Phát hiện con cua xanh lưỡng tính `siêu quý hiếm` ở Mỹ
Ong Jerry Smith - một ngư dân đánh bắt cua lành nghề với hơn 40 năm kinh nghiệm ở thành phố Pocomoke, tiểu bang Maryland - đã tìm thấy một con cua xanh Đại Tây Dương đặc biệt trong khi đi đánh bắt tại vịnh Maryland.
Con cua xanh được xác định khoảng 3 năm tuổi, kích thước 11,4cm, gặp một tình trạng cực kỳ hiếm gặp gọi là gynandromorphy. Theo đó, thay vì cua đực đầu càng màu xanh, yếm chữ T và cua cái càng đỏ, yếm tròn như thông thường, con cua gynandromorphy này mang cả 2 hình thái, một nửa là đực, nửa còn lại là cái, với một đường phân chia ở giữa bụng.
Thông thường, phần chóp càng của cua xanh đực chỉ có màu xanh và phần yếm hình chữ T. Trong khi đó, phần chóp càng của cua cái thường có màu đỏ và phần yếm của nó mở rộng.
Cua mắc chứng gynandromorphy đã không còn được phát hiện trong suốt 15 năm qua, lần gần đây nhất người ta phát hiện một con tương tự tại vịnh Maryland là vào năm 2005.
"Con cua của chúng tôi không bộc lộ rõ đặc trưng của con đực và con cái, nhưng chúng tôi ngày càng chú ý tới nó hơn khi nó làm quen với môi trường sống mới và nhận thức ăn giàu dinh dưỡng", September Meagher, chuyên gia về nông nghiệp ở Bảo tàng khám phá Delmarva, cho biết.
Hội chứng cá thể lưỡng tính thường xuất hiện rất sớm trong quá trình phát triển của tổ chức sinh vật, khi cá thể mới có 8 - 64 tế bào. Hội chứng này là một bất thường ở tế bào, xảy ra khi con cua vẫn ở dạng trứng, theo Meagher. Tại thời điểm nào đó, tế bào không phân chia nhiễm sắc thể giới tính theo cách thông thường, dẫn tới sự phân bố đặc điểm giới tính không đồng đều, từ màu sắc tới cơ quan sinh sản. Hội chứng cá thể lưỡng tính khác với tình trạng lưỡng giới, trong đó chỉ có cơ quan sinh dục bị ảnh hưởng.
Hội chứng cá thể lưỡng tính không xảy ra ở động vật có vú, nhưng được ghi nhận ở tôm hùm, cua, rắn, bướm, ong, gà và chim. Cá thể mắc hội chứng có thể chịu tác động từ nhiệt độ nước hoặc lượng hormone trong tử cung mẹ.
Meagher cho biết các nhà sinh vật học hải dương ở VIMS đang tìm kiếm hội chứng di truyền hiếm gặp để hiểu rõ hơn về sinh sản và phát triển giới tính ở cua xanh. Loài vật này từng là nguồn kinh tế chính trong vùng nhưng số lượng của chúng suy giảm do đánh bắt quá mức và ô nhiễm. Hiện nay, bảo tàng chưa đặt tên cho con cua mà đang trưng cầu ý kiến từ khách tham quan.
Xem thêm:Kì quặc cách `yêu` của cá mặt quỷ Anglerfish
Phong Trần