Quốc hội bàn giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp, tránh ‘được mùa mất giá’
Quốc hội đã đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Thực trạng và các giải pháp về phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới, đặc biệt trên lĩnh vực nông nghiệp đã được các đại biểu đưa ra.
Các đại biểu Quốc hội nhận định nông nghiệp chưa phát huy lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới. Nền nông nghiệp còn chịu nhiều rủi ro về thị trường dễ bị tổn thương. Những hạn chế đó không chỉ làm mất lợi thế của đất nước, mà còn đang hình thành những yếu tố bất lợi trong điều kiện hội nhập kinh tế.
Việc ban hành, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn có những bất cập, hạn chế. Tình trạng “được mùa, mất giá” vẫn tiếp tục tái diễn mà việc giải cứu nông sản (thanh long, chuối, khoai tây) thời gian vừa qua đã cho thấy cơ chế liên kết trong nông nghiệp còn bất cập, nhiều nơi chưa hiệu quả.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc ban hành, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn còn có những bất cập. Trong chương trình hỗ trợ, phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020, nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi đối với hợp tác xã nhưng số lượng hợp tác xã được hưởng chính sách hỗ trợ còn hạn chế.
Các chính sách chưa đi vào cuộc sống. Chẳng hạn như chính sách về tín dụng, cả nước chỉ có 35 hợp tác xã được vay gần 70 tỷ đồng vốn từ ngân hàng thương mại mà không cần tài sản bảo đảm. Còn không ít hợp tác xã muốn vay được vốn thì các thành viên hợp tác xã phải thế chấp bằng sổ đỏ của gia đình, vì vậy, chưa bảo đảm nguồn vốn cho hợp tác xã hoạt động.
Nghị định 55/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn quy định căn cứ vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp để cho vay lưu vụ, cơ cấu lại thời gian trả nợ gốc, lãi, nhưng các ngân hàng thương mại thực hiện không nghiêm túc, đến hạn người vay phải trả xong mới lập hồ sơ khoản vay mới. Điều này cũng là nguyên nhân người dân phải vay lại cao để trả nợ.
Hiện nay có gần 10.000 tác xã nông nghiệp nhưng chỉ có hơn 3.300 hợp tác xã hoạt động hiệu quả, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
“Đây là con số rất khiêm tốn, một con số không vui, có nguyên nhân từ bất cập về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã. Điều này đang báo hiệu đến năm 2020, việc phấn đấu có 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả sẽ không đạt”, đại biểu Mai Sỹ Diến nói.
Cũng quan tâm đến vấn đề nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa) đề xuất việc phát triển hợp tác xã và đầu tư cho công nghệ chế biến sau thu hoạch, công tác quy hoạch trong nông nghiệp cần phải tiếp tục được nghiên cứu và có giải pháp hiệu quả hơn.
Theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 6, ngày 27/10, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019; đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.