Rời bục giảng, cô giáo thành công với nông nghiệp sạch

17:26 | 24/10/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Quyết định rời bỏ bục giảng sau 8 năm gắn bó, cô giáo Nguyễn Thị Hương (Khoái Châu, Hưng Yên) quyết định theo đuổi đam mê thực sự của mình là kinh doanh. Chị quyết định khởi nghiệp với nông nghiệp sạch trước sự ngỡ ngàng của người thân, bạn bè và đồng nghiệp. Hiện nay, chị đã gây dựng được một nông trang lớn với thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi năm.

Sống với đam mê thực sự

Chị Hương tâm sự: “Nghe lời bố nên tôi miễn cưỡng theo nghề giáo. Càng làm lâu, tôi càng thấy nghề này không phù hợp với tính cách bản thân. Tôi luôn thích sự sáng tạo và đam mê kinh doanh. Vì vậy, trong thời gian dạy học, tôi vẫn góp vốn mở công ty về may mặc thời trang. Không được bao lâu, công ty đó làm ăn thua lỗ, dẫn đến phá sản”.

Nợ nần chồng chất, chị không biết làm gì để trang trải. “Cái khó ló cái khôn”, chị tìm hiểu và thấy nhu cầu thực phẩm sạch rất lớn. Hơn nữa, đầu tư vào nông nghiệp không cần nhiều vốn. Nghĩ vậy, chị quyết định nghỉ dạy học để tập trung thời gian, công sức đầu tư vào nông nghiệp và sống đúng với đam mê thực sự của bản thân. Tháng 7/2017, chị bắt tay xây dựng Nông trang Thư Thoại.

“Lúc đó, ai cũng can ngăn. Họ bảo tôi viển vông, thiếu suy nghĩ. Bố mẹ tôi còn tuyên bố sẽ từ mặt nếu bỏ nghề dạy học. Thế nhưng tôi vẫn quyết nghỉ để làm nông nghiệp”, chị Hương chia sẻ.

Sau một thời gian tìm hiểu chị bắt đầu làm nông trang tổng hợp. Chị mạnh dạn vay vốn 500 triệu đồng để gây dựng nông trang rộng 8 sào với hệ thống nhà lưới đầy đủ.

Rời bục giảng, cô giáo thành công với nông nghiệp sạch - ảnh 1
Các sản phẩm từ Nông trang Thư Thoại đang được người tiêu dùng ưa chuộng

Làm nông nghiệp sạch, chị nhận được sự hỗ trợ từ Phòng Nông nghiệp huyện như trang bị nhà sơ chế, bàn ghế phòng hành chính, có kĩ thuật viên về hướng dẫn các phương pháp làm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGap…

Vì chưa nắm được xu thế thị trường và không có kinh nghiệm, thời gian đầu, chị gặp rất nhiều khó khăn.

“Khó khăn lớn nhất lúc đó là chưa có đầu ra. Thêm vào đó, vụ đầu tiên vào đúng vụ rau đông, rau rất rẻ, su hào, bắp cải khắp nơi đang phải giải cứu nên rau bị xuống giá. Tôi chuyển hướng làm rau trái mùa nhưng rau không lên, thậm chí cỏ mọc nhiều hơn rau”, chị Hương cho biết thêm.

Sau đó, chị được cán bộ kĩ thuật nông nghiệp hướng dẫn, áp dụng các phương pháp sinh học để khống chế sâu bệnh. Ví dụ như khi các luống rau bị sâu bệnh, chị bơm đầy nước vào luống và đổ lớp dầu mazut lên trên, cuốn theo sâu bệnh đi hết.

Nông trang của chị không dùng phân bón hóa học mà bón cây bằng bột đậu tương. Để cải tạo nguồn nước, chị khoan giếng sâu và phơi nước từ 3 – 5 ngày làm cho kim loại nặng lắng xuống đáy và một số chất sẽ bay đi.

