Nguồn cung hạn hẹp, thị trường gạo đang ` nóng` lên từng ngày, cơ hội nào cho gạo Việt?

19:15 | 20/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thị trường gạo Việt Nam cũng như các nước xuất khẩu gạo bắt đầu nóng trở lại khi hàng loạt các khách hàng rất tiềm năng như Trung Quốc, Philippines, Indonesia.. đang ráo riết mua vào.
Lũ lụt đã làm chậm quá trình thu hoạch mùa màng tại hầu hết các nước ở khu vực châu Á trong tuần này, đẩy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Bangladesh tăng cao, trong khi các thương nhân Thái Lan cảnh báo về rủi ro nguồn cung mới.
 

Trung Quốc tích cực mua gạo từ các nước

 
Nguồn tin Moneycontrol ngày 16/11 cho biết, xuất khẩu gạo non-basmati của Ấn Độ trong giai đoạn tháng 01-10/2020 đã vượt quá khối lượng xuất khẩu của cả năm 2019, với hơn 6 triệu tấn (cả năm 2019 xuất khẩu 5,1 triệu tấn). Đáng chú ý, Trung Quốc đã mua khoảng 60.000 tấn gạo của 2 nhà máy Ấn Độ, và có thể sẽ mua khoảng 500.000 tấn/năm, không chỉ trong năm nay mà cả những năm sắp tới.
 
Trang Moneycontrol còn cho biết, có thông tin khách hàng Trung Quốc ngoài khối lượng gạo nhập khẩu chính ngạch thì đã mua một lượng lớn gạo của Ấn Độ qua các nước thứ ba, và số gạo đó có thể được giao dịch cả trên biển.
 
Trong khi đó, nguồn tin Thaibizmyanmar cũng cho biết, Bộ Thương mại Myanmar mới đây đưa tin nước này hiện không đáp ứng đủ nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc. Cụ thể, Trung Quốc hiện cần mua khoảng 80.000 bao gạo Myanmar mỗi ngày (1 bao = 50 kg), nhưng Myanmar chỉ có thể cung cấp trên 30.000 bao qua cửa khẩu Muse do những quy định nghiêm ngặt hơn trước để chống dịch Covid gây khó khăn cho việc vận chuyển.
 
Nguồn cung hạn hẹp, thị trường gạo đang ` nóng` lên từng ngày, cơ hội nào cho gạo Việt? - ảnh 1
 
Trung Quốc thường muốn mua gạo Pakistan vì mối quan hệ mật thiết giữa 2 bên, và gạo Myanmar xuất sang Trung Quốc ngoài đường chính ngạch có cả qua đường tiểu ngạch.
 
Việc Trung Quốc tích cực mua gạo vào lúc này cho thấy nguồn cung gạo trong nước có thể đã bắt đầu vào tình trạng khan hiếm, sau khi Chính phủ liên tục xả kho dự trữ gạo cũ suốt mấy năm qua, tiếp đến là dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc trồng lúa vụ đầu năm nay, rồi đến lũ lụt nghiêm trọng ảnh hưởng không nhỏ tới sản lượng lúa.
 
Các nguồn tin trong ngành gạo cho biết, thực trạng của ngành nông nghiệp Trung Quốc luôn là một bí ẩn, do thời tiết ở nước này suốt 5 năm qua có nhiều thay đổi thất thường (Mưa hoặc hạn hán đã ảnh hưởng đến một hoặc nhiều khu vực của nước này). Không ai biết chắc về tình trạng tồn kho thực tế của Trung Quốc, không chỉ đối với mặt hàng gạo mà cả những lương thực khác.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc chắc chắn không muốn phụ thuộc vào một nguồn cung cấp duy nhất mà muốn đa dạng hóa nguồn cung. Do đó, nước này có thể xem xét việc mua khoảng 0,5 đến 1 triệu tấn gạo Ấn Độ mỗi năm trong dài hạn.
 
Tuy nhiên, khách hàng Trung Quốc mặc cả giá thấp hơn. Họ đã mua gạo trắng 100% tấm với mức giá khoảng 320 USD/tấn, trông khi giá gạo 25% tấm và 5% tấm dao động từ 330 đến 360 USD/tấn (FOB). So sánh, giá chào bán gạo cùng loại của Thái Lan và Việt Nam hiện ở mức trên 400 USD/tấn.
 

