Nhiều giải pháp hỗ trợ DN vẫn chỉ đang nằm ở sự “chỉ đạo”

15:05 | 09/06/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Tại tọa đàm “Làm gì để giải cứu doanh nghiệp hậu COVID-19”, do Câu lạc bộ Cafe số và Báo Tiền phong tổ chức sáng 9/6, TS. Nguyễn Đình Cung, cho biết, doanh nghiệp là lực lượng trọng tâm trong việc phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn, rào cản trong việc tiếp nhận hỗ trợ và tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Đại bộ phận các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vẫn chỉ đang nằm ở sự “chỉ đạo”.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, thời gian qua doanh nghiệp đã được giảm lãi suất vay; gia hạn 4-5 tháng nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, tiền hưu trí, tử tuất... Thời gian tới, các doanh nghiệp hy vọng sẽ được tiếp tục giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định, hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Nhiều giải pháp hỗ trợ DN vẫn chỉ đang nằm ở sự “chỉ đạo” - ảnh 1
 TS. Nguyễn Đình Cung tại buổi tọa đàm.
Ngoài ra, miễn phí bảo lãnh phát sinh trong năm 2020 đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp hàng không còn dư nợ đến 31/12/2019; giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay; hiảm 20% lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết 2020…
Tuy nhiên theo đánh giá của TS. Nguyễn Đình Cung, thực tế hiện nay các doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn, rào cản trong việc tiếp nhận hỗ trợ và tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Đại bộ phận các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vẫn chỉ đang nằm ở sự “chỉ đạo”. Hiện mới chuyển từ chỉ đạo của Thủ tướng (chỉ thị 11) sang chỉ đạo của Chính phủ (nghị quyết 84). Phần lớn nội dung của chỉ thị 11 được chuyển lên nghị quyết 84. Thời gian qua có hàng loạt giải pháp đưa ra, nhưng chỉ duy nhất có 1 nghị định, 2 thông tư, còn lại là dạng đốc thúc chứ chưa có sự thể hiện bằng văn bản pháp lý rõ ràng để giúp doanh nghiệp.
Do đó, theo TS. Cung, các mức độ hỗ trợ đều quá nhỏ so với mức độ thiệt hại của doanh nghiệp, so với mức hỗ trợ của Chính phủ các nước khác cho doanh nghiệp của họ. Đơn cử như, việc miễn và giảm nghĩa vụ thuế, phí quá ít, hầu như chưa có, hoặc có nhưng không kịp thời. Vì thực tế chỉ miễn thuế thì mới tăng lực cho doanh nghiệp. Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp manh mún, theo kiểu “kẹt xỉn”, không ra tấm, ra món, không tập trung. Chưa kể một số điều kiện hỗ trợ không hợp lý, không thực tế. Thậm chí, để nhận được hỗ trợ thì các doanh nghiệp phải đi xác nhận khắp nơi, khi đầy đủ xác nhận thì đã qua mất thời cơ. Điều này không hợp lý, tạo ra tác động ngược đối với doanh nghiệp.
Nhiều giải pháp hỗ trợ DN vẫn chỉ đang nằm ở sự “chỉ đạo” - ảnh 2
 Nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn, rào cản trong việc tiếp nhận hỗ trợ và tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
TS. Nguyễn Đình Cung phân tích, sở dĩ các doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận với sự hỗ trợ của Chính phủ là do quy trình ra quyết định trên lĩnh vực kinh tế xã hội rất chậm, cho tới nay vẫn chưa có quyết sách gì từ quốc hội, các cơ quan quản lý nhà nước.
Về cải cách thủ tục hành chính, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, hiện có tình trạng chỉ đạo rất chung chung kiểu như: “Khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để khắc phục sự chồng chéo; quyết liệt đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xem xét, giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án theo đề xuất của doanh nghiệp…”, nếu cứ chung chung như vậy thì sẽ không thể cải cách được. Vì thế, ông Cung nhấn mạnh, phải có bộ phận độc lập với Chính phủ đi rà soát lại các vấn đề vướng mắc, những rào cản trong các thủ tục hành chính thì mới tháo gỡ được nút thắt này.
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Đình Cung nhìn nhận, cho đến nay, nhìn về môi trường kinh doanh Việt Nam thì điểm nghẽn nhất lại là việc đầu tư tạo tài sản, vì ở đây sẽ gặp cơ chế xin cho. Theo đó doanh nghiệp chỉ muốn đầu tư nhỏ, ngắn hạn, đầu tư dịch vụ chứ không đầu tư tạo tài sản.
Để tháo nút thắt này, ông Cung cho rằng, Chính phủ nên hỗ trợ tập trung vào các ngành họ chịu tác động và thiệt hại nhiều nhất (ngành hàng không….). Và nên hỗ trợ ra tấm ra món, tập trung, trọng điểm để họ đủ sức phục hồi. Còn cách làm rải rác, dàn trải như hiện nay chỉ như muối bỏ bể, rất khó giải quyết…