Rời bục giảng, cô giáo thành công với nông nghiệp sạch - ảnh 2
Chị Hương trực tiếp tham gia vào công việc làm nông

Khách hàng chủ yếu của Nông trang Thư Thoại là cư dân ở Ecopark Hà Nội. Chị Hương cho hay: “Trước đó, tôi mở cửa hàng ở Linh Đàm nhưng thấy lượng khách hàng không ổn định. Sau đó, tôi chọn Ecopark vì thấy hầu hết người dân ở đây phải mang thực phẩm sạch từ nội thành Hà Nội về rồi trữ đông ăn dần. Thấy được nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch của khu dân cư này rất lớn nên tôi chọn tấn công mạnh vào thị trường này”.

Ngoài Ecopark, Nông trang Thư Thoại còn cung cấp nông sản cho 10 trường mầm non và một số cơ sở bán buôn.

Thành công bằng niềm tin của khách hàng

“Sinh sau đẻ muộn” nên để cạnh tranh với các cửa hàng, siêu thị khác, chị tạo ra vòng tròn khép kín từ sản xuất đến phân phối, làm hạ giá thành sản phẩm.

“Thực tế, một số siêu thị thu mua nông sản từ người dân. Tuy nhiên giá rau sạch tại nông trang của người dân thấp hơn rất nhiều so với giá siêu thị đưa ra. Do chi phí vận chuyển và các khâu trung gian nên giá thành bị đội lên. Vì vậy, tôi muốn tạo ra vòng tròn khép kín không qua trung gian làm giảm giá thành rất nhiều”, chị Hương nói.

Rời bục giảng, cô giáo thành công với nông nghiệp sạch - ảnh 3

Hiện nay, Nông trang Thư Thoại đang liên kết sản xuất cùng 12 hộ nông dân với tổng cộng 3 mẫu đất. Chị Hương hướng dẫn họ làm theo đúng tiêu chuẩn VietGap rồi thu mua nông sản từ bà con.  

Với trang trại lợn, để thuyết phục họ đồng ý chăm sóc đàn lợn theo đúng tiêu chuẩn đưa ra, chị dày công đi mua lại thức ăn thừa từ các gia đình cung ứng lại cho trang trại lợn.

Sau hơn một năm, đến nay, Nông trang Thư Thoại đã có lượng khách ổn định. Trung bình mỗi ngày, chị có hơn 100 đơn hàng, doanh thu trung bình mỗi tháng là 150 triệu đồng.

Rời bục giảng, cô giáo thành công với nông nghiệp sạch - ảnh 4

Ngoài cửa hàng thực phẩm sạch tại Ecopark giai đoạn 1, chị Hương đang chuẩn bị mở thêm 2 cửa hàng nữa ở Long Biên và Ecopark giai đoạn 2.

Nhìn lại chặng đường mình đi, sau những vấp váp đầu tiên, chị đúc kết rằng, yếu tố quan trọng nhất khi kinh doanh thực phẩm sạch là phải làm khách hàng tin tưởng. Khi có niềm tin thì họ sẽ mua tất cả các sản phẩm mình bán. Thời gian đầu, để khách hàng tin tưởng, chị mang máy kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu, đạm thực vật… trước mặt khách hàng. Thấy các chỉ số an toàn của nông sản rất cao, họ mua thử sản phẩm và chia sẻ lên trang Facebook cá nhân, tạo ra sức lan tỏa lớn, mọi người truyền tai nhau về Nông trang Thư Thoại.

Thêm vào đó, chị sử dụng một vài chiến thuật marketing và chăm sóc khách hàng riêng như tặng cà chua miễn phí, ghi công nợ đến cuối tháng mới thu tiền, đổi trả tất cả các sản phẩm mà khách không ưng ý… Không chỉ vậy, chị còn đưa ra chính sách, nếu khách hàng mang túi riêng đi mua đồ, không dùng túi nylon thì sẽ được giảm giá 5%. Tại cửa hàng, chị sử dụng túi giấy thay túi nylon với mong muốn góp phần bảo vệ môi trường.

“Khi làm việc gì đó bằng tất cả tâm huyết thì mọi người sẽ hiểu và tin những gì mình làm. Vì vậy, nếu các bạn làm thật tâm, nỗ lực đến cùng thì khả năng thành công từ ngành này rất lớn”, chị Hương nhấn mạnh.

ĐỌC NHIỀU