Sân bay Đà Nẵng: Cần phát huy vai trò động lực phát triển các đô thị xung quanh
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Lê Quang Nam, sân bay Đà Nẵng cần phát huy vai trò là động lực phát triển các đô thị xung quanh trong thời kỳ tới.
Ngày 17/3, Sở GTVT Đà Nẵng cho hay, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Quang Nam vừa có văn bản 1326/UBND-SGTVT (ngày 10/3) gửi Bộ GTVT góp ý về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050. Trong đó đề nghị làm đúng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quy định của Luật Hàng không.
Làm đúng Luật Hàng không và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ
Tại văn bản góp ý số 1326/UBND-SGTVT (ngày 10/3), Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam cho hay, theo đề nghị của Bộ GTVT tại Công văn 469/BGTVT-KHĐT ngày 19/01/2021 về góp ý dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND TP Đà Nẵng đã giao các Sở ban ngành liên quan nghiên cứu hồ sơ báo cáo quy hoạch, tham mưu cho TP.
UBND TP Đà Nẵng đề nghị giữ nguyên Cảng HKQT Đà Nẵng là Cảng HKQT, cửa ngõ quốc gia như hiện nay theo Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và quy định của Luật Hàng không 2006.
Sân bay Đà Nẵng có tổng diện tích đất 861,29 ha; công suất năm 2019 đạt 15,53 triệu hành khách/năm
Trên cơ sở đó, UBND TP Đà Nẵng nêu rõ quan điểm: Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần đặt ra mục tiêu, định hướng rõ ràng cho việc phát triển theo các mô hình, xu thế mới theo kinh nghiệm các sân bay tiên tiến trên thế giới.
Đồng thời tạo động lực phát triển cho địa phương, vùng nói riêng, cho lĩnh vực GTVT nói chung, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời kỳ mới. Và cần nghiên cứu đặc thù của các sân bay để xác định các mô hình, xu hướng phát triển thích hợp cho mỗi sân bay, thay vì phát triển hầu hết giống nhau như hiện nay trên toàn quốc.
“Do vậy, đối với các sân bay trong đô thị, đặc biệt là sân bay Đà Nẵng cần có định hướng phát triển thích hợp, hiệu quả (như mô hình đô thị sân bay); khắc phục các hạn chế chỉ phục vụ mục đích giao thông, phát triển tách biệt và không có vai trò là động lực cho phát triển đô thị xung quanh!” – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam nhấn mạnh tại Công văn 1326/UBND-SGTVT (ngày 10/3).
Về tính toán, thiết kế công suất Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Đà Nẵng, theo UBND TP Đà Nẵng, sân bay Đà Nẵng có tổng diện tích đất 861,29 ha; công suất năm 2019 đạt 15,53 triệu hành khách/năm (so với công suất thiết kế, xây dựng năm 2016 - 2017 là 10 triệu khách/năm); công suất theo quy hoạch đến năm 2030 tại Quyết định 236/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ là 28 triệu khách/năm; công suất theo dự thảo Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 30 triệu khách/năm).
Trong khi đó, công suất định hướng đến năm 2050 theo dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang tiến hành lấy ý kiến góp ý là 40 triệu khách/năm (theo phương án 1); 30 triệu khách/năm (theo phương án 2).
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam nhấn mạnh: “Việc dự báo tăng trưởng thấp, thiếu chính xác của các giai đoạn quy hoạch và đầu tư trước đây đã liên tục gây quá tải tại sân bay Đà Nẵng, cần rút ra bài học kinh nghiệm cho các giai đoạn quy hoạch tiếp theo. Đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Tư vấn rà soát, khảo sát kỹ số liệu, thu thập số liệu tăng trưởng 05 năm của Cảng HKQT Đà Nẵng để đưa vào mô hình dự báo cho phù hợp!”.
Đề nghị làm đúng Luật Hàng không và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ
Về phân cấp Cảng HKQT Đà Nẵng, dự thảo của đơn vị Tư vấn đề xuất loại bỏ Cảng hàng không Đà Nẵng ra khỏi phân cấp Cảng HKQT cửa ngõ (đã được phê duyệt tại Quyết định 236/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT Hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến 2030) với lý do “phù hợp với nguồn lực đầu tư và công suất, quy mô tối đa của CHK Đà Nẵng”.
Theo lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, đề xuất như vậy của đơn vị Tư vấn lập dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 là chưa phù hợp với Luật Hàng không 2006 cũng như thực tế hiện nay của Cảng HKQT Đà Nẵng.
