chưa biết doanh thu vẫn phải nộp đủ thuế được xem là cách quản lý thu thuế “tréo ngoe”, làm giảm động lực phát triển kinh doanh của doanh nghiệp.
Chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Việt Nam, giám đốc một doanh nghiệp dược tại Hà Nội thẳng thắn: "Kinh doanh không phải cứ dự định là mọi thứ diễn ra đúng như vậy, nếu quý 4 chúng tôi thua lỗ, chẳng hạn như năm nay COVID-19 doanh nghiệp rất khó khăn, quý 4 doanh thu giảm, thua lỗ thì khoản 75 tỷ đồng nộp trước đó tức chúng tôi bị chiếm dụng vốn rồi. Quy định mới này rất vô lý với doanh nghiệp, nộp thiếu thì bị phạt, nộp đúng lại có nguy cơ bị chiếm dụng vốn. So với quy định cũ, Nghị định 26 rất khắc nghiệt, bào mòn sức khoẻ doanh nghiệp”.
Vị giám đốc phân tích về điều vô lý trong Nghị định 126: Tại thời điểm kết thúc 3 quý đầu năm (30/9), doanh nghiệp còn tiếp tục kinh doanh 90 ngày nữa, hơn thế nữa còn là khoảng thời gian kinh doanh cao điểm trong năm, nhiều dịp lễ, tết quan trọng, biến động chi phí lương, thưởng…nên doanh nghiệp không thể có cơ sở để xác định kết quả kinh doanh và nghĩa vụ thuế của cả năm. Dịch bệnh, thiên tai và những biến động bất thường nên việc đoán trước doanh thu và lợi nhuận để ra số thuế phải nộp của cả năm là điều không tưởng.
Bày tỏ quan điểm về quy định mới này với Tạp chí Kinh tế Việt Nam, chuyên gia về kế toán-ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Australia cho hay, năm 2020 thế giới gặp đại dịch, doanh nghiệp khó khăn chồng chất, 3 quý đầu năm kinh doanh kém dẫn đến thua lỗ. Do đó, doanh nghiệp không tạm nộp được khoản thuế thu nhập doanh nghiệp nào. Nhưng đến quý 4, mọi thứ phục hồi, cầu tiêu dùng tăng, doanh nghiệp lội ngược dòng có lãi dẫn đến phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.
"Nếu chiếu theo quy định mới này, 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp bỗng dưng thành nộp chậm và bị phạt chậm nộp. Với các doamh nghiệp xây dựng doanh thu thường được các chủ đầu tư quyết toán dồn vào quyết toán quý 4. Vậy các doanh nghiệp xây dựng đứng trước nguy cơ chịu phạt thuế rất cao vì chậm nộp", ông Long phân tích.
Vị chuyên gia kế toán này cũng đặt câu hỏi ngược lại rằng, doanh nghiệp phải dự báo trước lãi và thuế để tạm nộp trước, mặc dù 3 quý đầu chưa có thu nhập chịu thuế hoặc thu nhập chịu thuế thấp. Sau khi dự báo cả năm thu nhập chịu thuế cao, nộp thuế 75%, nếu bất ngờ đến quý 4 xảy ra những biến cố lớn chẳng hạn như Covid-19 vừa rồi khiến cả năm bị lỗ, vậy doanh nghiệp có được ngành thuế tính lãi nộp trước thuế cho không?
"Đại dịch toàn cầu, doanh nghiệp khó khăn, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành đang tìm mọi cách để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng quy định quản lý thuế lại tréo ngoe", ông Long nói.
Khảo sát VTC News cho thấy, doanh nghiệp đang rất lo lắng bị đưa vào “danh sách đen” do không tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế nếu chiếu theo Nghị định 126.
Một doanh nghiệp ngành dịch vụ, thương mại có địa chỉ tại Hoàng Mai, Hà Nội khẳng định: doanh thu và lợi nhuận quý 4 của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ luôn cao hơn 3 quý đầu năm. Nếu quy định thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của 3 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp cả năm thì phần lớn các doanh nghiệp có thể bị coi là chậm nộp đủ thuế và sẽ bị phạt.
"Nếu quý 4 doanh thu tăng lên, nghĩa vụ nộp thuế tăng và doanh nghiệp bị phạt nhưng nếu quý 4 doanh nghiệp mà lỗ khiến số tiền tạm nộp lớn hơn số phải nộp cả năm thì ngành thuế không có trả lãi tạm nộp. Tại sao lại có sự vô lý ấy?", đại diện này đặt câu hỏi.
Cùng chia sẻ quan điểm này với Tuổi trẻ, luật sư Trần Xoa - giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang cho biết đi giảng dạy nhiều lớp về thuế, doanh nghiệp kêu rất nhiều về quy định trên. Nhiều doanh nghiệp giờ mới “té ngửa” nhận ra với quy định mới, doanh nghiệp không đoán chắc được doanh thu thì sẽ phải nộp dư để tránh nguy cơ bị phạt. Phần nộp dư này theo quy định doanh nghiệp có thể xin hoàn nhưng thủ tục phức tạp nên hầu như doanh nghiệp chịu treo ở đó rồi khấu trừ vào quý sau.
Đó là chưa kể đến nhiều doanh nghiệp băn khoăn về việc dự báo báo trước lãi quý 4 để tạm nộp trước thuế có thể sai (nếu bất ngờ đến quý 4 doanh nghiệp xảy ra biến cố khiến cả năm bị lỗ), vậy doanh nghiệp có được ngành thuế tính lãi nộp trước thuế cho không? Thêm nữa, hiện nay, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể quyết toán thuế theo quý, đặc biệt với những doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hoặc phụ thuộc thị trường nước ngoài.
