Nhiều trung tâm sản xuất công nghiệp của cả nước báo tăng trưởng GRDP quý I giảm tốc

Anh Đào 13:58 | 03/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong quý I, Bắc Ninh là địa phương tăng trưởng thấp nhất cả nước (-11,85%), Bà Rịa - Vũng Tàu cũng trong nhóm tăng trưởng âm, trong khi đó Bình Dương ghi nhận xuất khẩu gỗ sụt giảm mạnh, TP HCM tăng trưởng thấp nhất trong 5 TP trực thuộc Trung ương.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong quý I, cả nước có 5 tỉnh, thành phố tăng trưởng GRDP âm. Bắc Ninh - tỉnh mạnh về sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp nhất cả nước (-11,85%). Bà Rịa- Vũng Tàu cũng nằm trong nhóm tăng trưởng âm với mức sụt giảm 4,75%. Một trung tâm sản xuất công nghiệp khác là Quảng Nam cũng giảm sâu tới -10,88%.

GRDP của hai tỉnh, thành lớn khác phía Nam là TP HCM và Bình Dương không sụt giảm nhưng mức tăng rất thấp, lần lượt chỉ 0,7% và 1,15%. Đồng Nai ghi nhận mức tăng khiêm tốn 3,25%.

Một số tỉnh, thành mạnh về sản xuất có mức tăng khá như Hải Phòng (9,65%); Bắc Giang (8,4%); Hưng Yên (8,14%); Quảng Ninh (8,06%), Thái Nguyên (6,53%).

 

Bắc Ninh tăng trưởng thấp nhất cả nước, sản xuất công nghiệp giảm mạnh từ 2019

Nói thêm về kinh tế Bắc Ninh quý I, Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh đánh giá, trong quý I năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Trong tỉnh, những khó khăn của kinh tế thế giới đã tác động rõ rệt, hiện hữu và ảnh hưởng đến kinh tế của tỉnh trong quý I/2023. 

Theo Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, ngành công nghiệp là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, nên tác động lớn đến tăng trưởng chung, toàn bộ ngành này lại bị sụt giảm nhiều và bị giảm sút sản lượng sản xuất ở nhiều ngành cấp II do nguyên vật liệu khan hiếm, giá cao, hợp đồng các đơn hàng giảm đi đã kìm hãm lượng hàng hóa sản xuất. Các ngành này tăng trưởng âm, thậm chí âm rất nhiều như ngành SXSP điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.

Trong quý I, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP giảm tới 18,67%. Đây là mức giảm sâu nhất trong vòng 5 năm gần đây. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm tới 18,79%.

 

Trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, có 15 ngành có chỉ số IIP giảm, một số ngành có mức giảm nhiều như: Sản xuất trang phục (-33,68%); Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (-28,49%); Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất (-24,41%); Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (-47,98%); Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (-19,59%).

Cũng trong quý I, có 18/23 sản phẩm chủ yếu của tỉnh bị sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó 100% các sản phẩm trọng điểm của tỉnh đều giảm, giảm nhiều nhất là sản phẩm máy in-copy, in bằng công nghệ in phun có kết nối (-46,6%); tiếp theo là pin điện thoại các loại (-30,47%); đồng hồ thông minh (-29,95%).

Riêng trong tháng 3/2023, sản lượng điện thoại thông minh (smartphone) giảm tới 41,86% so với cùng kỳ. Tính chung quý I/2023, Bắc Ninh sản xuất 8.980 triệu chiếc smartphone, giảm 24,3% so với quý I/2022.

 

TP HCM trong nhóm 10 địa phương tăng trưởng thấp nhất cả nước

Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy GRDP của TP HCM trong quý I ước đạt khoảng 360.000 tỷ đồng, chỉ tăng trưởng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, đưa TP HCM về danh sách 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất cả nước.  

 

Theo nhận xét của Cục Thống kê TP HCM, tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng 3 có khởi sắc hơn so với 2 tháng trước nhưng các doanh nghiệp vẫn phải đối diện nhiều khó khăn khi thiếu đơn hàng sản xuất, công nhân thiếu việc làm, áp lực trả lãi vay ngân hàng.

Tính chung 3 tháng đầu năm, chỉ số IIP giảm 0,9% so với cùng kỳ. Trong đó, sự sụt giảm nặng nề được ghi nhận ở 15/30 ngành công nghiệp cấp II, 3 ngành công nghiệp truyền thống cùng một số sản phẩm công nghiệp khác.

Tình hình xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm gặp khó dẫn đến nguồn thu ngân sách từ khu vực xuất, nhập khẩu giảm 11,1%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP theo đó cũng giảm 1,5% so với cùng kỳ và chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) giảm 8,5%.

Báo cáo Chính phủ về các hạn chế trong quý I, UBND TP HCM cũng nhìn nhận thị trường bất động sản và tài chính gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, nợ xấu ở nhiều ngân hàng và áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp có xu hướng tăng. Trong khi đó, sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh, với 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm.

Những diễn biến này khiến số vốn đăng ký doanh nghiệp thành lập mới giảm và số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng so với cùng kỳ.

Báo cáo của UBND TP HCM cho biết tiến độ giải quyết các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp của các sở, ban, ngành còn chậm.

Xuất, nhập khẩu của Bình Dương sụt giảm mạnh

Bình Dương - thủ phủ công nghiệp phía Nam cũng ghi nhận tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn. Báo cáo của tỉnh cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 0,15% so với cùng kỳ năm 2022 (quý I/2022 tăng 7,2%). Tình hình xuất, nhập khẩu gặp nhiều khó khăn; các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, các thị trường xuất khẩu chính tiếp tục giảm nhu cầu do ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, nhu cầu tiêu dùng thấp.

Kim ngạch xuất khẩu giảm 18,7% (quý I/2022 tăng 9,8%). Tình hình xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của tỉnh giảm như sản phẩm gỗ (giảm 41,5%), máy móc – thiết bị (giảm 7,4%), dệt may (giảm 17,4%), giày da (giảm 12,5%). Kim ngạch nhập khẩu giảm 14% (quý I/2022 tăng 0,2%).