Đồng thời chưa xem xét đến Quy hoạch chung điều chỉnh TP Đà Nẵng đến 2030, tầm nhìn đến 2045 đã được Hội đồng Trung ương thẩm định thông qua trình Thủ tướng Chính phủ; chưa phù hợp với Nghị quyết 43/NQ-TW của Bộ Chính trị định hướng xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến 2030, tầm nhìn đến 2045 với quan điểm “kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển, các TP lớn trong cả nước và khu vực Đông Nam Á, châu Á – Thái Bình Dương”.
Trong khi đó, Đà Nẵng là một trong 5 TP lớn của cả nước, là cửa ngõ của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Chính sách phát triển của TP theo Nghị quyết 43/NQ-TW ngay giai đoạn hiện nay đến năm 2030 là dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tài chính, du lịch, công nghệ cao, logistic của khu vực Đông Nam Á; đẩy mạnh thu hút đầu tư các lĩnh vực chế tạo công nghệ cao, CNTT, công nghiệp hỗ trợ, logistic, xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường hàng không.
Riêng sân bay Đà Nẵng, nếu bị đưa ra ngoài phân cấp cảng HKQT cửa ngõ, sẽ bị hạn chế nhiều dự án đầu tư nâng cấp hạ tầng nhằm thực hiện các chức năng cốt lõi: làm sân bay dự bị chiến lược cho các đường bay quốc tế - quốc nội trên FIR Hồ Chí Minh, phục vụ hành khách với sản lượng 30 triệu khách/năm sau 2030, phát triển hạ tầng logistic hàng không gắn với chuỗi logistic đa phương thức, phát triển thị trường hàng không chung (General aviation) gắn với hành khách thương gia/VIP sử dụng tàu bay cá nhân khi Đà Nẵng đang dần phát triển trở thành trung tâm tài chính và du lịch quốc tế.
“Do đó, đề nghị Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam giữ nguyên Cảng HKQT Đà Nẵng là Cảng HKQT, cửa ngõ quốc gia như hiện nay theo Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và quy định của Luật Hàng không 2006!” – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam nhấn mạnh.
Vai trò là trung tâm logistics
Cách đây hơn 2 năm, Nghị quyết 43-NQ/TW (ngày 24/01/2019) của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh “có chính sách ưu tiên nguồn lực, chú trọng phát triển 5 lĩnh vực mũi nhọn của TP Đà Nẵng”; trong đó “cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics” là lĩnh vực mũi nhọn được xếp thứ 2 (sau du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng).
Nghị quyết 43-NQ/TW (ngày 24/01/2019) của Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh yêu cầu “kết nối hệ thống giao thông TP Đà Nẵng với các tỉnh lân cận, khu vực và quốc tế bằng đường bộ, đường biển, đường sắt và đường hàng không” và “nâng công suất Cảng HKQT Đà Nẵng” trong phần “Nhiệm vụ và giải pháp về phát triển kinh tế”.
Ngày 15/3/2021 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 359/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó nêu rõ: “Về giao thông đối ngoại, tiếp tục nâng cấp, mở rộng Cảng HKQT Đà Nẵng đạt công suất 30 triệu hành khách mỗi năm, cấp 4E, là cảng hàng không cửa ngõ quốc tế, quy mô diện tích đất khoảng 856ha. Phát triển, mở rộng đồng bộ các công trình cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không theo quy hoạch để trở thành trung tâm logistics chuyên dụng”.
Theo Quyết định 359/QĐ-TTg, Đà Nẵng là đô thị loại I trực thuộc trung ương
Theo Quyết định 359/QĐ-TTg, Đà Nẵng là đô thị loại I trực thuộc trung ương, trung tâm kinh tế lớn của quốc gia về du lịch, công nghiệp, thương mại, dịch vụ tài chính ngân hàng, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia; là đầu mối giao thông, viễn thông quan trọng trong vùng, quốc gia và quốc tế.
Đà Nẵng sẽ có vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đối mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa – thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế.
Đồng thời, Đà Nẵng là TP cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, TP đáng sống; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.
Phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính TP Đà Nẵng với tổng diện tích khoảng 129.046 ha, trong đó, diện tích đất liền khoảng 98.546 ha, diện tích huyện Hoàng Sa là 30.500 ha. Cùng với đó, quy mô dân số dự báo đến năm 2030 của Đà Nẵng đạt khoảng 1,79 triệu người, năm 2045 khoảng 2,56 triệu người, diện tích đất xây dựng đô thị sẽ đạt khoảng 31.836ha vào năm 2030 và đạt khoảng 35.054 ha đến năm 2045.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu địa phương chú trọng phát triển các trung tâm logistics và kho bãi bao gồm: Trung tâm logistics cảng Liên Chiểu, Trung tâm logistics ga Kim Liên mới, Trung tâm logistics Khu Công nghệ cao, Trung tâm logistics Hòa Nhơn, Trung tâm logistics cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, các trung tâm logistics nhỏ lẻ và kho bãi khác.
Minh Hoa