Bangladesh mua đấu giá 50.000 tấn gạo

 
Đây là lần mua đấu giá đầu tiên trong vòng 3 năm qua, giữa bối cảnh nguồn cung trong nước cạn kiện do thiên tai liên tiếp khiến giá gạo nội địa tăng vọt. Theo hồ sơ mời thầu, thời hạn nộp hồ sơ chào bán cho cuộc thầu này từ ngày 26/11 đến 10/12. Gạo sẽ được vận chuyển trong vòng 40 ngày kể từ khi ký hợp đồng.

Theo một quan chức cấp cao thuộc Bộ Lương thực Bangladesh, nước này có kế hoạch nhập khẩu 300.000 tấn gạo do mất mùa vì lũ lụt khiến cung lúa không đáp ứng đủ nhu cầu. Giá gạo tại Bangladesh đã tăng khoảng 50% kể từ tháng 3 đến nay, giữa bối cảnh dịch Covid-19 khiến nhiều người dân muốn mua lương thực để tích trữ.

Tuy nhiên, nhiều thương gia trong nước cho rằng động thái này chưa chắc sẽ giúp giá gạo tại Bangladesh hạ nhiệt.

Nguồn cung hạn hẹp, thị trường gạo đang ` nóng` lên từng ngày, cơ hội nào cho gạo Việt? - ảnh 2

Bangladesh là nước sản xuất gạo lớn thứ 4 thế giới, nhưng thường phải nhập khẩu gạo mỗi khi gặp thiên tai nghiêm trọng. Thiên tai năm 2014 đã buộc nước này phải tăng mạnh nhập khẩu gạo từ đó tới năm 2017, đẩy giá gạo thế giới lên cao kỷ lục trong năm 2017 và 2018."Tôi không nghĩ rằng Chính phủ có thể làm được điều đó bằng cách đó. Chính phủ nên giảm thuế nhập khẩu gạo thì hơn", Reuters dẫn lời một thương gia ở Dhaka.

Năm 2019, Chính phủ Bangladesh đã nâng thuế nhập khẩu gạo từ 28% lên 55% để hỗ trợ người nông dân của mình trong bối cảnh làn sóng phản đối từ ngành nông nghiệp gia tăng khi giá gạo giảm mạnh.

Mặc dù giá gạo nội địa đang rất cao, song, "Hiện tại (Bangladesh) không có kế hoạch giảm thuế nhập khẩu. Chúng tôi cần bảo vệ nông dân của mình", Bộ trưởng Nông nghiệp Abdur Razzak cho biết, đồng thời cũng thông tin thêm rằng chính phủ sẽ tăng nhập khẩu nếu có nhu cầu.

Theo tin từ Bộ Nông nghiệp nước này, sản lượng lúa Bangladesh trong vụ Aman (vụ phụ thuộc vào nước mưa) dự kiến sẽ giảm 15% trong năm nay do mưa quá nhiều và kéo dài gây lũ  lụt.

Chính phủ nước này có kế hoạch thu mua 1,95 triệu tấn gạo từ nông dân của mình, song chỉ mua được 1 triệu tấn.

Philippines tăng nhập khẩu gạo do bão

 

Một số nguồn tin Philippines cho biết, nước này sẽ tăng nhập khẩu gạo trong năm 2021 để bù đắp những thiệt hại do những cơn bão gần đây gây ra cho nền nông nghiệp nước này.

Theo ước tính sơ bộ, các cơn bão Molave, Goni và Vamco đã gây thiệt hại tổng cộng khoảng 12,3 tỷ peso (khoảng 250 triệu USD) cho ngành nông nghiệp Philippines. Những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là Cagayan Valley và Bicol – những nơi trồng lúa chính của quốc gia Đông Nam Á này.

Nguồn cung hạn hẹp, thị trường gạo đang ` nóng` lên từng ngày, cơ hội nào cho gạo Việt? - ảnh 3

Theo Bộ trưởng Nông Nghiệp William Dar cho biết, Philippines đặt mục tiêu nâng tỷ lệ tự cung gạo lên 93%, nhưng với những thiệt hại do bão gây ra gần đây thì tỷ lệ này có thể chỉ đạt khoảng 89-90%, và hiện tại thiếu khoảng 10% gạo tiêu thụ.

