Quảng Ninh lần thứ 5 dẫn đầu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Đông Bắc 11:07 | 27/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021. Đáng chú ý, 2 thành phố trực thuộc Trung ương không góp mặt trong Top 10 bảng xếp hạng.

Sáng 27/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI) tổ chức lễ công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021 tại Hà Nội.

Báo cáo PCI 2021 được xây dựng trên thông tin phản hồi từ 11.312 doanh nghiệp, trong đó bao gồm 10.127 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và 1.185 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại 22 địa phương.

Chỉ số PCI năm 2021 của các tỉnh thành được đánh giá trên cơ sở thang điểm 100, bao gồm 10 chỉ số thành phần: Chi phí gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; Tính minh bạch; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Tính năng động của chính quyền địa phương; Môi trường cạnh tranh bình đẳng; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; Đào tạo lao động; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

Theo kết quả xếp hạng, Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu trong bảng xếp hạng chỉ số PCI 2021 với số điểm 73,02. Đây là năm thứ 5 liên tiếp Quảng Ninh đứng đầu về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

“Năm 2021, Quảng Ninh đã giảm 40-50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định. Số lượng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 của tỉnh là 1.387 thủ tục, tương đương 75% số dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với tỷ lệ trung bình 48% của cả nước”, báo cáo của VCCI cho biết.

Ngoài ra, Quảng Ninh cũng đứng đầu cả nước ở 2 chỉ số thành phần là: Chi phí gia nhập thị trường (7,98 điểm) và Chi phí thời gian trong giải quyết thủ tục hành chính (8,52 điểm).

Xếp sau Quảng Ninh lần lượt là Hải Phòng (70,61 điểm); Đồng Tháp (70,53 điểm); Đà Nẵng (70,42 điểm); Vĩnh Phúc (69,69 điểm); Bình Dương (69,61 điểm); Bắc Ninh (69,45 điểm); Thừa Thiên Huế (69,24 điểm); Bà Rịa - Vũng Tàu (69,03 điểm); Hà Nội (68,6 điểm).

Trong khi đó, tỉnh Cao Bằng đứng cuối cùng tại BXH PCI 2021 với số điểm 56,29 điểm. Xếp ngay trên cao Bằng là tỉnh Hoà Bình với 57,16 điểm; tiếp theo là Kon Tum với 58,95 điểm…

Bảng xếp hạng chỉ số PCI năm nay cũng đã chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc của tỉnh Bạc Liêu. Từ địa phương đứng cuối cùng trong bảng xếp hạng PCI 2020, Bạc Liêu đã vươn lên vị trí thứ 55 trong năm nay với 61,25 điểm.

Đáng chú ý Hà Nội đã tụt 1 bậc trong bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, từ vị trí số 9 năm 2020 (66,93 điểm) xuống vị trí số 10. Hai thành phố trực thuộc trung ương khác là TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ tiếp tục không góp mặt trong Top 10 PCI 2021. Cần Thơ đứng thứ 12 với 68,06 điểm, trong khi TP Hồ Chí Minh đứng thứ 14 với 67,5 điểm.

Biểu đồ Chỉ số năng lực cấp tỉnh năm 2021

Theo khảo sát của VCCI năm 2021, tính năng động của chính quyền có kết quả tốt nhất từ trước đến nay. Cụ thể, 85,6% doanh nghiệp nhận thấy UBND tỉnh vận dụng pháp luật linh hoạt nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; 62% doanh nghiệp cho biết chính quyền tỉnh có thái độ tích cực với hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc khu vực kinh tế tư nhân…

Ngoài ra, chi phí không chính thức tiếp tục có xu hướng giảm: Năm 2021 chỉ có 20,9% doanh nghiệp cho biết có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra (so với 27,7% năm 2020); 36,8% doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức trong đấu thầu (so với 40% năm 2020); 21,4% doanh nghiệp cho rằng tình trạng “chạy án” là phổ biến (so với 23% năm 2020)…