'Người dân giờ đầu tư BĐS, chứng khoán chứ không đổ xô mua vàng, nên xóa độc quyền vàng miếng SJC'

Hạ An 08:14 | 04/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo chuyên gia tài chính - kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, chống vàng hoá bằng cách đưa SJC thành thương hiệu vàng độc quyền giờ có lẽ đã không còn hợp thời. Người dân giờ không mua vàng nhiều như trước và bỏ tiền vào bất động sản, đầu tư chứng khoán hay gửi ngân hàng.

 

Đánh giá về vai trò của Nghị định 24 trong 10 năm qua, các chuyên gia đều đồng tình rằng, công cuộc chống "vàng hoá" của Việt Nam đã rất thành công, đem lại sự ổn định thị trường vàng và góp phần hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ổn định thị trường vàng.

Tuy nhiên, đến nay liệu việc để vàng SJC độc quyền có còn hợp thời khi người dân giờ không mua vàng nhiều như trước và bỏ tiền vào bất động sản, đầu tư chứng khoán hay gửi ngân hàng. 

Tại buổi làm việc với các tổ chức tín dụng (TCTD), doanh nghiệp kinh doanh vàng về công tác quản lý thị trường vàng vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định việc kiểm soát việc sản xuất, cung ứng vàng miếng là do có những giai đoạn người dân có xu hướng đầu cơ vàng miếng, Nghị định 24 đã làm giảm bớt tình trạng đầu cơ này. 

Tuy nhiên, điều này cũng nảy sinh bất cập khi giá vàng trong nước, nhất là giá vàng miếng SJC luôn cao hơn giá vàng thế giới đến mức phi lý, có thời điểm cao hơn tới hơn 20 triệu đồng/lượng.

Nguyên nhân là do nguồn cung thì giới hạn, trong khi nhu cầu lại luôn cao. Bà Lê Thuý Hằng, Tổng Giám đốc Công ty SJ C cho biết, trong suốt 10 năm qua SJC không được dập một miếng vàng nào từ nguyên liệu.

Năm 2019, thị trường vàng xuất khẩu đi nước ngoài rất nhiều nên lượng vàng SJC trên thị trường hiện nay còn rất ít.  "Nguồn cung hiện tại không có trong khi nhu cầu thị trường tăng, do vậy tạo ra độ chênh về giá so với vàng thế giới", bà Hằng nói.

 

Chống "vàng hoá" bằng cách đưa SJC thành thương hiệu vàng độc quyền đã không còn hợp thời

Chuyên gia tài chính - kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá cho đến hiện tại thì những biện pháp chống "vàng hoá" của NHNN và Chính phủ đã thành công. Tuy nhiên, những biện pháp mà NNHN dùng trong hơn 10 năm qua, trong đó có việc đưa SJC thành thương hiệu vàng độc quyền giờ có lẽ đã không còn hợp thời. 

Ở những năm trước 2012, khi có biến động về kinh tế người dân thường đổ xô mua vàng, nhưng thời điểm này đã khác, người dân không mua vàng nhiều như trước và bỏ tiền vào bất động sản hay đầu tư chứng khoán, tiền gửi ngân hàng cũng rục rịch tăng lên do lãi suất tăng.

Vàng có giá trị rất cao trong khủng hoảng, nó luôn là tài sản trú ẩn an toàn về tài chính. Tuy nhiên, Việt Nam khó có thể gặp tình trạng bất ổn, khủng hoảng như giai đoạn trước. Chiến tranh đã lùi xa về quá khứ, lạm phát cũng không thể ở mức mấy chục phần trăm như trước cho nên không còn lý do để người dân tích trữ vàng. Vai trò của vàng SJC không còn cần thiết như trước và nên bỏ thế độc quyền của SJC.

Bởi lẽ, SJC là thương hiệu vàng được NHNN công nhận nên người dân coi đó là loại vàng đạt tiêu chí cao nhất, chính vì vậy, nhu cầu đối với vàng SJC luôn có đẩy giá cao hơn các loại vàng khác một cách vô lý. Hiện tại, vàng SJC vẫn đang chênh cao so với các loại vàng khác đến hơn 10 triệu đồng/lượng chỉ vì mang thương hiệu quốc gia.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, mục tiêu chống đô la hóa, vàng hóa đã đạt được. Riêng mục tiêu phát triển ổn định và bền vững thị trường vàng thì chưa, bằng chứng là giá vàng SJC quá đắt đỏ so với thế giới.

PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh kiến nghị, các cơ quan liên quan, nhất là NHNN cần xem xét một cách nghiêm túc việc sửa đổi Nghị định 24, không nên để tình trạng độc quyền sản xuất một thương hiệu vàng quốc gia SJC như hiện tại nữa.

"Nâng cấp" để ổn định thị trường vàng

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu cần sửa đổi các quy định của Nghị định 24 để giải quyết được các vấn đề của thị trường vàng.

"Việc sản xuất vàng miếng SJC là do NHNN nắm độc quyền, việc này không phù hợp với nền kinh tế thị trường. NHNN không thể đứng sau một thương hiệu nào của xã hội. Để thị trường mang tính cạnh tranh thì cần bỏ thế độc quyền", ông Hiếu nói.

Vị chuyên gia này cho rằng, để thị trường này ổn định và vận động theo đúng kinh tế thị trường thì vai trò là nhà nhập khẩu vàng duy nhất của NHNN cũng phải thay đổi.

Không chỉ là SJC mà nên cho một số nhà kinh doanh vàng uy tín và có tiềm lực tài chính nhập khẩu vàng bên cạnh NHNN để không còn tình trạng có những thời điểm vàng trong nước chênh so với thế giới tới hơn 20 triệu đồng/lượng. Đầu vào của thị trường vàng bị nghẽn lại do nguồn cung của NHNN dẫn đến tình trạng đẩy giá lên cao, ông Hiếu cho hay.

Chia sẻ trên báo chí, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, quy định không có phép các đơn vị nhập khẩu vàng nguyên liệu cũng khiến cho ngành sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ kém phát triển.

Từ nhiều năm nay, một số công ty sản xuất, kinh doanh vàng quy mô lớn, có uy tín đã đề xuất NHNN cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu với mục đích sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Trong các văn bản kiến nghị, các công ty đề xuất không nhập đại trà, nhập nhiều mà chỉ xin nhập vài tấn vàng để giải bài toán nguồn nguyên liệu cho sản xuất vàng trang sức đang rất khan hiếm.

"Thế nhưng suốt bao nhiêu năm nay, nỗ lực xin nhập khẩu vàng nguyên liệu đều không được chấp thuận vì vướng quy định tại Nghị định 24", ông Khánh cho hay.

Về việc sửa đổi Nghị định 24, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết "để hạn chế vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế, Việt Nam cần hướng tới phát triển một thị trường lành mạnh và hạn chế đầu cơ vàng. Cùng với đó, việc khuyến khích thị trường vàng trang sức mỹ nghệ như một ngành sản xuất hàng hóa, có cạnh tranh lành mạnh cũng là một vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Việc sửa đổi Nghị định 24 cần đánh giá kỹ lưỡng, xem xét kỹ các ý kiến, cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan và có sự động thuận trong xã hội".