Để giúp ngành nông nghiệp phục hồi, Chính phủ Philippines sẽ cung cấp nguyên liệu sản xuất cho người nông dân, như hạt giống, phân bón, con giống… trị giá khoảng 8 tỷ peso. Về lâu dài, Philippines sẽ xây dựng hệ thống tưới tiêu nước cho trên 1,2 triệu ha lúa hiện đang có năng suất thấp của nước này.

Bên cạnh đó Malaysia và Indonesia cũng đang xúc tiến mua gạo Ấn Độ và các nước xuất khẩu khác như Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, hạn hán nghiêm trọng ở Thái Lan từ năm ngoái kéo dài tới giữa năm nay, trong khi Việt Nam đang tập trung thực hiện các hợp đồng ký với Philippines, buộc Malaysia và Indonesia phải chuyển sang tìm mua gạo Ấn Độ với khối lượng lớn. 

Như vậy, với thực trạng gạo Ấn Độ có nguồn cung dồi dào và giá đang rẻ hơn rất nhiều so với gạo Thái Lan và Việt Nam, trong khi vụ Kharif sắp tới dự báo sẽ cho sản lượng cao kỷ lục, sẽ là các điều kiện thuận lợi để Ấn Độ gia tăng mạnh mẽ xuất khẩu gạo trong thời gian tới. Nước này hy vọng năm nay tổng xuất khẩu gạo sẽ đạt 14 triệu tấn.

Cơ hội nào cho gạo Việt
 

Cùng với thị trường EU, hiện xuất khẩu gạo Việt đi các thị trường khác được doanh nghiệp cho biết có nhiều khả quan. Đơn cử là thị trường Trung Quốc. Ông Nguyễn Quang Hòa - Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ (Long An) - cho biết: Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay chúng tôi đã xuất khẩu hơn 100.000 tấn gạo đi Trung Quốc. Hiện tại các đơn hàng vẫn đều đặn thực hiện với giá bình quân 500 USD/tấn.

Liên quan đến thông tin về một số doanh nghiệp phản ánh bị đối tác Trung Quốc ép giá chỉ còn 485 USD/tấn gạo nếp, ông Hòa cho rằng, kinh doanh là cơ chế thị trường, nếu doanh nghiệp sản xuất gạo đạt chuẩn theo yêu cầu thị trường, đáp ứng đầy đủ tiêu chí xuất xứ nguồn gốc thì không lo bị ép giá.

Nguồn cung hạn hẹp, thị trường gạo đang ` nóng` lên từng ngày, cơ hội nào cho gạo Việt? - ảnh 4

Tương tự, ở các thị trường khác nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết tháng 11/2020. Ông Phan Văn Có - Giám đốc marketing Công ty TNHH VRICE - chia sẻ, doanh nghiệp này vẫn liên tục xuất khẩu các đơn hàng đi Singapore, New Zealand, Australia… với giá cao. Cụ thể, gạo Nhật hiện được bán cho đối tác có giá 550 USD/tấn, còn gạo Jasmine là 600 USD/tấn. Mức giá này cao hơn hồi đầu năm nay bình quân khoảng 50 USD/tấn. Theo ông Có, mặc dù đơn hàng khả quan nhưng việc vận chuyển của doanh nghiệp đang chậm lại do tác động của dịch bệnh, khiến tàu vận chuyển khó khăn hơn. Tuy nhiên nhìn chung thị trường vẫn khả quan bởi công ty đã chốt các đơn hàng đến cuối tháng 11/2020 với giá cao.

Về triển vọng xuất khẩu trong các tháng tới, các doanh nghiệp cho biết, dù ảnh hưởng dịch bệnh song nhu cầu lương thực không bị tác động. Chưa kể, sản lượng gạo của thế giới năm 2020 ước đạt 495,2 triệu tấn, giảm khoảng 0,3% so với năm 2019. Trong khi đó tiêu dùng gạo thế giới năm 2020 ước đạt 490,4 triệu tấn, tăng khoảng 1,3% so với năm 2019. Đây là cơ hội cho ngành gạo xuất khẩu của Việt Nam nếu chúng ta nắm bắt đúng nhu cầu của thị trường.

Nguyễn Dung(t/h)