Nông nghiệp lập kỷ lục xuất siêu 3,27 tỷ USD trong dịch bệnh
Bộ NN-PTNT cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông sản 5 tháng đầu năm nay tăng 30,3% so với cùng kỳ 2020. Kim ngạch nhập khẩu ước khoảng 19,57 tỷ USD, tăng 51%. Như vậy, giá trị xuất siêu nông, lâm thủy sản đạt ở mức 3,27 tỷ USD.
Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt 1,75 tỷ USD; lâm sản chính 1,52 tỷ USD, thủy sản đạt 750 triệu USD và chăn nuôi đạt 41 triệu USD…
Xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn tăng trưởng dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng gồm cao su, chè, gạo, rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi, cá tra, tôm; gỗ, mây, tre, cói thảm, quế…
Bộ NN-PTNT cũng cho biết, khu vực châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, với 46,5% thị phần giá trị xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản 5 tháng đầu năm. Tiếp đến là châu Mỹ (27%), châu Âu (10,1%), châu Đại Dương (1,3%) và châu Phi (1,7%).
Bốn thị trường xuất khẩu chính của nông lâm sản và thủy sản Việt Nam là: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, chiếm thị phần lần lượt là 24,6%, 22,6%, 6,6% và 4,9%.
Bộ NN-PTNT nhận định, trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành nông nghiệp là tiếp tục theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các địa phương phục vụ chỉ đạo điều hành.
Chủ động, tích cực phối hợp, hỗ trợ các các địa phương, ngành hàng triển khai các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19 hiện nay.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, hiện cả nước có trên 7.500 doanh nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản quy mô công nghiệp, có gắn với xuất khẩu, và hàng vạn cơ sở chế biến nhỏ lẻ, hộ gia đình.
Lực lượng này mỗi năm có khả năng chế biến, sơ chế, bảo quản khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông - lâm - thủy sản. Hiện Việt Nam có 8 mặt hàng xuất khẩu giá trị tỷ USD, gồm rau quả, hạt điều, gạo, cà phê, cao su, tôm, gỗ, cá tra. Sản phẩm nông sản của Việt Nam đã xuất khẩu trên 186 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy đến nay công nghệ bảo quản sau thu hoạch, trình độ quản lý chất lượng sản phẩm nông sản còn nhiều hạn chế.
Các cơ sở chế biến nông lâm thủy sản nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và các rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu hàng hóa. Trình độ và năng lực công nghệ trong chế biến một số nông lâm thủy sản chỉ ở mức trung bình tiến tiến.
Chính vì vậy, bên cạnh việc chủ động nắm bắt thông tin thị trường, ngành NN-PTNT cũng cần làm việc sâu hơn các doanh nghiệp, vùng sản xuất để hoàn thiện khâu sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản.
PV
Xem thêm: Cánh cửa mới cho nông sản, sữa và thịt đông lạnh Việt Nam để xuất khẩu vào Nga