Cho dù quy định tạm nộp thuế nói trên chỉ được áp dụng từ kỳ quyết toán 2021, nhưng khi cơ quan thuế áp dụng cách tính này doanh nghiệp khó có thể đáp ứng yêu cầu và đối mặt nguy cơ bị phạt tiền chậm nộp.
Thông tin của doanh nghiệp khó bảo mật
Tại Khoản 2 và khoản 3, Điều 30 của Nghị định số 126 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, theo đó, ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế. Thời gian cung cấp là 10 ngày đầu mỗi tháng. Nhiều ý kiến lo ngại quy định này sẽ làm lộ thông tin cá nhân của khách hàng.
Tại buổi đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2020 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức, đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết đặc thù của các ngân hàng thương mại là số lượng tài khoản của khách hàng rất lớn. Trong khi đó, quy định trên không có hướng dẫn cụ thể về cách thức cung cấp thông tin, đầu mối cung cấp thông tin để thực hiện. Điều này cho thấy, rủi ro lộ thông tin cá nhân, trong đó có thông tin về doanh nghiệp sẽ tăng khi thực thi Nghị định 126.
Ảnh minh họa
Trên tờ Người Lao động, một lãnh đạo Vụ Pháp chế (NHNN) cho biết pháp luật đã có quy định nên khi ngành thuế đề nghị cung cấp thông tin tài khoản, ngân hàng thương mại phải tuân thủ. Nhưng thực tế, do thông tin tài khoản ngân hàng mang tính cá nhân, khối lượng dữ liệu đồ sộ nên cơ quan thuế cần chọn lọc, đưa ra yêu cầu cung cấp thông tin theo từng nhóm đối tượng cụ thể. Nếu ngân hàng thương mại cung cấp toàn bộ dữ liệu của khách hàng, ngành thuế sẽ không đủ sức để xử lý, lưu giữ; từ đó thông tin có thể bị rò rỉ ra bên ngoài ảnh hưởng đến các vấn đề riêng tư của người nộp thuế.
Tờ Người Lao động dẫn lời của luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm CLB Đại lý Thuế TP HCM: Do tài khoản ngân hàng liên quan đến dòng tiền nên cơ quan thuế cần giới hạn yêu cầu cung cấp thông tin, ban hành tiêu chí ai là người được quyền yêu cầu, tiếp nhận, xử lý, lưu giữ và bảo mật thông tin. Trên cơ sở đó, cơ quan thuế có thể chọn lọc những tài khoản có giao dịch đột biến hoặc khả nghi vi phạm về thuế để đề nghị ngân hàng cung cấp nhằm đáp ứng nhiệm vụ thu ngân sách.
Lo ngại về thông tin khách hàng, trong đó có khách hàng là doanh nghiệp khó bảo mật, Tạp chí này cũng phản ánh góp ý của Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại: “Dưới góc độ bảo mật thông tin khách hàng, không cần đến khi cơ quan thuế yêu cầu cung cấp mà từ trước tới nay, các ngân hàng phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc bảo mật. Có điều, khi cung cấp thông tin của khách hàng cho bên thứ 3 thì rủi ro bị lộ sẽ tăng lên nên cơ quan thuế cũng phải tuyệt đối tuân thủ yêu cầu về bảo mật".
Trước mắt vẫn là chờ đợi hướng dẫn cụ thể
Tuy được xem là một “hàng rào kỹ thuật” hữu hiệu để truy thu thuế các cá nhân, tổ chức có nguồn thu từ Facebook, Google, Youtube, tuy nhiên, nếu áp dụng Nghị định 126 với các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn do COVID-19 thì đúng là có nhiều bất cập.
Nhiều chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng dù ủng hộ chủ trương thu thuế để đảm bảo ngân sách cho Nhà nước, tuy nhiên, ngành thuế vẫn cần có những tính toán để “đồng cảm”, linh hoạt hơn với doanh nghiệp trước những khó khăn do COVID-19.
VTC News dẫn lời của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, ngành thuế và các doanh nghiệp xưa nay vốn “không có tiếng nói chung”. Đặc biệt, trong tình hình khó khăn hiện nay, việc các cơ quan chức năng thuế đưa ra Nghị định 126 càng khiến doanh nghiệp có cảm quan ngành thuế đang tận thu đối với doanh nghiệp.
“COVID-19 khiến doanh nghiệp thua lỗ, thậm chí phá sản, việc thu thuế và các mức phạt chậm nộp càng đẩy doanh nghiệp vào khó khăn. Doanh nghiệp ngại phản ánh do lo ngại sẽ làm “mất lòng” cơ quan thuế. Vì thế, theo tôi, ngành thuế và doanh nghiệp cần có những cuộc trao đổi để đưa ra giải pháp phù hợp với cả hai bên, nếu cần thiết, vẫn nên sửa đổi Nghị định này để tránh làm khó doanh nghiệp”.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khuyến nghị cần phải sửa đổi Nghị định 126, còn việc nhiều doanh nghiệp không tuân thủ thì đó là trách nhiệm giám sát, thanh tra của cơ quan thuế, không vì một số doanh nghiệp không tuân thủ quy định mà đánh đồng tất cả được.
Trả lời những băn khoăn về bất cập từ Nghị định 126 và giải pháp tháo gỡ, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, trước mắt vẫn là chờ đợi những hướng dẫn cụ thể.
“Trong quá trình ban hành thông tư hướng dẫn về quản lý thuế, trong thời gian tới sẽ có những hướng dẫn cụ thể về cách thức” - ông Minh nhấn mạnh tại cuộc họp báo chuyên đề về Nghị định 126 và một số văn bản hướng dẫn Luật Quản lý thuế, chiều 1/12.
Minh Hoa